Có thể khai thác kỹ thuật đường băng sân bay Long Thành vào dịp kỷ niệm 30/4/2025

Hạng mục đường cất hạ cánh của sân bay Long Thành sẽ được rút ngắn tiến độ 3 tháng, có thể khai thác kỹ thuật trước ngày 30/4/2025.

Đây là thông tin có trong báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

"Khai thác kỹ thuật" đồng nghĩa với việc đường băng được lắp đặt đầy đủ thiết bị thông tin tín hiệu hàng không, có thể triển khai các chuyến bay hiệu chuẩn bằng máy bay chuyên dụng.

Thời gian qua, hệ thống khu bay gồm đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ của sân bay Long Thành được nhà thầu tích cực triển khai với hơn 2.000 nhân sự, hơn 500 máy móc và 50 mũi thi công trên thực địa. Khối lượng thi công đến nay đã đạt 42,2% so với giá trị hợp đồng, dự kiến hoàn thành và khai thác kỹ thuật đường cất hạ cánh trước ngày 30/4/2025.

 Công trường xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Công trường xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Về hạ tầng giao thông kết nối, gói thầu 6.12 sản lượng đạt hơn 55%. Tuyến đường kết nối T1 dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2025, trong khi các nút giao quan trọng sẽ hoàn tất trước tháng 8 và tháng 10 cùng năm, đảm bảo kết nối thuận lợi vào sân bay.

Đối với hạng mục sân đỗ tàu bay (gói thầu 4.7) đã khởi công từ tháng 9/2024, dự kiến hoàn thành vào ngày 11/8/2026. Hiện tại, các đơn vị thi công đang chuẩn bị mọi nguồn lực để thực hiện đúng tiến độ.

Các hạng mục khác như gói thầu 4.8 về giao thông nội cảng, hạ tầng kỹ thuật đã chọn được nhà thầu, sắp khởi công. Còn gói thầu 4.9 về hệ thống nhiên liệu tàu bay, cũng đã sẵn sàng thi công với cam kết hoàn thành đúng kế hoạch trong vòng gần hai năm tới.

Được biết, hiện ACV đã báo cáo, xin xây dựng luôn đường cất hạ cánh thứ hai với kinh phí dự kiến 3.455 tỷ đồng ở giai đoạn 1. Theo lãnh đạo ACV, điều này không ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư dự án thành phần 3. Việc bổ sung đường băng này dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào ngày 5/11/2024. Nếu được thông qua, dự kiến sẽ đi vào thi công từ cuối năm 2025, hoàn thiện vào quý 3/2026.

Đại diện ACV cho biết thêm việc đầu tư thêm đường cất hạ cánh số 2 thời điểm này sẽ tận dụng các cơ sở hạ tầng đang phục vụ thi công giai đoạn 1, không ảnh hưởng đến hoạt động khi đưa cảng giai đoạn 1 vào khai thác.

Nếu sau năm 2026, khi sân bay Long Thành đã đi vào hoạt động mới tiến xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2 sẽ gây ra nhiều hệ lụy, bởi đất tại sân bay Long Thành có đặc thù là đất đỏ, bụi sét mịn nên quá trình thi công đường cất hạ cánh sẽ phát tán bụi mịn, ảnh hưởng công tác vận hành của sân bay, gây ô nhiễm môi trường, có thể gây nguy hiểm đến hoạt động của tàu bay.

Ngoài ra, đường cất hạ cánh thứ 2 còn giúp đảm bảo an toàn bay, dự phòng khi đường cất hạ cánh số 1 gặp sự cố.

Song song đó, ACV cũng mong sớm mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách từ TP.HCM đến và đi sân bay Long Thành.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định nhiều hạng mục tại sân bay Long Thành đang thi công nhanh, nhưng vẫn có một số dự án thành phần chậm, nhất là dự án thành phần 4. Do đó, các đơn vị liên quan cần đề ra giải pháp cụ thể để triển khai đồng bộ các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ chung toàn dự án.

Theo ông Sơn, 10 ý kiến của thành viên Đoàn công tác đều thống nhất, đồng tình việc xây dựng đường cất hạ cánh thứ 2 tại sân bay Long Thành. Những đề xuất, kiến nghị về sân bay Long Thành sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị ACV lưu ý đảm bảo các hạng mục tại sân bay Long Thành đều sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại; hợp tác đào tạo nguồn nhận lực phục vụ sân bay. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét, hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối sân bay Long Thành cả về đường bộ và đường sắt.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/co-the-khai-thac-ky-thuat-duong-bang-san-bay-long-thanh-vao-dip-ky-niem-3042025-94764.html
Zalo