Thay đổi nếp nghĩ - thay đổi tương lai

Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì bên cạnh đó, vẫn còn không ít vấn đề tồn tại trong nhận thức, nếp nghĩ, cách làm... cần được thay đổi.

Phụ nữ DTTS trên địa bàn xã Nhi Sơn (Mường Lát) học nghề làm tóc.

Trải qua những gian khó, vất vả và cả vượt lên những định kiến đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người Mông, cuối cùng Sung Thị Pa Nhia, Sung Thị Tông, Va Thị Nính... đã thực hiện được ước mơ - từng bước thay đổi tương lai của chính mình, trở thành những cô giáo người Mông đầy tự hào. Trong câu chuyện với họ, tôi cảm nhận rõ niềm vui. Nhưng còn cả những băn khoăn, chia sẻ.

Như lời tâm tình của cô giáo Sung Thị Tông: “Em tự hào là một trong những cô giáo đầu tiên ở bản Xía Nọi. Nhưng em cũng buồn, buồn vì bản mình còn nghèo quá, người trong bản vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học, việc đến trường, vẫn còn nặng tư tưởng con gái người Mông chỉ cần học cho biết cái chữ! Vì thế mà nhiều bạn nữ trong bản bỏ dở việc học, ở nhà lấy chồng, sinh con... Cũng không có nhiều người coi trọng việc phải học nghề, có nghề. Chừng nào người trong bản vẫn còn xem nhẹ việc học, có lẽ chừng ấy cái nghèo, cái khó còn “bó” lấy người phụ nữ Mông...”.

Không chỉ riêng bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn), ở nhiều bản làng người Mông trên địa bàn huyện Mường Lát, chuyện con gái người Mông “chỉ học cho biết chữ” vốn không phải chuyện hiếm. Và tình trạng nữ sinh người Mông trên địa bàn huyện Mường Lát bỏ học về lấy chồng cũng chẳng phải chuyện hi hữu. Thực tế ấy, không chỉ khiến người làm giáo dục trăn trở, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của người phụ nữ về sau.

Khi người phụ nữ thiếu tri thức, hạn chế giao tiếp và cả không có nghề, cuộc đời lầm lũi gắn bó với ruộng nương, sinh con đẻ cái... thật khó tránh khỏi câu chuyện nhiều phụ nữ vùng đồng bào DTTS vẫn còn đói nghèo, cam chịu và phụ thuộc. Như chia sẻ của bà Hà Thị Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát: “Là huyện vùng cao đồi núi hiểm trở, địa hình chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ là DTTS còn thụ động trong làm kinh tế, cam chịu khó khăn, đói nghèo”.

Cũng theo bà Hà Thị Nhơn, một trong những vấn đề cần được quan tâm hiện nay để giúp chị em phụ nữ DTTS sinh sống ở các huyện miền núi cao nói chung, phụ nữ trên địa bàn huyện Mường Lát nói riêng, đó là câu chuyện có nghề. Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ngành... phụ nữ DTTS đã được tạo điều kiện tiếp cận, hỗ trợ vay vốn phục vụ sản xuất, chăn nuôi... Tuy nhiên, để những nguồn vốn vay thực sự hiệu quả thì câu chuyện học nghề và dạy nghề cho chị em cần được quan tâm hơn nữa. Đó có thể là các kiến thức, nghề về trồng trọt, chăn nuôi, hay nghề thủ công dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương... Khi người phụ nữ có nghề và thay đổi tư duy, nếp nghĩ thì câu chuyện thoát nghèo, phát triển kinh tế sẽ thuận lợi hơn.

Đồng quan điểm, bà Mai Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Thanh cho rằng: “Trong câu chuyện hỗ trợ chị em phụ nữ DTTS phát triển kinh tế hiện nay, vấn đề về vốn vay đã được quan tâm, hỗ trợ khá nhiều. Một điều không kém phần quan trọng là chị em phụ nữ cần thay đổi tư duy, có khát vọng thoát nghèo, chủ động làm kinh tế. Khi có khát vọng, quyết tâm thì những sự hỗ trợ bên ngoài như vốn vay, dạy nghề sẽ thực sự phát huy hiệu quả thiết thực. Nếu nhìn rộng ra những điển hình chị em phụ nữ mạnh dạn làm kinh tế hiện nay, đều là những người mang quyết tâm cao, không trông chờ, ỷ lại, mà chủ động, tự tin và luôn sẵn sàng học hỏi, tiếp cận cái mới”.

Nhằm góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS nói chung, chị em phụ nữ nói riêng, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 đang được các cấp hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ.

Trong đó, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực của đời sống nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm; nâng cao năng lực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần phát triển cộng đồng. Và đặc biệt là thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã hướng dẫn, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ mô hình kinh tế tập thể thuộc Dự án 8, như: Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản xã Lâm Phú (Lang Chánh); tổ hợp tác trồng và chế biến măng xã Sơn Thủy (Quan Sơn); tổ hợp tác chăn nuôi lợn xã Pù Nhi (Mường Lát)... Cùng với đó, Tỉnh hội cũng tổ chức các lớp tập huấn, tư vấn cho hàng trăm lượt học viên là thành viên của các tổ hợp tác nhằm hỗ trợ các nội dung, kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; quản lý chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm và tập huấn ứng dụng công nghệ, kinh doanh thương mại điện tử.

Để nâng cao trình độ dân trí, thay đổi nếp nghĩ, tập tục lạc hậu thì việc học có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Bà Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Những năm qua, Hội LHPN tỉnh và các cấp hội luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế, như phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức thực hiện các chương trình tín chấp với ngân hàng, các tổ chức tài chính tín dụng... nhằm kết nối, là “kênh” dẫn vốn hỗ trợ hội viên, phụ nữ DTTS tiếp cận nguồn vốn vay an toàn, ưu đãi để phát triển kinh tế; tăng cường xây dựng các mô hình kinh tế tập thể cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ sinh sống ở vùng giáp biên. Tính đến nay, trên địa bàn 11 huyện miền núi đã xây dựng và hoạt động có hiệu quả 86 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 18 HTX, 56 tổ hợp tác, 12 tổ liên kết... Thông qua các mô hình phát triển đã bước đầu khắc phục việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, từ đó tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh... Và các hoạt động trong Dự án 8 hiện đang được triển khai đồng bộ cũng được kỳ vọng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chị em phụ nữ, tạo việc làm, tăng thu nhập một cách bền vững”.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, bà Phạm Thị Thúy cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề, khó khăn còn tồn tại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, sự bình đẳng, tiến bộ của phụ nữ DTTS hiện nay, như: Tại các bản làng vùng núi cao, xa xôi nơi có đại đa số là đồng bào DTTS sinh sống, do địa hình hiểm trở, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân nói chung, phụ nữ nói riêng còn hạn chế; việc hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào các mô hình sinh kế chị em phụ nữ tham gia, làm chủ gặp nhiều khó khăn; câu chuyện tìm đầu ra sản phẩm cho các mô hình kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác còn khó. Đặc biệt, là các vấn nạn như buôn bán người, rồi bạo lực gia đình, xâm hại tình dục vẫn còn xảy ra... Những vấn đề còn tồn tại được đặt ra, bên cạnh sự nỗ lực thay đổi, vươn lên của mỗi chị em phụ nữ, rất cần sự quan tâm, chung tay của các cấp, các ngành, cấp hội, tổ chức... vì sự bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.

Bài và ảnh: Thu Trang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/thay-doi-nep-nghi-thay-doi-tuong-lai-33508.htm
Zalo