Nhiều doanh nghiệp Tiền Giang như 'ngồi trên đóng lửa' khi Mỹ áp dụng thuế 46%

Việc Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang rất lo ngại về đầu ra của sản phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công ty TNHH Vina XO (tại xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang)- doanh nghiệp chuyên sơ chế trái cây như xoài, mít, thanh long xuất khẩu qua các thị trường khó tính. Đối với thị trường Mỹ, mỗi tháng doanh nghiệp này đưa từ 1- 2 container (tương đương 40 tấn) trái xoài xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Vina XO cho biết, trước thông tin Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam mức 46%, đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp do phía đối tác yêu cầu sản xuất “chậm lại” chờ quyết định cuối cùng.

“Mỹ áp giá thuế này thì các đơn hàng chờ ổn định rồi mới làm tiếp tại vì chưa chính thức, bên đối tác cũng nói chưa chính thức nữa. Từ 0% tăng lên 46% thì tăng hơn gấp rưỡi số tiền nhập vô tăng nên phải đàm phán với đầu ra. Bên ngoài điện nói là sản xuất cũng bình thường nhưng mà chậm lại để cho ổn định. Bây giờ mong thuế thấp xuống để khỏi cạnh tranh với các nước khác thôi”- ông Nguyễn Anh Khoa cho biết thêm.

Công ty TNHH Vina XO chế biến trái xoài xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Công ty TNHH Vina XO chế biến trái xoài xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Ông Ngô Minh Tuấn chủ các trang trại hơn 30 ha tôm sú nuôi công nghệ cao ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang mấy ngày nay, cũng khẩn trương thu hoạch các ao tôm đến lứa. Dù giá có giảm hơn tháng trước khoảng 20% nhưng không “neo ao”, bán dứt điểm vì ngại giá thủy sản này sẽ giảm khi Mỹ áp dụng thuế nhập khẩu 46%:

“Tôm rất đẹp nhưng mình rất lo nên bán cho đối tác Hà Nội hết luôn. Giá tôm thì sụt nhiều, sụt giảm từ 20-30 nghìn đồng/kg. Nhà máy mua xuất qua thị trường Mỹ bị giảm nhiều lắm, hướng tới mình vẫn sản xuất nhưng chủ động nuôi size tôm nhỏ hơn, mở rộng xuất sang Nhật, Hàn Quốc"- ông Ngô Minh Tuấn nói.

Trái cây là một trong số các mặt hàng xuất khẩu có giá trị tại tỉnh Tiền Giang

Trái cây là một trong số các mặt hàng xuất khẩu có giá trị tại tỉnh Tiền Giang

Lĩnh vực may mặc xuất khẩu là ngành hàng sẽ chịu tác động mạnh khi phía Mỹ áp dụng thuế nhập khẩu ở mức cao. Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, đầu ra ngành hàng này khó khăn nếu áp dụng mức thuế này càng khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Tấn Thanh, Giám đốc công ty TNHH sản xuất- thương mại dịch vụ Hoan Vinh (tại xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ: “Tình hình này thì khách hàng chưa có nói gì nên mình cũng chưa có ý kiến gì, mình cũng đang gia công để chờ thôi. Mình cũng nghe Chính phủ đề xuất giảm thuế còn 0% nghe vậy cũng mừng dù chưa biết tình hình ra sao. Mình cũng mong tất cả các bên nên song phẳng vấn đề thương mại với nhau. Nếu người ta nhập qua mình bao nhiêu thì mình nhập lại bấy nhiêu mức thuế quan để cho tất cả đều hưởng được”.

Ông Ngô Minh Tuấn, chủ trại tôm công nghệ cao luôn mở rộng nhiều thị trường để đầu ra con tôm mở rộng, giá cao

Ông Ngô Minh Tuấn, chủ trại tôm công nghệ cao luôn mở rộng nhiều thị trường để đầu ra con tôm mở rộng, giá cao

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 6.400 doanh nghiệp và 65.000 hộ kinh doanh trên các lĩnh vực. Năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Tiền Giang đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng gần 20% so cùng kỳ năm trước đó. Tiền Giang có nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực thủy sản, chế biến trái cây, may mặc có quy mô lớn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu như phía Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 46%.

Thời gian gần đây, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang đã nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng hàng hóa, cạnh tranh, đa dạng thị trường tiêu thụ không tập trung vào một thị trường "độc quyền" nào. Đây cũng là chiến lược kinh doanh, nhằm hạn chế rủi ro trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp.

Chu Trinh/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nhieu-doanh-nghiep-tien-giang-nhu-ngoi-tren-dong-lua-khi-my-ap-dung-thue-46-post1190460.vov
Zalo