Nhiều ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013
Sáng 20-5, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ góp ý cho dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) Phan Xuân Dũng nêu rõ: Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025. Theo đó, Trung ương thống nhất chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này sẽ chỉnh sửa những điều, khoản liên quan đến các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định về chính quyền địa phương nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thông điểm nghẽn về thể chế giúp huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn, phản biện trình bày tham luận
Bà Bùi Kim Tuyến, Trưởng ban Tư vấn, phản biện (Liên hiệp Hội Việt Nam) cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung 8 điều của Hiến pháp, trong đó, tập trung vào 2 nội dung chính: Nội dung liên quan đến Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Nội dung Liên quan đến đơn vị hành chính.
Các nội dung dự kiến sửa đổi, gắn liền với việc tiếp tục triển khai việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, thống nhất về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.
Theo bà Bùi Kim Tuyến, Liên hiệp Hội Việt Nam hoàn toàn tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Do phạm vi sửa đổi không nhiều nên thời gian lấy ý kiến dự kiến một tháng là tương đối phù hợp. Cách thức triển khai lấy ý kiến bằng nhiều hình thức khác nhau và được phổ biến trong toàn dân.
Một trong những góp ý của bà Tuyến là đề nghị ban soạn thảo cân nhắc khi bổ sung nội dung 5 tổ chức (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) là các tổ chức chính trị - xã hội “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” (Khoản 2 Điều 9). Theo Từ điển tiếng Việt, trực thuộc nghĩa là “chịu sự lãnh đạo trực tiếp của một cấp nào đó”. Như vậy sẽ mâu thuẫn với bản chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là “tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu” quy định tại Khoản 1 Điều 9. Bà Tuyến gợi ý có thể thay từ “trực thuộc” bằng cụm từ “là thành viên nòng cốt”.

TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu ý kiến
Đồng tình với ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định trong Hiến pháp là cần thiết để thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho rằng, việc này cần thực hiện sớm nhằm tạo điều kiện để thực hiện và hoàn thành sớm Đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Văn Tân, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 chỉ nên tập trung vào những vấn đề có liên quan trực tiếp đến nội dung Đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Những vấn đề khác chưa thật sự cần thiết thì nên để dịp khác phù hợp hơn.
Một trong những ý kiến góp ý của TS. Phạm Văn Tân là tại Điểm 1, Điều 110 ghi: “Các đơn vị hành chính của nước CHXHCN Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Theo ông Tân, thực tế trong Đề án sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã nêu rõ việc bỏ cấp huyện. Các đơn vị hành chính gồm cấp tỉnh và cấp xã. Trong trường hợp đặc biệt, nhất là đối với các vùng hải đảo thì có thêm các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Vì vậy, cần quy định rõ nội dung này, cụ thể như sau: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính cấp xã, phường và trong trường hợp đặc biệt có thêm các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. TS. Phạm Văn Tân cho rằng việc ghi cụ thể như vậy để trách việc lách Hiến pháp, Luật sau này.