Tháng 6-2025 phủ sóng di động tại các 'vùng lõm'
Tiếp tục phiên chất vấn sáng nay 12-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin và làm rõ nhiều vấn đề về việc phủ sóng di động tại các vùng lõm, bảo đảm chất lượng dịch vụ viễn thông cho người dân vùng sâu, vùng xa…
Trả lời các đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn), Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) về vấn đề phủ sóng viễn thông ở vùng sâu vùng xa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, các cơ quan, đơn vị, người dân hoạt động nhiều hơn trên không gian mạng, mới phát hiện khá nhiều vùng lõm sóng.
Cũng trong giai đoạn Covid-19, bằng cơ chế đặc biệt do Quốc hội cho phép, các doanh nghiệp đã phủ sóng được 2.500 thôn bản lõm sóng, hiện còn hơn 700 vị trí.
Trong số này, có khoảng 140-150 vị trí ở khu vực chưa có điện, 100 vị trí không thuộc vùng khó khăn, thuộc trách nhiệm, của nhà mạng phủ sóng...
Làm rõ thông tin phần tranh luận của đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Thuận), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, việc xóa hơn 700 vùng lõm sóng mới phải thực hiện theo quy định mới, trong khi nghị định hướng dẫn chưa được ban hành và chậm trễ.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó, các bộ, ngành còn có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, khi quy định mới chưa được ban hành, trách nhiệm vẫn thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang cố gắng hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành nghị định trong tháng 12-2024, từ đó tạo ra cơ chế thông thoáng hơn cho xây dựng các trạm phát sóng ở vùng sâu, vùng xa, tạo tiền đề để nhà mạng phủ sóng di động tại hơn 700 vùng lõm sóng. Với những trạm chưa có điện, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải quyết.
Bộ trưởng cho biết đã yêu cầu nhà mạng đến tháng 6-2025 phải phủ sóng tất cả các vùng lõm sóng. Vì nếu không có sóng viễn thông, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, nhất là đây gần, toàn bộ cuộc sống đã xoay quanh môi trường số.
Bộ trưởng cũng thông tin thêm việc chỉ đạo các nhà mạng đưa dịch vụ viễn thông tầm thấp về Việt Nam, đến những nơi không thể phủ sóng bằng di động mặt đất hoặc không hiệu quả, khó triển khai.
Về vấn đề trạm phát sóng không đảm bảo chất lượng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đã nhận thức về việc này. Điều quan trọng nhất là cần có công cụ đo đơn giản để người dân, địa phương có thể đo được.
“Bộ đã giao các sở thông tin và truyền thông đánh giá chất lượng mạng lưới ở địa phương. Khi chất lượng không đạt, các sở yêu cầu nhà mạng khắc phục. Hằng quý, Bộ tổng hợp số liệu đo được của các nhà mạng, công bố công khai, để người dân tự do lựa chọn, gia tăng tính cạnh tranh giữa các nhà mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, giữa khu vực thành phố và nông thôn còn có độ vênh phủ sóng di động.
Đối với các hộ nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, Bộ đã đôn đốc nhà mạng phủ sóng, mục tiêu đặt ra là phủ sóng trong năm 2024.
Về việc tắt sóng 2G, Bộ trưởng thông tin, ở các nước, việc tắt sóng một công nghệ cũ được thực hiện khi chỉ còn dưới 2% số lượng người sử dụng. Còn ở Việt Nam, khi tắt sóng 2G, chỉ còn 0,2% người dùng.
Từ khi chưa tắt sóng 2G, các nhà mạng đã triển khai chính sách tặng máy cho khách hàng để bảo đảm liên lạc. Việc phủ sóng công nghệ 3G, 4G phải bảo đảm tương đương với 2G.
Về giải pháp cho người dân tham gia môi trường số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, đầu tiên là chủ động ngăn chặn, kiểm soát toàn bộ không gian mạng; thứ hai là đào tạo, tuyên truyền nâng cao sức đề kháng, đào tạo kỹ năng số, đặc biệt là chương trình đào tạo trực tuyến bằng tiếng dân tộc.
Hiện có 220.000 cộng tác viên có thể đến từng nhà để tuyên truyền. Năm nay lần đầu tiên, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đại hội của những người làm công tác thông tin ở cơ sở.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ họp bàn với Bộ Giáo dục và Đào tạo, nâng cấp dạy môn tin học và đưa vào môn kỹ năng số cho học sinh phổ thông...