Nhiều khu vực bờ biển ở Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng

Khu vực bờ biển thuộc các xã Tịnh Kỳ, An Phú (TP Quảng Ngãi); xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) bị sạt lở, đe dọa sự an toàn của nhiều hộ dân và ảnh hưởng các công trình dân sinh.

Thấp thỏm bên bờ sạt lở

Kè chống sạt lở bờ biển thôn Kỳ Xuyên (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) dài 1.050m được UBND tỉnh Quảng Ngãi đầu tư xây dựng từ tháng 11/2021 đến tháng 11/2022.

Công trình đưa vào sử dụng đã góp phần đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng kỹ thuật, ổn định đời sống cho khoảng 130 hộ dân trong khu vực.

Thế nhưng, ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn và gió mạnh cuối tháng 12/2024, khu vực bờ kè xảy ra tình trạng sạt lở mái taluy, với chiều dài khoảng 15m, rộng 0,2-0,3m; sâu 1m.

Thân kè bị sạt lở, nứt toác.

Thân kè bị sạt lở, nứt toác.

“Chúng tôi rất lo lắng khi công trình kè chống sạt lở bờ biển lại bị sạt lở. Sóng biển cũng xâm thực gây sạt lở các khu vực chưa được kè, làm trơ gốc hàng dương liễu trên bãi biển”-ông Võ Hồng Nhanh (thôn Kỳ Xuyên, xã Tịnh Kỳ) cho biết.

Ngay khi xảy ra sạt lở, UBND xã Tịnh Kỳ đã huy động các lực tổ chức gia cố bằng bao cát nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Sóng lớn gây sạt lở bờ biển và đánh vỡ đường bê tông.

Sóng lớn gây sạt lở bờ biển và đánh vỡ đường bê tông.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của gió đông bắc thổi mạnh gây sóng lớn, từ đầu tháng 2/2025 đến nay, bờ biển ở thôn Phổ An (xã An Phú, TP Quảng Ngãi) bị sạt lở nghiêm trọng. Nước biển xâm thực và làm hư hỏng cả đoạn đường bê tông.

Nhà ở của 30 hộ dân và công trình kè chống sạt lở bờ biển thôn Phổ Trường cũng đang bị đe dọa. UBND TP Quảng Ngãi đã chỉ đạo xã An Phú khoanh vùng khu vực sạt lở, gia cố bằng đá hộc, bao cát; đặt biển cảnh báo người dân và du khách không đi vào khu vực nguy hiểm.

Chính quyền địa phương huy động lực lượng gia cố khu vực sạt lở.

Chính quyền địa phương huy động lực lượng gia cố khu vực sạt lở.

Thế nhưng, thời tiết vùng biển Quảng Ngãi những ngày qua có gió mạnh, sóng lớn nên tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra.

Được biết, để chống sạt lở và đảm bảo cuộc sống nhân dân, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư 85 tỷ đồng xây dựng khẩn cấp bờ kè chống sạt lở ở xã An Phú. Đến giữa năm 2022, bờ kè hoàn thành, dài 750m.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, điểm cuối bờ kè chưa được xây dựng kiên cố đã bị sạt lở đất, xâm thực vào bờ biển, ngay vị trí đang bị sạt lở trong những ngày qua.

Không chỉ tại TP Quảng Ngãi, những năm gần đây, khu vực cửa biển Sa Cần thuộc thôn Tân Hy 1 và thôn Sơn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn) bị sạt lở nghiêm trọng.

Lo sợ nguy hiểm đến tính mạng, một số hộ dân đã rời bỏ nhà cửa, cư ngụ nơi khác.

Lo sợ nguy hiểm đến tính mạng, một số hộ dân đã rời bỏ nhà cửa, cư ngụ nơi khác.

Đặc biệt, trong năm 2024, nhiều vị trí sạt lở đã lấn đến chân nhiều móng nhà, đe dọa sự an toàn tính mạng, đất đai, tài sản của người dân sinh sống trong khu vực.

Cần giải pháp căn cơ

Trước thực trạng nhiều khu vực bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn của người dân và ảnh hưởng các công trình dân sinh, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và họp bàn giải pháp ứng phó.

Tại khu vực sạt lở ở xã Tịnh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi Trần Phước Hiền giao UBND TP Quảng Ngãi tổ chức thực hiện bảo trì công trình theo các quy định về xây dựng, khắc phục xử lý ngay hư hỏng và gia cố thêm để bảo vệ khóa đầu kè công trình kè bờ biển thôn Kỳ Xuyên.

Đối với đề xuất tiếp tục đầu tư xây dựng kè, UBND TP Quảng Ngãi chủ động cân đối, bố trí kinh phí đầu tư dự án trong khả năng ngân sách thành phố; trường hợp vượt khả năng cân đối vốn, báo cáo UBND tỉnh xem xét, bố trí đầu tư dự án.

Tại khu vực sạt lở bờ biển xã An Phú, ông Trần Phước Hiền yêu cầu chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình sạt lở, bố trí lực lượng xung kích để kịp thời ứng phó, gia cố bờ biển khi xảy ra sạt lở.

Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND TP Quảng Ngãi và các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp chống sạt lở, xâm thực bờ biển trước mắt. Đồng thời, nghiên cứu tham mưu tỉnh giải pháp chống sạt lở lâu dài, bảo vệ an toàn khu dân cư và công trình của nhà nước.

“Qua thực tế kiểm tra hiện trường, tỉnh xác định đây là việc khẩn cấp phải làm ngay từ nguồn kinh phí của thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình làm, thành phố phải phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trước đây để đưa ra giải pháp ban đầu cho đảm bảo tính hiệu quả và tiết kiệm nhất”- ông Hiền nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền (thứ hai từ phải qua) kiểm tra khu vực sạt lở cửa Sa Cần.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền (thứ hai từ phải qua) kiểm tra khu vực sạt lở cửa Sa Cần.

Với khu vực cửa biển Sa Cần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở NN&PTNT chủ trì, tiếp thu ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương liên quan, hoàn chỉnh phương án khắc phục sạt lở, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu, đề xuất nguồn vốn thực hiện dự án để đảm bảo đầu tư hoàn thành công trình kè chống sạt lở trong năm 2025.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-khu-vuc-bo-bien-o-quang-ngai-bi-sat-lo-nghiem-trong.html
Zalo