Nhiều nghịch lý khiến hàng hóa nội địa lép vế trên 'sân nhà'

Câu chuyện tràn ngập nhiều loại hàng hóa nhập khẩu với mức giá rẻ đang chứa đựng nhiều nghịch lý khiến cho hàng Việt lép vế, mất thị phần ngay trên 'sân nhà'. Để hóa giải khó khăn của doanh nghiệp nội địa và sức ép cạnh tranh trước khối ngoại cần phải khắc chế những nghịch lý này, từ các vấn đề về chi phí, giá thành sản xuất cho đến phòng vệ thương mại và các chính sách hỗ trợ đồng bộ hơn.

Ghi nhận thị trường rau quả ở Tp.HCM vào cuối tháng 5/2024 cho thấy nhiều loại trái cây giá rẻ của Thái Lan, Trung Quốc đang tràn ngập các chợ truyền thống lẫn siêu thị. Nhất là các loại trái như măng cụt, sầu riêng mini, mây, chôm chôm được các thương lái nhập từ Thái Lan có mức giá thấp hơn 30-40% so với năm trước.

Giá thành cao làm sao cạnh tranh?

Mức giá rẻ của trái cây nhập là tốt với người tiêu dùng, nhưng với ngành hàng trái cây Việt lại là một thách thức lớn khi vừa phải chịu cảnh mất mùa và vừa gặp áp lực cạnh tranh về giá cả. Bởi lẽ không ít loại trái cây trong nước tuy có mức giá cao trong khi chất lượng và hình dáng bề ngoài lại không hấp dẫn như trái cây Thái Lan, Trung Quốc nói riêng và trái cây nhập khẩu nói chung.

Tràn ngập trái cây nhập khẩu trong các siêu thị đang là một thách thức cho ngành hàng trái cây nội địa.

Tràn ngập trái cây nhập khẩu trong các siêu thị đang là một thách thức cho ngành hàng trái cây nội địa.

Trong khi đó, số liệu cập nhật mới nhất đã nêu rõ trong 5 tháng đầu năm nay kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt 816 triệu USD, tăng trên 14% so với cùng kỳ 2023. Đây là con số đáng lo ngại cho trái cây Việt trên bước đường cạnh tranh khi khó tránh có thể thua ngay trên “sân nhà”.

Nhiều ý kiến cho rằng nghịch lý của trái cây Việt là giá thành cao ngất ngưỡng (gồm chi phí logistics, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc nông nghiệp…luôn ở mức cao) nên điểm bất lợi về mặt cạnh tranh khi tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Còn với trái cây giá rẻ của Thái Lan, chi phí vận chuyển sang Việt Nam trong thời điểm này đã giảm 20-30% so với năm trước (thậm chí một số thương lái vận chuyển hàng bằng đường bộ qua Campuchia rồi sang Việt Nam còn có chi phí thấp hơn).

Không riêng gì ngành hàng trái cây, nhiều loại hàng hóa nhập khẩu khác với mức giá rẻ đang là mối đe dọa lớn cho hàng Việt ngay trên “sân nhà”. Điển hình như mặt hàng thép Trung Quốc giá rẻ đang tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn.

Theo báo cáo cập nhật ngành thép được Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cập nhật hôm 28/5 đã chỉ rõ sức ép từ thị trường Trung Quốc. Theo đó, thị trường thép Việt Nam chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thép Trung Quốc với hai yếu tố chính. Thứ nhất là cạnh tranh với các nhà sản xuất thép nội địa. Thứ hai là giá thép Việt Nam chịu ảnh hưởng từ sự biến động của giá thép Trung Quốc, với sự tương quan cao giữa các thị trường.

“Hiện nay, các cổ phiếu ngành thép đang giao dịch ở mức P/B (đo lường giá cổ phiếu) trung bình 03 năm, cho thấy triển vọng hồi phục năm 2024 đã bắt đầu phản ánh vào giá cổ phiếu, trong khi vẫn còn những rủi ro ngắn hạn về biến động giá nguyên liệu và sức ép từ thị trường Trung Quốc”, phía VDSC lưu ý.

Diễn biến hiện tại cho thấy lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang các các nước (trong đó có Việt Nam) vẫn duy trì ở mức cao (trong bối cảnh mức tiêu thụ của thị trường nội địa còn thấp).

Riêng 4 tháng đầu năm nay sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất có xuất xứ từ Trung Quốc, với 3,67 triệu tấn, tương đương gần 2,36 tỷ USD, tăng 78% về lượng, tăng 52,8% kim ngạch nhưng giảm 14% về giá so với 4 tháng đầu năm 2023, chiếm 68,3% trong tổng lượng và chiếm 60,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.

Giới quan sát lưu ý thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc vào Việt Nam với số lượng lớn nhưng không phải chịu biện pháp phòng vệ thương mại nào là một nghịch lý.

Cần nhắc lại, cách đây 2 tháng, có hai doanh nghiệp (DN) sản xuất thép lớn trong nước gồm Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thế nhưng sau động thái nêu trên, có 12 DN tôn mạ và ống thép Việt Nam (là những DN sử dụng nguyên liệu đầu vào với mặt hàng thép HRC của Trung Quốc) lại đồng thuận gửi công văn đến các cơ quan liên quan để phản biện trước khả năng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Thế là quá trình điều tra chống bán phá giá đành phải cân nhắc. Trong khi đó, như ở Thái Lan hiện tại đang muốn mở rộng các biện pháp chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc.

Cần khắc chế các nghịch lý

Thực tế cho thấy không chỉ với sắt thép, do dư thừa công suất ở nhiều lĩnh vực khác, trong khi thị trường nội địa tiêu thụ còn chậm, nên Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng giá rẻ vào Việt Nam.

Điều này cũng được thể hiện rõ vào số liệu nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến nay. Riêng tháng 5/2024 kim ngạch nhập khẩu đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 148,76 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,9 tỷ USD.

Với việc gia tăng nhập khẩu như vậy khiến cho hàng hóa nội địa bị chèn ép khốc liệt bởi hàng hóa ngoại nhập ở tất cả các phân khúc. Đặc biệt là thị trường Việt Nam trở thành “miếng mồi ngon” cho hàng hóa từ Trung Quốc.

Như ở ngành sơn phủ và mực in. Ông Vương Bắc Đẩu, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Sơn - Mực in Việt Nam (VPIA) bày tỏ lo ngại các DN nội địa ở ngành hàng đang gặp thách thức lớn từ các DN Trung Quốc có xu hướng chuyển dịch sản xuất vào Việt Nam.

Điều đó khiến cho thị phần của khối nội ở ngành hàng sơn phủ và mực in (vốn đang chiếm 40% thị phần, còn 60% thị phần đang thuộc khối ngoại) có thể co hẹp lại dù thị trường có khởi sắc trở lại. Bởi lẽ, nếu xét về mặt cạnh tranh thì các DN của khối nội gặp khó hơn khối ngoại về chi phí, giá thành còn ở mức cao, trong khi việc tiếp cận vốn vay cũng hạn chế nên gặp khó khăn khi nhập khẩu nguyên liệu.

Nhân những vấn đề nêu trên, cũng nên lưu tâm đến số liệu mới công bố hôm 29/5 của Tổng cục Thống kê. Đó là số DN rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm nay là 97,3 nghìn DN, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,5 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Ngược lại, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong năm tháng qua ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Không những thế, tính chung năm tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,01 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,26 tỷ USD. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,27 tỷ USD. Như vậy có thể thấy khối ngoại đang giúp cho Việt Nam xuất siêu chứ không phải là các DN nội địa.

Từ những nghịch lý như thế sẽ thấy việc lép vế của hàng hóa nội địa trước khối ngoại ngay trên “sân nhà” như một lẽ đương nhiên. Đây là thử thách để các DN trong nước tiếp tục có những thay đổi tích cực hơn nhằm khắc chế các nghịch lý để nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành. Điều đó cần khâu chính sách hỗ trợ một cách đồng bộ hơn nhằm hóa giải các sức ép cạnh tranh cho khối nội.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nhieu-nghich-ly-khien-hang-hoa-noi-dia-lep-ve-tren-san-nha-1100085.html
Zalo