Châu Á - Thái Bình Dương: Khu vực tăng trưởng 'nóng' của lĩnh vực du thuyền toàn cầu

Thay cho các khu vực truyền thống như Địa Trung Hải hay Caribbean, nhiều năm gần đây, làn sóng các du thuyền cá nhân chuyển hướng sôi nổi về Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, Sri Lanka hay Maldives.

Động lực từ giới siêu giàu

Theo Fortune Business Insight, thị trường du thuyền xa xỉ toàn cầu đạt 8,75 tỉ USD vào năm 2024, và dự kiến chạm mốc 17,3 tỷ USD vào năm 2032. Trong đó, Châu Á - Thái Bình Dương đang là khu vực tăng trưởng "nóng", dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vài năm tới.

Nguyên nhân chính là sự xuất hiện đông đảo các cá nhân thuộc tầng lớp siêu giàu. Báo cáo Tài sản Thế giới (Global Wealth Report - UBS) cho thấy số lượng cá nhân siêu giàu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với tài sản trên 50 triệu USD có mức tăng trưởng 13% mỗi năm, ước đạt mốc 123.000 người vào năm 2027, chiếm khoảng một phần ba tổng số cá nhân siêu giàu toàn cầu. Từ đó, kéo theo sự gia tăng số lượng du thuyền, siêu du thuyền và nhu cầu khi hơn 60% của nhóm siêu giàu này ưu tiên các trải nghiệm xa xỉ, trong đó du thuyền là lựa chọn hàng đầu cho các kỳ nghỉ riêng tư hoặc các sự kiện giải trí dành cho doanh nghiệp.

Báo cáo Asia - Pacific Superyacht Report 2025 cũng chỉ ra khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 ghi nhận 530 siêu du thuyền đặc biệt, với chiều dài trung bình từ 30m trở lên. Đây là con số ấn tượng khi năm 2022, họ ghi nhận 372 du thuyền đặc biệt trong khu vực.

Riêng tại Thái Lan, lưu lượng du thuyền cập bến du thuyền quốc tế tại Phuket, Koh Samui và Pattaya tăng trưởng 63% từ 2022 đến 2024. Đáng chú ý, nhiều chủ là người dân nội địa. Chia sẻ với tạp chí Nikkei Asia, CEO của V Yachts Asia (Thái Lan) cho biết: "10 năm trước, 80% khách hàng của chúng tôi là khách quốc tế. Hiện nay, 75% là người Thái".

Bệ phóng từ cơ sở hạ tầng cao cấp và loạt chính sách hỗ trợ

Sự mở rộng của hạ tầng du lịch biển là một động lực then chốt khác thúc đẩy thị trường du thuyền hạng sang tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các chính phủ trong khu vực đang đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển bến du thuyền, dịch vụ liên quan, câu lạc bộ du thuyền và các khu nghỉ dưỡng ven biển nhằm thu hút khách du lịch giàu có.

Danh sách các điểm đến hấp dẫn cho du thuyền cá nhân (thống kê trên Nikkei Asia), Việt Nam không góp mặt.

Danh sách các điểm đến hấp dẫn cho du thuyền cá nhân (thống kê trên Nikkei Asia), Việt Nam không góp mặt.

Đại diện ấn tượng nhất có thể kể đến khu vực tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Mang biệt danh "Hawaii của phương Đông" với chính sách miễn thuế hấp dẫn, vị trí thuận lợi gần các thành phố ven biển đáng sống như Thượng Hải và Hồng Kông, ngành du lịch du thuyền phát triển sầm uất, sở hữu 14 bến du thuyền quốc tế và 2.511 điểm neo đậu du thuyền.

Tính đến tháng 6/2024, Hải Nam là "ngôi nhà chung" cho hơn 13.000 doanh nghiệp liên quan, chiếm gần 41% tổng số doanh nghiệp ngành du thuyền của Trung Quốc. Riêng thành phố Tam Á, trong nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận khoảng 58.000 lượt du thuyền ra vào cảng tại Tam Á, phục vụ khoảng 367.000 lượt khách tham quan mang lại nguồn thu khổng lồ. Những phát triển này cho thấy mối quan hệ cộng sinh giữa hạ tầng du lịch biển, chính sách và thị trường du thuyền hạng sang đang bùng nổ trong khu vực.

Tại Malaysia, dịch vụ bảo trì đang tạo năng lực cạnh tranh so với Thái Lan. Nhiều chủ du thuyền tại Phuket, cũng thường xuyên xoay bánh lái đến đảo Langkawi của Malaysia để hưởng miễn thuế hàng xa xỉ và thuế giá trị gia tăng đối với phụ tùng thay thế. Bên cạnh đó, bến du thuyền quốc tế Langkawi của Malaysia đã được nâng cấp để phục vụ siêu du thuyền, biến nơi đây thành điểm đến ưa thích của các chủ du thuyền quốc tế.

Riêng năm 2022, khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, ít nhất 2 siêu du thuyền thuộc sở hữu của tỷ phú Nga đã "đổi cờ" sang Malaysia. Tương tự, đảo Boracay của Philippines đã đưa dịch vụ cho thuê du thuyền hạng sang vào các gói du lịch cao cấp, thu hút du khách từ Châu Âu và Bắc Mỹ.

Liên tục hết chỗ đậu vào mùa cao điểm tại Royal Phuket Marina.

Liên tục hết chỗ đậu vào mùa cao điểm tại Royal Phuket Marina.

Năng lực đổi mới sáng tạo trong dịch vụ

Sự chuyển dịch mạnh mẽ của ý thức tiêu dùng xanh, nhiều nhà sản xuất du thuyền khu vực đang triển khai các giải pháp thay thế bền vững, mang đến trải nghiệm không phát thải. Phần lớn các đơn vị đã tích hợp vật liệu tiên tiến, hệ thống lọc nước, xử lý rác thải khép kín trong du thuyền. Bên cạnh đó, các chính phủ trong khu vực cũng đang thúc đẩy các hoạt động hàng hải thân thiện môi trường thông qua trợ cấp và ưu đãi thuế.

Điển hình, cơ quan Cảng biển và Hàng hải Singapore (MPA) hiện cung cấp các khoản tài trợ cho những du thuyền đáp ứng tiêu chuẩn môi trường khắt khe, từ đó khuyến khích chủ tàu hướng đến giải pháp bền vững. Nhiều đơn vị cũng tích hợp công nghệ thông minh, như hệ thống định vị GPS và các dịch vụ tự động hóa trên tàu, càng tăng thêm sức hút cho cả mục đích nghỉ dưỡng lẫn kinh doanh du thuyền.

Theo Báo cáo Tài sản Toàn cầu của Allianz, hơn 40% nhóm cá nhân siêu giàu tại Châu Á - Thái Bình Dương ưa thích mô hình sở hữu chung hoặc sở hữu chia phần, giúp giảm chi phí ban đầu, đồng thời mang lại sự linh hoạt. Bám sát thị hiếu, nhiều đơn vị kinh doanh du thuyền, thông qua các câu lạc bộ du thuyền, thúc đẩy kết nối khách hàng, đưa ra gói thương mại hấp dẫn.

Không chỉ hướng tới khách sở hữu, ngành du lịch du thuyền còn sinh lợi nhờ bám sát xu hướng thuê du thuyền, đáp ứng bối cảnh kinh tế toàn cầu. Với mức thu nhập tăng cùng quan điểm sống mới, không chỉ "rich kid" mà thế hệ trẻ lao động tự thân cũng ngày càng "chịu chi" để làm giàu trải nghiệm hoặc thỏa mãn đam mê cá nhân.

Du lịch và trải nghiệm mới là động lực làm việc của Gen Z ở khu vực Đông Nam Á, với tỉ lệ 71%, theo nghiên cứu của ngân hàng HSBC thực hiện vào tháng 6/2024. Nhiều gói dịch vụ cho thuê tùy chỉnh ra đời, khai thác thị trường nội địa và khu vực với nhóm người trẻ có thu nhập cao. Phuket Yacht Charter của Thái Lan đã ra mắt các chuyến du ngoạn theo chủ đề, bao gồm các hoạt động chăm sóc sức khỏe và khám phá ẩm thực.

Bến đậu tại ONEº15 Marina (Singapore) luôn hoạt động hết công suất dẫu chi phí thuê bãi khoảng 10.000 USD/tháng.

Bến đậu tại ONEº15 Marina (Singapore) luôn hoạt động hết công suất dẫu chi phí thuê bãi khoảng 10.000 USD/tháng.

Thực trạng khả quan kể trên còn thúc đẩy sự phát triển "ăn theo" của ngành đóng tàu, thuê du thuyền, du lịch thể thao nước và các hoạt động giải trí trên bờ liên quan. Loại hình du lịch tàu biển, du thuyền này được các chuyên gia nhận định mang lại doanh thu cao hơn khoảng 40% so với du lịch bằng đường không hay đường bộ. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), du lịch biển đóng góp hơn 50 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế khu vực, trong đó hoạt động du thuyền hạng sang ngày càng giữ vai trò nổi bật.

Vậy, Việt Nam ở đâu trong bức tranh ngành công nghiệp du lịch - giải trí du thuyền đang nóng lên trong khu vực này?

Uyên Bùi

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/chau-a-thai-binh-duong-khu-vuc-tang-truong-nong-cua-linh-vuc-du-thuyen-toan-cau-c8a96836.html
Zalo