Đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang: Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Sáng 20-5, Tổ đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang, đơn vị số 3 tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tại cuộc thảo luận, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã tích cực nghiên cứu và tham gia đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, chất lượng đối với các nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013.

Đại biểu Phan Quang Châu, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc thảo luận.

Đại biểu Phan Quang Châu, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc thảo luận.

Theo đó, các đại biểu cơ bản đồng tình, thống nhất cao với sự cần thiết, nội dung và phạm vi dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013; đồng thời, khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Hiếp pháp sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, thực hiện chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến vào các nội dung cụ thể trong dự thảo Nghị quyết như: Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tại Điều 9, kiến nghị giữ nguyên khoản 2 Điều 115 "Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân".

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu cho rằng nếu đại biểu HĐND mà không có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân là không thỏa đáng. Khi đơn vị hành chính không còn cấp huyện nữa thì Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân được tổ chức theo khu vực, đại biểu HĐND sẽ chất vấn cả Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp khu vực để đảm bảo tính dân chủ không bị thụt lùi.

Những ý kiến đóng góp tại cuộc thảo luận sẽ được tổng hợp đầy đủ để báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm Hiến pháp thật sự là nền tảng pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Quang cảnh buổi thảo luận.

Quang cảnh buổi thảo luận.

Dự thảo nghị quyết lần này đề xuất sửa đổi 8 điều trong tổng số 120 điều của Hiến pháp năm 2013, tập trung vào hai nhóm nội dung chính: Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định về đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Dự thảo cũng đưa ra điều khoản chuyển tiếp nhằm bảo đảm quá trình sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền hai cấp diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn.

Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để làm rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm bớt sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

HỮU TÂM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202505/dai-bieu-hdnd-tinh-tien-giang-gop-y-du-thao-nghi-quyet-sua-doi-bo-sung-hien-phap-nam-2013-1043089/
Zalo