Đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm: Không phù hợp
Trước đề xuất đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm, trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng đây là một đề xuất không phù hợp, điều này không chỉ tạo ra gánh nặng 'thuế chồng thuế' đối với người dân mà còn khiến hoạt động của hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng.

Thưa ông, trong những ngày gần đây, đề xuất đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm đang được dư luận rất quan tâm. Quan điểm của ông về đề xuất trên như thế nào?
Tại dự thảo tờ trình về việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, trong đó đáng chú ý là phần góp ý của UBND TP. Cần Thơ. Cụ thể, địa phương này đề xuất đơn vị soạn thảo nghiên cứu và mở rộng cơ sở thuế, theo hướng chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm có quy mô nhỏ và xem xét áp dụng thuế đối với các hộ gia đình thu nhập cao. Lý do UBND TP. Cần Thơ đưa ra đề xuất trên với mục đích mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách. Bởi theo quy định hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ TCTD đều được miễn thuế.
Đối với đề xuất này, theo tôi, trước hết đó là một đề xuất không phù hợp và không đúng với bản chất của việc gửi tiền tiết kiệm. Xét trên phương diện kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy đa số các quốc gia đều không đánh thuế đối với tiền gửi của người dân bởi đây không hẳn là một kênh đầu tư. Người dân tìm đến với ngân hàng để gửi tiền nhàn rỗi như một kênh trú ẩn an toàn. So với một số kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, trái phiếu… số tiền lãi từ gửi tiết kiệm không cao.
Nhiều công chức, người hưu trí tích góp cả đời làm việc được một khoản gửi tiết kiệm, số tiền lãi không quá cao với mục đích dưỡng già. Vậy liệu việc đánh thuế có hợp lý? Hơn nữa, phần đa người dân gửi tiết kiệm hiện cũng đã đóng rất nhiều loại thuế như thuế thu nhập cá nhân. Rõ ràng, thuế đã chồng thuế, điều này sẽ gây tâm lý không tốt đối với người gửi tiền.

Ông có thể phân tích rõ hơn những tác động nếu như tiến hành đánh thuế đối với tiền gửi tiết kiệm, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, việc này sẽ tạo tác động trực tiếp tới người gửi tiền. Hiện nay, lãi suất tiền gửi ngân hàng dao động từ 4-7%/năm, thậm chí thấp hơn tùy kỳ hạn. Rõ ràng, mức độ sinh lời của kênh tiết kiệm là không cao, nếu như còn bị đánh thuế sẽ ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng. Trong khi giá cả hàng hóa phục vụ cuộc sống thì ngày càng leo thang, chắc chắn người dân sẽ tìm tới các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản…
Tiếp đó, đề xuất nói trên đi ngược với nỗ lực thu hút tiền gửi trong dân của hệ thống ngân hàng để cung cấp vốn cho phát triển kinh tế, trong khi đây đang là kênh dẫn vốn chủ lực cho nền kinh tế Việt Nam hiện tại. Các nhà băng sẽ không còn cách nào ngoài việc tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay cũng sẽ cao hơn, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng, tuy đề xuất này chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại nhưng có thể cân nhắc trong dài hạn, ông có ý kiến như thế nào?
Đề xuất tính thuế đối với tiền gửi tiết kiệm thực tế không phải mới. Năm 2005, ý tưởng này đã được đưa ra khi xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân với tỷ lệ dự kiến là 10% đối với tiền lãi gửi tiết kiệm, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, kỳ phiếu của người gửi. Nhưng phải khẳng định rằng, dù 5 hay 10 năm nữa thì vẫn cần dựa trên bản chất của việc gửi tiết kiệm. Đây là số tiền còn lại của người dân sau khi đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Gửi tiết kiệm là việc cất giữ tiền nhàn rỗi ở một kênh an toàn và phòng thủ lúc ốm đau, nghỉ hưu, mất việc… Vậy có nhất thiết phải tạo thêm gánh nặng thuế cho người dân? Trong khi đó, thực trạng của nền kinh tế Việt Nam là vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào kênh dẫn vốn là ngân hàng, các thị trường vốn khác vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng để san sẻ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng. Chính vì vậy, nếu muốn cải cách thuế, tạo nguồn thu bền vững thì nên có những phương pháp khác.