Sửa Hiến pháp: Tranh luận chữ 'trực thuộc' giữa MTTQ với 5 tổ chức chính trị - xã hội

Nhiều ý kiến tranh luận khi góp ý sửa đổi bổ sung quy định tại Điều 9 Hiến pháp 2013 về nội dung 5 tổ chức chính trị - xã hội 'trực thuộc' Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tại hội nghị Đánh giá sơ bộ kết quả lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi một số điều của Hiến pháp trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam chiều 20/5, nhiều ý kiến trái chiều về cụm từ “trực thuộc” khi nói về mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam với 5 tổ chức chính trị - xã hội.

Mâu thuẫn nếu dùng cụm từ “trực thuộc”

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu khoản 1 Điều 9 Hiến pháp 2013: MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Trong đó, 5 tổ chức chính trị - xã hội gồm: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

Ông Túc đề nghị không nên để cụm từ “các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam” vì bản chất chữ “trực thuộc” thể hiện sự trên - dưới; mà nên để “các tổ chức chính trị - xã hội là thành viên nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam”.

“Nguyên tắc của Mặt trận là “Hiệp thương dân chủ - Hợp tác bình đẳng - Đoàn kết chân thành - Tôn trọng lẫn nhau”, nếu dùng từ "trực thuộc" thì có thể hiện được nguyên tắc đó không?”, ông Túc lập luận.

Về nguyên tắc hoạt động các tổ chức chính trị - xã hội “phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam”, ông Túc đề xuất thay từ “dưới” thành từ “với”.

GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước. Ảnh: Quang Vinh

GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước. Ảnh: Quang Vinh

Đồng quan điểm với ông Túc, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phân tích: Bản chất của MTTQ là liên minh chính trị, liên hợp tự nguyện, không áp đặt, mệnh lệnh, không mang tính cấp trên, cấp dưới. Nếu dùng từ “trực thuộc” - theo từ điển tiếng Việt là “chịu sự lãnh đạo trực tiếp vào cấp trên” thì lại thể hiện có cấp trên, cấp dưới.

“Nếu viết “trực thuộc”, “dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam” lại mâu thuẫn với khoản 1 Điều 9. Cần diễn đạt lại cho suôn sẻ để phù hợp bản chất của MTTQ Việt Nam và phù hợp thực tiễn hiện nay”, bà Doan bày tỏ.

Không nên quá câu nệ từ ngữ

Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lại cho rằng, dùng từ “trực thuộc” không ảnh hưởng tới hoạt động mang tính tương đối độc lập của các tổ chức chính trị - xã hội.

Các tổ chức chính trị - xã hội sẽ đưa về đơn vị dự toán cấp 2 (trước là cấp 1), đều nằm trong sự chỉ đạo chung của Đảng bộ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hệ thống tổ chức của Đảng khớp với cơ chế hoạt động, bộ máy của tổ chức.

“Nhiều người băn khoăn về vấn đề trực thuộc, e ngại nguy cơ hành chính hóa, song tôi nghĩ, khi các tổ chức chính trị - xã hội về MTTQ lại chính là đang khắc phục hành chính hóa trong hoạt động”, ông Tuấn bày tỏ quan điểm.

TS Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Quang Vinh

TS Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Quang Vinh

Cũng theo ông Tuấn, cụm từ “dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam” không khác gì “với/theo sự chủ trì của MTTQ Việt Nam”, đều đảm bảo sự lãnh đạo tập trung. Để cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của chúng ta đạt mục tiêu tinh gọn mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả thì không nên quá câu nệ từ “dưới” hay “với” hoặc “theo”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề cập một vấn đề cần quan tâm khác: Sau khi Cương lĩnh của Đảng được sửa đổi thêm, sẽ đến lúc Hiến pháp chỉ còn để MTTQ Việt Nam đại diện trung tâm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sẽ phải nghiên cứu xem có nên quy định về các tổ chức chính trị - xã hội trong Hiến pháp không.

Đại diện cộng đồng doanh nhân ở phía Nam, TS. Trần Việt Anh khẳng định vai trò quan trọng của 5 tổ chức chính trị - xã hội, nhưng cũng đồng tình với phương án sử dụng cụm từ “trực thuộc”, bởi ông cho rằng “trực thuộc” hay “dưới quyền” cũng chỉ là câu chữ mà thôi.

Tha thiết đề nghị giữ nguyên thành phố thuộc tỉnh

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Trần Đình Thiên khuyến nghị không nên chẻ câu chữ khi tiếp cận, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ông Thiên đề xuất hội nghị tập trung vào nội dung quan trọng hơn, đó là xé các đô thị trực thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thành các phường (đơn vị cấp cơ sở).

PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Quang Vinh

PGS.TS Trần Đình Thiên. Ảnh: Quang Vinh

“Về mặt kinh tế, bỏ tên 1 thành phố trực thuộc thì mất nhiều thứ. Thành phố Đà Lạt chẳng hạn, là 1 tọa độ thu hút sự phát triển, chứ không chỉ là 1 tên gọi. Thành phố là thương hiệu có thể định giá tới hàng tỷ đô. Bây giờ Hội An không còn nữa đồng nghĩa một đô thị du lịch lẫy lừng thế giới mất đi. Nếu chúng ta hành xử không khéo sẽ sinh ra hệ quả sau này, mất nhiều thời gian, chi phí cho việc không đáng có”, ông Thiên băn khoăn.

Vì vậy, ông Thiên tha thiết đề nghị giữ nguyên thành phố thuộc tỉnh như đơn vị chính quyền cơ sở, không chia cắt thành các phường. Vì đô thị là 1 tổ hợp phát triển có tính thống nhất, liên kết. Nếu tách sẽ không còn là tổ hợp cộng hưởng cho sự phát triển, rất lãng phí.

Mặt khác, giữ nguyên chính quyền đô thị cũng phù hợp với tinh giản biên chế, tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy, còn nếu xé ra thì bộ máy sẽ tăng lên.

GS.TS Trần Ngọc Đường. Ảnh: Quang Vinh

GS.TS Trần Ngọc Đường. Ảnh: Quang Vinh

GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh vai trò của đô thị lớn, thành phố thuộc tỉnh là “trung tâm, động lực phát triển quan trọng, có tính lan tỏa lớn giữa các địa phương, thậm chí cả một vùng”.

Ông Đường dẫn số liệu cho thấy, cả nước hiện có 53 thị xã, 85 thành phố thuộc tỉnh với quy mô, trình độ phát triển khác nhau, được hình thành lâu năm trong quá trình giao thương, đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo quy luật tự nhiên, theo nhu cầu phát triển khách quan, và theo quy hoạch của nhà nước.

GSTS. Trần Ngọc Đường đề xuất “nên giữ lại các thành phố/thị xã thuộc tỉnh, dẫu to hay nhỏ, gọi đó là chính quyền cơ sở, để tạo điều kiện cho sự phát triển".

Các tổ chức thành viên, MTTQ các tỉnh đã tổ chức 6.558 hội nghị lấy ý kiến, với tổng số 717.712 ý kiến góp ý, trong đó 715.617 ý kiến tán thành, 2.095 ý kiến tán thành và có đề nghị sửa đổi, hoàn thiện hơn đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tranh-luan-chu-truc-thuoc-trong-quan-he-mttq-voi-5-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-2403151.html
Zalo