Nhiều giải pháp phòng ngừa bạo lực học đường

Xác định công tác phòng, chống bạo lực học đường (BLHĐ) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các đơn vị trường trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống BLHĐ, duy trì các mô hình tư vấn tâm lý cho học sinh nhằm phòng ngừa BLHĐ.

Học sinh Trường THCS thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh) tham dự buổi tuyên truyền an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường

Học sinh Trường THCS thị trấn Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh) tham dự buổi tuyên truyền an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường

Hàng năm, vào dịp đầu năm học, Sở GD&ĐT ban hành văn bản chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện, thành phố và đơn vị trực thuộc triển khai công tác quản lý BLHĐ; tổ chức kiểm tra phòng, chống BLHĐ và hướng dẫn xử lý những vi phạm liên quan đến BLHĐ tại các trường. Sở GD&ĐT phối hợp Công an tỉnh, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến về đảm bảo an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội, BLHĐ.

Phòng GD&ĐT huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường tuyên truyền phòng, chống BLHĐ bằng nhiều hình thức như lồng ghép thông qua sinh hoạt dưới cờ, phát thanh măng non. Duy trì các mô hình: Tổ tư vấn tâm lý học đường, Tổ quản lý học sinh, Câu lạc bộ tuổi 15... nhằm hỗ trợ, tư vấn cho học sinh khi có vấn đề trong học tập và cuộc sống. Mô hình Tổ tư vấn tâm lý học đường được duy trì tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh. Mỗi cơ sở giáo dục đều bố trí phòng tư vấn tâm lí, có đơn vị bố trí phòng riêng được trang bị đầy đủ bàn ghế, tài liệu tham khảo, có đơn vị ghép chung với phòng Đoàn, Đội. Hỗ trợ giáo viên thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lý học đường, Sở GD&ĐT phối hợp Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho giáo viên làm đầu mối phụ trách công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội tham gia.

Tại huyện Cao Lãnh, thực hiện kế hoạch của Sở GD&ĐT về phòng, chống BLHĐ, Phòng GD&ĐT phối hợp Công an huyện đến tuyên truyền phòng, chống BLHĐ, phòng, chống tệ nạn xã hội tại các điểm trường. Phòng GD&ĐT huyện quan tâm, tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý, giáo viên các điểm trường tham dự tập huấn kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống về BLHĐ. Thầy Mai Thành Nghĩa - giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường THCS thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, cho biết: “Từ đầu năm học 2024 - 2025 đến nay, trường phối hợp Công an huyện tổ chức 1 cuộc tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông, phòng, chống BLHĐ cho học sinh của trường. Tại buổi tuyên truyền, lực lượng Công an huyện tuyên truyền cho học sinh hiểu biết về BLHĐ, các nguyên nhân, hậu quả của BLHĐ để các em biết và phòng, chống. Không chỉ tuyên truyền, giáo viên còn tích cực giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua việc tích hợp nội dung này vào quá trình giảng dạy hoặc qua hoạt động Đoàn - Hội - Đội. Đặc biệt, trường có mô hình Câu lạc bộ tuổi 15 với thành viên là giáo viên Tổng phụ trách Đội và học sinh chăm ngoan, học giỏi của trường. Các thành viên trong Câu lạc bộ chủ động nắm thông tin học sinh có biểu hiện mâu thuẫn với bạn bè để kịp thời phối hợp với giáo viên giải quyết, tư vấn tâm lý cho các em, góp phần ngăn chặn BLHĐ xảy ra”.

Tại huyện Tháp Mười, Phòng GD&ĐT phối hợp Công an huyện đến tuyên truyền phòng, chống BLHĐ, phòng, chống tệ nạn xã hội tại các điểm trường trong huyện. Riêng từ đầu năm học 2024 - 2025 đến nay, Phòng GD&ĐT phối hợp Công an huyện tổ chức 2 buổi tuyên truyền phòng, chống BLHĐ với hơn 800 học sinh tham gia.

Thầy Trần Quốc Tỷ - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, chia sẻ: “Công tác tuyên truyền phòng, chống BLHĐ được trường lồng ghép trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt đầu năm học, sinh hoạt dưới cờ và các hoạt động ngoại khóa. Trường cho 100% học sinh làm cam kết không vi phạm BLHĐ, đồng thời phát huy tốt vai trò của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong việc tiếp nhận, xử lý từ sớm, từ xa các thông tin, vụ việc liên quan đến học sinh để phòng, chống BLHĐ”.

Ông Ngô Thanh Sang - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tháp Mười, cho biết: “Cùng với các biện pháp tuyên truyền, trong các đợt kiểm tra chuyên môn hàng năm tại các điểm trường, Phòng GD&ĐT lồng ghép kiểm tra công tác phòng, chống BLHĐ. Mỗi năm kiểm tra từ 15 - 20% các điểm trường trong huyện, trong đó tập trung kiểm tra tại các điểm trường có yếu tố thường hay xảy ra mâu thuẫn trong học sinh.

Cùng với việc kiểm tra, Phòng GD&ĐT huyện phối hợp Công an huyện lập danh sách những học sinh có biểu hiện về đạo đức kém, có hành vi gây mâu thuẫn với bạn đưa vào danh sách cần quan tâm để nhắc nhở kịp thời. Riêng những học sinh cá biệt, trước đây có mâu thuẫn với bạn bè sẽ đưa vào nhóm danh sách thuộc Công an huyện và Phòng GD&ĐT quản lý, giáo dục”.

Trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống BLHĐ tại các điểm trường; tập huấn chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên những kiến thức, kỹ năng trong xử lý tình huống xảy ra BLHĐ; duy trì các Tổ tư vấn tâm lý học đường để tư vấn, giải đáp, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh mâu thuẫn trong học sinh, góp phần ngăn chặn, phòng, chống BLHĐ và đảm bảo an ninh trường học.

MỸ XUYÊN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/giao-duc/nhieu-giai-phap-phong-ngua-bao-luc-hoc-duong-126418.aspx
Zalo