Nhiều điều kiện tốt cho thị trường địa ốc bứt phá

Mặc dù kinh tế thế giới vẫn đối diện với nhiều khó khăn và bất ổn nhưng Việt Nam lại sở hữu nhiều điều kiện tốt để bứt phá, nhất là thị trường bất động sản.

Đây là chia sẻ của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội nghị Cộng đồng Bất động sản Việt Nam 2025 (VRECC 2025) với chủ đề "Kỷ nguyên bứt phá" do Cộng đồng Review Bất động sản đã phối hợp cùng các đơn vị đồng hành tổ chức chiều ngày 9/1/2025 vừa qua.

Theo ông Thiên, năm 1987, Luật Đất đai 1987 ra đời đã quy định về chế độ sở hữu toàn dân về đất đai và quyền sử dụng đất. Tiếp đó, tới thời điểm năm 1993-1994, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai 1993 và Pháp lệnh Nhà ở cho phép việc chuyển nhượng dễ dàng hơn.

Từ đây, nhu cầu đất đai trở nên tăng cao và các giao dịch nhà đất dần trở nên bùng nổ. Cũng trong thời điểm này, Nghị định số 18 và 87 về thuế đất, ngăn chặn đầu cơ, điều tiết thị trường cũng đã đánh dấu một "bước ngoặt" trong việc chống lại việc đầu cơ, thổi giá thị trường bất động sản.

Tới thời điểm năm 2000-2001, khi Luật Doanh nghiệp 2000, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 2001 ra đời đã cho phép Việt kiều mua nhà tại Việt Nam, cùng với đó là việc ban hành bảng giá đất mới, đây cũng chính là thời điểm thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận giá nhà đất tăng mạnh một cách đột biến.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, để giải quyết tình trạng trên, vào năm 2003, Luật Đất đai 2003 chính thức được ra đời, cùng với đó là Nghị định 181 cũng được ban hành nhằm hạn chế tình trạng phân lô, bán nền và điều tiết lại giá cả bất động sản;

Đến năm 2005, khi bảng giá đất mới đã được điều chỉnh sát với giá thực tế, điều này đã gây áp lực lên các dự án bất động sản, nhiều dự án bỗng chốc rơi vào khó khăn vì chi phí giải tỏa mặt bằng trở nên tăng cao.

"Tới năm 2007, nhiều hành lang pháp lý mới như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đăng ký bất động sản, Luật Thuế sử dụng đất, Luật Nhà ở đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc định hình thị trường bất động sản, đặc biệt là quyết định thí điểm cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam đã mở ra một trang mới cho thị trường bất động sản”, PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá.

Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, năm 2013-2014, thị trường bất động sản chứng kiến một cuộc thay đổi lớn khi Luật Đất đai 2013, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2014 đã ra đời và định hình thị trường.

Ông Thiên cũng cho rằng, bối cảnh vĩ mô thị trường bất động sản giai đoạn 2014-2023 có mô hình đầu cơ và rủi ro cao, từ thời đại tiền dễ đến thời đại tiền khó và dịch COVID- 19 đã gây đứt chuỗi, tắc nghẽn lưu thông các nguồn lực thị trường, dẫn tới thị trường bất động sản thu hẹp, trầm lắng, nợ xấu và phát khởi thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đứng trước kỷ nguyên mới, PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, mặc dù kinh tế thế giới vẫn đối diện với nhiều khó khăn và bất ổn nhưng Việt Nam lại sở hữu nhiều điều kiện tốt để bứt phá, trong đó cơ hội bùng nổ sẽ dành cho các phân khúc: Thị trường bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội, đô thị sinh thái, đô thị thông minh và bất động sản du lịch.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khánh Duy, đại diện Savills cho biết, Việt Nam đang có nhiều cơ hội bứt phá và trong xu hướng phát triển của một thế giới đang chuyển mình. Với tăng trưởng kinh tế trong nước ổn định và các chính sách mở cửa cho nhà đầu tư Quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bất động sản quốc tế mở rộng thị phần.

Bên cạnh đó, kỷ nguyên mới mở ra với các chính sách phát triển bền vững bất động sản: Luật Đất đai 2024 ngày càng khuyến khích quy hoạch và sử dụng đất hiệu quả, tạo điều kiện cho các nhà phát triển bất động sản đầu tư vào các dự án mới, đặc biệt ở những khu đô thị, khu công nghiệp.

Ngoài ra, thị trường đang ngày càng minh bạch hóa, Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) giúp tăng cường tính minh bạch trong các giao dịch và hợp đồng, tăng niềm tin từ các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy dòng vốn FDI vào bất động sản. Đó là chưa kể đến, sự bùng nổ công nghệ và chuyển đổi số trong ngành bất động sản, như VR/ AR, dữ liệu lớn (Big Data), và nền tảng trực tuyến đang ngày càng giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh và tiếp cận khách hàng.

Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam với những thay đổi trên, thị trường sẽ theo 4 xu hướng chính, bao gồm:

Thứ nhất là xu hướng cao cấp hóa các sản phẩm, ưa thích phân khúc cao tầng. Theo dữ liệu nghiên cứu của Batdongsan.com trong 23 năm vừa rồi, giá phân khúc chung cư đã tăng tới 59%, xu hướng dịch chuyển từ khu vực trung tâm về vùng ven.

Thứ hai là việc người trẻ bắt đầu tham gia vào thị trường bất động sản nhiều hơn, số lượng tăng trưởng lên tới 30%. Đồng thời, họ cũng quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm.

Thứ ba là men theo các hạ tầng vùng ven, dịch chuyển tìm kiếm những đô thị tích hợp thay vì chỉ tìm kiếm đất nền như trước.

Cuối cùng, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến khu vực có không gian sống xanh, chất lượng, đảm bảo đầy đủ tiện ích.

Ninh Việt

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhieu-dieu-kien-tot-cho-thi-truong-dia-oc-but-pha-post361564.html
Zalo