Nhiều điểm mới trong tổ chức và cách ra đề thi tốt nghiệp THPT 2025
Theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo cục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, sẽ thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học. Định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.
Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có những trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về các điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT và công tác chuẩn bị cho Kỳ thi năm 2025.
Theo đó, năm 2025 năm đầu tiên tổ chức thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những Kỳ thi trước.
Kỳ thi được phân cấp, phân quyền giao chủ động cho các địa phương trong việc tổ chức các khâu của kỳ thi.
Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành quy chế, hướng dẫn và ra đề thi chung trên toàn quốc và phối hợp trong công tác thanh, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo Kỳ thi được tổ chức công bằng, khách quan, an toàn, có kết quả tin cậy để xét tốt nghiệp THPT, đánh giá quá trình dạy và học và cho phép thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 7/10/2024 để tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025.
Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ngay từ cuối năm 2023; đã ban hành định dạng cấu trúc đề thi, đề thi tham khảo tất cả các môn thi tốt nghiệp theo hướng phù hợp với đánh giá năng lực học sinh; tập huấn đội ngũ cán bộ giáo viên trong toàn quốc về ra câu hỏi thi, tổ chức thi, tập huấn kỹ thuật cho các địa phương; tăng cường thử nghiệm trên phạm vị rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của Kỳ thi.
Để có hành lang pháp lý cho tổ chức Kỳ thi, ngày 24/12, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT.
“So với những năm trước, việc công bố đề thi tham khảo, Quy chế thi, các công tác chuẩn bị khác đều được Bộ GD&ĐT thực hiện sớm hơn, xa hơn với tinh thần tích cực và kỹ lưỡng” – ông Huỳnh Văn Chương chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Văn Chương, đề thi cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Theo đó sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.
Kết quả thi tốt nghiệp THPT được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau trong đó vừa sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh giá lại quá trình dạy, học và vừa để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng để xét tuyển sinh theo tinh thần tự chủ, do đó Đề thi sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh.
Cụ thể là thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học. Định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn.
“Đề thi năm 2025 phân bố tỉ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy Biết, Hiểu, Vận dụng là 4 : 3 : 3. Có thể thấy, với tỉ lệ Biết và Hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp trong khi tỉ lệ Hiểu và Vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh” – ông Huỳnh Văn Chương chia sẻ.
Một điểm mới đáng chú ý là môn Ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc.
Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.
Về đảm bảo quyền lợi cho thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006, theo ông Huỳnh Văn Chương, trong Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có điều khoản cụ thể nêu rõ việc chuyển tiếp riêng về vấn đề này.
Cụ thể: Trong năm 2025 Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 1 bộ đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018).
Các thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và trước đó, chưa tốt nghiệp sẽ được dự thi với đề thi được xây dựng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (tương tự như đề thi năm 2024 và các năm trước đó).
Các thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, đã tốt nghiệp THPT nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng có thể chọn để dự thi theo đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 hoặc đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Việc tổ chức thi cho các thí sinh dự thi theo đề thi của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 sẽ được giữ ổn định như năm 2024.