Nhãn đặc sản Hưng Yên được giá, hút khách

Thời điểm này, các nhà vườn, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang bước vào thu hoạch nhãn. Một số giống nhãn đặc sản là nhãn cùi cổ, nhãn cùi vân, nhãn đường phèn được đông đảo khách hàng, thương lái đặt mua.

Người dân xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên thu hoạch nhãn. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Người dân xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên thu hoạch nhãn. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh hiện trồng khoảng 5.000ha nhãn; trong đó, có khoảng 1.000 ha trồng các giống nhãn cùi cổ, đường phèn, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Khoái Châu.

Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, gia đình ông Trịnh Văn Hữu ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên đã huy động thêm người để thu hoạch nhãn. Năm nay, gia đình ông Hữu trồng 1 mẫu giống nhãn đường phèn quả vuông, dự kiến sẽ thu về trên 6 tấn quả.

Ông Trịnh Văn Hữu chia sẻ, nhãn đường phèn quả vuông là giống nhãn quý của địa phương. Khi chín vai hai bên nhô lên, trông giống hình vuông. So với các giống nhãn khác nhãn đường phèn quả vuông năng suất không cao nhưng bù lại quả rất đều, đẹp, cùi giòn, róc hạt và có vị đậm thơm nên rất được khách hàng ưu chuộng. Đến nay, gia đình đã thu hoạch được 6 tạ, chủ yếu là khách đặt làm quà biếu. Hiện nay, mỗi ngày khách đặt trung bình từ 2-3 tạ nhãn, với giá bán trung bình từ 70.000 - 80.000 đồng/kg. Dự tính khoảng 1 tuần nữa gia đình ông sẽ thu hoạch xong.

Gia đình ông Trịnh Văn Cương cũng đang tất bật chuẩn bị đủ số lượng nhãn để giao cho khách hàng. Ông Cương cho biết, hơn 1 mẫu nhãn đường phèn quả vuông của gia đình được trồng từ năm 1995 và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên công nhận là vườn cây đầu dòng vào năm 2022. Năm nay, gia đình ông thu hoạch nhãn từ ngày 23/7, đến nay đã thu hoạch được khoảng 70%, chủ yếu là thương lái đặt với số lượng lớn và các đơn vị đặt làm quà biếu. Gia đình ông dự kiến thu hoạch được khoảng 7 tấn, với giá bán trung bình 70.000 đồng/kg nên gia đình rất phấn khởi.

Những ngày này, anh Nguyễn Quốc Hưng ở tỉnh Nam Định đang tìm đến các nhà vườn ở thành phố Hưng Yên để tham quan và tìm mua nhãn. Anh Hưng khá bất ngờ khi được giới thiệu các loại nhãn, bởi trước đây anh chỉ nghe tên gọi chung chung là "nhãn lồng" Hưng Yên là một loại nhãn đặc sản tiến vua chứ chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến các loại nhãn quý với những tên gọi độc đáo như ở đây. Được thưởng thức giống nhãn đường phèn quả vuông ngay tại vườn nên anh Hưng quyết định đặt 50kg để về làm quà cho gia đình.

Tại Hợp tác xã Sản xuất nhãn lồng Nễ Châu của bà Trần Thị Bắc, thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên, gần 1 tấn nhãn cùi cổ đã được bán hết trong vòng 1 tuần. Điều này càng khiến bà bất ngờ bởi đây là giống nhãn quý trong các giống nhãn ở Hưng Yên có giá cao từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình bà lãi khoảng 80 triệu đồng.

Bà Bắc cho biết, giống nhãn cùi cổ của gia đình được trồng cách đây hơn 100 năm, do bố chồng của bà trồng tại vườn nhà. Nhãn có cùi giòn và róc hạt, đậm vị thơm mật ong không thua kém gì giống nhãn đường phèn, người dân địa phương quen gọi là nhãn cụ Uyển (tên bố chồng bà Bắc). Nhận thấy giá trị của cây nhãn cùi cổ, năm 1996, gia đình bà đã chiết để nhân rộng ra vườn nhà, đến nay gia đình bà có 30 cây nhãn cùi cổ.

Bà Bắc cho biết thêm, năm nay toàn hợp tác xã có 18 ha; trong đó, có khoảng 6 ha trồng nhãn đặc sản là nhãn cùi cổ, nhãn đường phèn, nhãn đường phèn quả vuông. Đến thời điểm này, các thành viên trong hợp tác xã đang tất bật thu hoạch nhãn. Dù giá nhãn khá cao nhưng hầu hết các hộ cũng đã tìm được nguồn tiêu thụ, chủ yếu là thương lái ở các thành phố lớn và các siêu thị, cửa hàng nông sản lớn.

"Chất lượng đã làm nên thương hiệu cho "nhãn lồng" Hưng Yên nên người dân sẵn sàng bỏ số tiền lớn để thưởng thức những loại nhãn ngon", bà Bắc chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50 nguồn gen nhãn đang sản xuất ở các địa phương; trong đó, trên 40 nguồn gen có nguồn gốc bản địa. Điều này không chỉ làm tăng giá trị vùng trồng nhãn của Hưng Yên mà còn có ý nghĩa quan trọng về nguồn gen thực vật bản địa, giá trị về ẩm thực vùng miền và giá trị văn hóa, du lịch của Hưng Yên.

Để bảo tồn, phát triển nguồn gen nhãn, vải đặc sản của Hưng Yên; đồng thời giúp cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên cây trồng đặc sản của tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân, ngày 31/12/2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2918/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển vùng trồng nhãn, vải đặc sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của đề án đến năm 2025, tỉnh Hưng Yên cơ bản bảo đảm nguồn gen nhãn, vải hiện có của tỉnh được kiểm kê, đánh giá, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gen nhãn, vải.

Tỉnh dự kiến xây dựng mới khu bảo tồn và duy trì bảo tồn hiện trạng cây nhãn tổ; bảo tồn nguyên trạng đối với các cây nhãn, vải có chất lượng ngon, quý hiếm tại vườn của các chủ hộ sở hữu; thành lập vườn bảo tồn chuyển vị các nguồn gen nhãn, vải của tỉnh.

Cùng đó, các địa phương trong tỉnh tập trung cải tạo, thay thế các vườn nhãn tạp, cây già cỗi cho năng suất, chất lượng thấp bằng các giống đặc sản, có giá trị kinh tế cao; trong đó, mở rộng diện tích trồng các giống nhãn đường phèn, nhãn cùi cổ chiếm từ 15 - 20% diện tích nhãn của tỉnh.

Quang Nhiều (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nhan-dac-san-hung-yen-duoc-gia-hut-khach-20240803143452212.htm
Zalo