Nhiều giải pháp hỗ trợ đối với lao động bị ảnh hưởng bởi sắp xếp bộ máy
Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức lại bộ máy, cải cách hành chính là đúng đắn và vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Tuy vậy, một trong những bước quan trọng đó là giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đây là nhóm lao động đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc cải cách này.
Kết nối cung cầu lao động cho đối tượng chịu ảnh hưởng
Mới đây, TP. Hồ Chí Minh cho biết sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ hoặc chuyên đề dành riêng cho nhóm cán bộ, công chức nghỉ việc khi tinh gọn bộ máy, sáp nhập phường/xã. Đây là một phần trong kế hoạch triển khai kết nối hỗ trợ nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động (gọi chung là cán bộ, công chức) sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính.
Kế hoạch này nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi và ổn định đời sống cho đội ngũ cán bộ, công chức chịu tác động từ quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, cũng như phát huy hiệu quả nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực phù hợp.
Sở Nội vụ Thành phố cũng sẽ tổ chức tọa đàm kết nối việc làm, phát triển nghề nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, công chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính. Đây là dịp nhằm chia sẻ thông tin nhu cầu tuyển dụng và xu hướng phát triển thị trường lao động; nhận diện cơ hội và thách thức khi dịch chuyển việc làm ra khỏi khu vực công. Chính quyền thành phố cũng xác định đó là cơ hội kết nối cung - cầu lao động của hệ thống dịch vụ việc làm, hoạt động cung ứng nguồn nhân lực đảm bảo an sinh xã hội.

Hình ảnh tại phiên giao dịch, kết nối việc làm được tổ chức tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào tháng 4 vừa qua
Về phía cấp chính quyền trung ương, Bộ Nội vụ cũng đã chỉ đạo hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm và một số địa phương đã triển khai tổ chức giới thiệu việc làm, kết nối việc làm giữa doanh nghiệp với đối tượng này. Cục Việc làm trực thuộc Bộ cũng đang nghiên cứu, báo cáo đề xuất cơ chế chính sách, vấn đề đào tạo, thông tin thị trường lao động, cho vay vốn giải quyết việc làm.
Cũng theo Bộ Nội vụ, sau quá trình sắp xếp, tinh giản bộ máy chính trị sẽ có khoảng 100.000 công chức, viên chức bị ảnh hưởng. Cơ quan quản lý đánh giá, nhóm nhân lực có kinh nghiệm, bổ sung nhân lực đáng kể cho thị trường lao động.
Liên quan đến vấn đề được quan tâm hiện nay là các cán bộ, công chức phải nghỉ việc do sáp nhập tỉnh và tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp sắp tới, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết cần có dữ liệu chính xác, trên cơ sở đánh giá được đúng đối tượng mới có thể kết nối, hỗ trợ được. Đơn vị sẽ triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm, cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm cho người lao động. Theo ông Bình, thực tế xuất hiện nhiều nhóm lao động khác nhau, có nhóm lao động trẻ, có nhóm lao động trên 50 tuổi, do đó cần có cách ứng xử khác nhau trong cơ chế chính sách đối với từng nhóm đối tượng này.
Đẩy nhanh chi trả hỗ trợ, đề xuất cơ chế vào luật
Cũng liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong Công điện số 62/CĐ-TTg ngày 12/5/2025 đã yêu cầu bố trí đủ kinh phí để chi trả càng sớm càng tốt cho người xin nghỉ theo chế độ và nghỉ việc trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương bố trí đủ kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và cán bộ nghỉ việc trong quá trình sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị và đơn vị hành chính địa phương. Đồng thời cần có hướng dẫn ứng trước kinh phí của các bộ, ngành, địa phương để chi trả nhanh chóng, tránh ách tắc.

Thủ tướng yêu cầu bố trí đủ kinh phí để chi trả cho người nghỉ việc trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động, kịp thời bố trí kinh phí (kể cả nguồn tiết kiệm chi thường xuyên - nếu có) để đảm bảo việc chi trả chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang theo đúng quy định. Sau khi đã sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định, trường hợp còn thiếu, kịp thời có báo cáo đề xuất gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung kinh phí thực hiện.
Không chỉ dừng lại hỗ trợ trong việc chi trả và kết nối cung cầu lao động đối với cán bộ chịu ảnh hưởng, thời gian gần đây cũng không ít ý kiến cho rằng vấn đề này cần được bổ sung vào luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh vào hồi tháng 3 đã từng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Luật việc làm (sửa đổi) sắp tới cần tiếp cận sâu hơn và thêm về nội dung liên quan đến việc phát triển kỹ năng nghề và bố trí việc làm chung cho các đối tượng, trong đó cũng quan tâm và đặc biệt quan tâm đến đối tượng nghỉ sau sắp xếp. Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, bộ luật mới cũng phải lưu ý sâu hơn ở vấn đề xây dựng mô hình việc làm linh hoạt và các cơ chế, chính sách tiếp tục cho những người bị ảnh hưởng sau sắp xếp rời khu vực công sang khu vực tư.
Trong khi đó, không ít đại biểu quốc hội khi góp ý vào dự thảo Luật việc làm (sửa đổi) đã chỉ ra rằng cán bộ, công chức không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Vậy nên một số đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là cán bộ, công chức. Các đại biểu nêu quan điểm, bản thân cán bộ, công chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Do đó, những người này cũng cần được pháp luật bảo vệ và hưởng các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.