Nhiều GV, NV hợp đồng tại Bình Thuận bị hạ lương: Sao có cách làm 'lạ' thế?
Việc hạ bậc lương đối với giáo viên, nhân viên hợp đồng đã có thời gian công tác lâu năm sẽ khiến người lao động sẽ bị thiệt thòi, dễ tạo tâm lý chán nản.
Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải một số bài viết nêu lên tâm tư của giáo viên, nhân viên hợp đồng tại một số địa phương của tỉnh Bình Thuận về việc bị hạ bậc lương.
Ngoài ra, trong các bài viết cũng nêu lên sự việc đáng quan tâm khi có nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng tại huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Nam dù công tác nhiều năm, có người hợp đồng hơn chục năm, thậm chí có người hợp đồng hơn 15 năm vẫn chưa được vào biên chế.
Hạ bậc lương với đối tượng hợp đồng nhiều năm là cách làm "lạ", chưa thấy nơi nào làm tương tự
Chia sẻ một số quan điểm liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư Trần Hậu - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Khoa học - giáo dục và Môi trường (nay là Hội đồng tư vấn về Khoa học công nghệ và Chuyển đổi số) thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cách làm của một số địa phương tại tỉnh Bình Thuận như vậy là không hợp lý. Thậm chí, điều này có thể khiến các giáo viên nhụt chí, bỏ nghề gây tổn thất lớn về nhân lực cho ngành giáo dục.

Phó Giáo sư Trần Hậu - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Khoa học - giáo dục và Môi trường (nay là Hội đồng tư vấn về Khoa học công nghệ và Chuyển đổi số) thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: NVCC
"Để đảm bảo quyền lợi với các giáo viên hợp đồng có thâm niên, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 5378/BNV-CCVC năm 2019 về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước. Theo đó, Bộ này cũng đã có đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về công tác tuyển dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Không biết hiện địa phương này đã tuyển đủ viên chức theo chỉ tiêu được giao hay chưa nhưng đây là một điều cho thấy sự bất cập khi giao quyền tuyển dụng nhân lực ngành giáo dục cho địa phương tuyển. Nếu vẫn còn chỉ tiêu mà những đối tượng đã ký hợp đồng lâu năm này vẫn chưa được vào biên chế thì rất thiệt thòi cho họ”, Phó Giáo sư Trần Hậu bày tỏ.
Đề cập về việc một số địa phương tại tỉnh Bình Thuận đang thực hiện chủ trương hạ bậc lương đối với lao động hợp đồng có thâm niên, đang hưởng bậc lương cao sau nhiều năm phấn đấu xuống bậc 1, bằng mức khởi điểm như người mới vào, Phó Giáo sư Trần Hậu cho rằng đó là điều bất hợp lý.
Vị Ủy viên Hội đồng tư vấn về Khoa học - giáo dục và Môi trường nhấn mạnh rằng: "Tại sao lại có địa phương của tỉnh Bình Thuận có cách làm "lạ" như vậy? Tôi chưa thấy nơi nào áp dụng cách làm này. Việc hạ bậc lương đối với những giáo viên, nhân viên hợp đồng đã có thời gian công tác lâu năm sẽ khiến người lao động sẽ bị thiệt thòi, dễ tạo tâm lý chán nản.
Trên thực tế, thu nhập của các đối tượng lao động hợp đồng sẽ thấp hơn so với những người đã vào biên chế. Nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng bám trụ và đeo đuổi với nghề vì họ luôn có niềm tin rằng có một ngày họ sẽ được vào biên chế. Vì thế, nếu thực hiện chính sách hạ bậc lương như một số địa phương tại tỉnh Bình Thuận đang làm sẽ khiến họ giảm nhiệt huyết cống hiến, thậm chí là có tư tưởng bỏ nghề. Điều này có ảnh hưởng đến rất lớn đến chất lượng giáo dục và sự ổn định nhân sự trường học".
Phó Giáo sư Trần Hậu cho rằng, với chính sách cởi mở nhằm thu hút giáo viên, nhân viên giỏi, có kinh nghiệm và gắn bó lâu năm, nhiều tỉnh thành đã tìm các phương án để giữ chân lao động.
"Để không gây xáo trộn tâm lý của các cá nhân là lao động hợp đồng, trước mắt địa phương này cần xem xét việc tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển đặc cách cho những người đủ điều kiện theo quy định phát luật hiện hành.
Đồng thời, thực hiện việc khôi phục mức lương hiện hưởng phù hợp với thời gian công tác và cống hiến của giáo viên để họ yên tâm tiếp tục làm việc. Thậm chí có chính sách khích lệ với đội ngũ giáo viên đã có thâm niên. Cuối cùng là cần minh bạch hơn về chính sách và có lộ trình rõ ràng cho người lao động về hình thức hợp đồng", Phó Giáo sư Trần Hậu nhấn mạnh.
Hợp đồng mãi không được vào biên chế, làm sao giáo viên phấn đấu hết mình được
Cùng chung quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cách làm của một số địa phương tại tỉnh Bình Thuận khi không xem xét ưu tiên với giáo viên, nhân viên hợp đồng lâu năm vào biên chế là chưa phù hợp với chủ trương chung.
Qua đó, vị nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nên có sự rà soát và vào cuộc kịp thời để không làm ảnh hưởng đến tâm lý và quyền lợi của những giáo viên, nhân viên hợp đồng có nhiều năm.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động
"Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu ngành giáo dục và các địa phương phải đảm bảo yêu cầu về số lượng, chất lượng của đội ngũ giáo viên để đảm bảo việc dạy học trong năm học mới không bị gián đoạn.
Tôi cũng không hiểu vì sao những đối tượng giáo viên, nhân viên hợp đồng công tác lâu năm ở đó lại chưa được vào biên chế. Đáng lẽ ra, nếu những người đang làm đó đủ các điều kiện yêu cầu, khi địa phương có đợt tuyển dụng thì phải ưu tiên trước hết cho họ", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.
Qua đó, theo ông Dĩnh việc, được xem xét cho đối tượng có hợp đồng lâu năm và tăng lương theo lộ trình là một động lực rất lớn để các giáo viên, nhân viên hợp đồng phấn đấu và đeo đuổi. Vì thế, khi không có chế độ ưu tiên với người có hợp đồng lâu năm mà còn hạ bậc lương của họ nó đồng nghĩa với việc làm giảm đi động lực, quyết tâm của nhiều người. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giáo dục và sự phát triển chung của các nhà trường.
"Hiện tại khi lấy ý kiến dự thảo Luật Nhà giáo, Quốc hội cũng đã đưa ra rất nhiều điều khoản thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ giáo viên, trong đó có sự quan tâm về chế độ, chính sách. Vì thế quá trình tuyển dụng vào biên chế đối với các đối tượng hợp đồng lâu năm tại tỉnh Bình Thuận cũng cần được lãnh đạo địa phương này rà soát, đánh giá và có điều chỉnh phù hợp", ông Dĩnh nhận định.

Tiến sĩ Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: VOV
Còn theo quan điểm của Tiến sĩ Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, về nguyên tắc khi tuyển dụng vào biên chế tại các cơ quan, đơn vị công lập thì luôn có sự ưu tiên đối với người đã có hợp đồng lao động thâm niên.
Vì thế, sự việc được báo chí phản ánh khi có nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng lâu năm tại một số địa phương của tỉnh Bình Thuận chưa vào biên chế, đồng thời bị hạ lương xuống bậc 1 cũng cần được lãnh đạo tỉnh này vào cuộc xem xét giải quyết.
"Thông thường những đối tượng là lao động hợp đồng đã cống hiến nhiều năm, nếu họ không bị kỷ luật thì không có lý do gì mà lại không xem xét ưu tiên cho họ vào biên chế. Qua sự việc này, các địa phương cũng cần xem lại công tác rà soát về đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng trên địa bàn để đảm bảo quyền lợi của mọi đối tượng đều được đảm bảo", ông Thang Văn Phúc cho hay.