Nhiều giải pháp thúc tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Để thúc tiến độ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, chủ đầu tư và các nhà thầu đã ký cam kết, triển khai nhiều giải pháp, tập trung nguồn lực, thi công '3 ca, 4 kíp'...
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ- Cà Mau) có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng.
Đoạn dự án được chia làm hai dự án thành phần. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài hơn 37km, mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 73km mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.
Theo báo cáo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư), tính đến ngày 21/9, sản lượng thi công dự án đạt 42%, chậm 15% so với kế hoạch.
Trong đó, đã xử lý đất yếu bằng phương pháp gia tải hơn 91km tuyến chính; hoàn thành 28 cầu, 89 cầu còn lại, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.
Để thúc tiến độ dự án, từ đầu tháng 9/2024, chủ đầu tư và các nhà thầu đã ký cam kết huy động tài chính, thiết bị, vật tư để triển khai thi công. Trong đó, tập trung huy động nguồn cát đạt 70% so với nhu cầu.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, điều kiện tiên quyết để hoàn thành dự án trong năm 2025 là hoàn thành công tác đắp cát gia tải.
Sau thời gian nỗ lực, hiện nay, nguồn cát cho dự án đã cơ bản được tháo gỡ. Các nhà thầu sẽ cố gắng khai thác toàn bộ nguồn cát sông và cát biển. Từ đó, tập trung đắp gia tải đối với đoạn tuyến còn lại trong năm 2024.
Để đảm bảo mục tiêu đưa dự án về đích vào cuối năm 2025, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho hay, ông đã yêu cầu các nhà thầu lập lại kế hoạch thi công chi tiết đối với các hạng mục còn lại của dự án một cách khoa học, đảm bảo bù được tiến độ bị chậm.
Đồng thời, ưu tiên nguồn lực tài chính, huy động thiết bị, máy móc, nhân lực thi công "3 ca, 4 kíp", làm việc xuyên lễ, xuyên Tết, thường xuyên kiểm tra, giám sát để bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật.
Cạnh đó, bố trí đầy đủ nhân sự nội nghiệp phối hợp với chủ đầu tư thực hiện công tác nghiệm thu, thanh toán, tránh để công trường thiếu hụt về nguồn tài chính.
Ngoài ra, Ban cũng yêu cầu tư vấn giám sát kiểm tra, rà soát điều hành và đôn đốc nhà thầu trong công tác huy động thiết bị, vật tư theo tiến độ cam kết. Có báo cáo và tham mưu kịp thời các giải pháp xử lý nếu có nhà thầu chậm trễ thực hiện.