Nam sinh thủ khoa tỉnh Long An từng 2 lần định bỏ học để đi làm để phụ giúp bà

Đằng sau thành tích xuất sắc với điểm số 28,4 khối A, trở thành thủ khoa toàn khóa của Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP. HCM (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), Trần Phạm Kỳ Lân (sinh năm 2006, Long An) từng có ý định bỏ học để phụ giúp bà ngoại kiếm sống vì gia cảnh khó khăn.

Từng có ý định bỏ học đi làm phụ bà kiếm sống

Bức tranh gia đình của Lân không được trọn vẹn, bởi ba mẹ anh chia tay vào năm Lân 3 tuổi. Kỳ Lân lớn lên với sự chăm sóc của ông bà ngoại. Nhưng biến cố lại một lần nữa ập đến khi vào năm Lân lớp 7, ông ngoại cũng qua đời. Hai bà cháu nương tựa nhau trong căn nhà nhỏ ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Bà Nguyễn Thị Kim Vân (74 tuổi, bà ngoại Kỳ Lân) làm nghề thợ may, thỉnh thoảng bà bán các món chay để kiếm thêm thu nhập. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn cố gắng mỗi ngày làm việc để nuôi người con gái bị dị tật bẩm sinh và lo cho cháu trai ăn học. Hình ảnh ngoại tần tảo vì gia đình đã trở thành nguồn động viên lớn lao cho Kỳ Lân trong suốt chặng đường học tập.

Trong suốt thời gian học THPT, Kỳ Lân đã hai lần có ý định nghỉ học để đi làm phụ giúp kinh tế cho ngoại. “Đầu năm lớp 10 mình bắt đầu có ý định thôi nhưng tới giữa năm lớp 11 thì mình mới dám cúp tiết, nghỉ tiết một thời gian để mình đi rửa chén, bưng bê ở quán hủ tiếu, phụ bà kiếm tiền. Vô tình, một hôm, ngoại đi chợ, ngoại thấy, rồi ngoại gọi mình về, trách móc và cấm không cho mình bỏ học, vì đối với ngoại, lo cho mình ăn học chính là tâm nguyện lớn nhất của bà”, Lân nhớ lại. Chính giọt nước mắt và lời động viên cố gắng học tập của ngoại hôm ấy đã khiến Lân từ bỏ ý định nghỉ học và tiếp tục quay lại trường.

Thủ khoa Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP. HCM Trần Phạm Kỳ Lân.

Thủ khoa Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP. HCM Trần Phạm Kỳ Lân.

Với Kỳ Lân, bí quyết để đạt được thành tích học tập Xuất sắc không chỉ nằm ở sự chăm chỉ mà còn là khả năng tự học. Trong suốt ba năm học THPT, ngoài việc học trên lớp, Kỳ Lân còn tranh thủ ghi âm bài giảng của thầy cô để nghe lại khi có thời gian. Dù là thời gian học trên lớp hay khi về nhà, Kỳ Lân luôn cố gắng nắm vững bài học, không bao giờ bỏ qua những chi tiết nhỏ. Sau khi quay lại trường học, Lân được bạn bè cho mượn vở và hỗ trợ Lân theo kịp bài học.

Ước mơ trở thành luật sư

Võ Thị Cẩm Tú, bạn học THPT của Lân chia sẻ: “Lân là một người bạn hiền lành, chịu khó, lại có ý chí cầu tiến rất cao. Khoảng thời gian bạn nghỉ học để đi làm, khi biết được hoàn cảnh của Lân các bạn trong lớp đều rất đồng cảm. Mọi người chỉ biết giúp đỡ bạn bằng cách thay nhau chép bài giúp bạn để bạn có thể tự học lại khi có thời gian”.

Nhiều lúc mệt mỏi muốn buông xuôi, Kỳ Lân lại nhớ đến lời dặn của ông ngoại: “Trước khi ông mất, ông có dặn mình là dù không được lựa chọn nơi mình sinh ra nhưng mình được chọn cuộc sống sau này của mình. Phải cố gắng học để còn lo cho gia đình”.

Lân (ngoài cùng bên trái) hạnh phúc với thành quả nỗ lực của mình, khi được trường vinh danh thủ khoa.

Lân (ngoài cùng bên trái) hạnh phúc với thành quả nỗ lực của mình, khi được trường vinh danh thủ khoa.

Việc Kỳ Lân đã trở thành thủ khoa toàn khóa của Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP. HCM là món quà mà anh muốn dành tặng cho bà ngoại. “Biết mình đạt được kết quả này, ngoại rất là mừng vì giờ cháu ngoại được đi học tiếp đại học. Hôm đó, ngoại khóc và tâm sự với mình nhiều”.

Trở thành tân sinh viên ở một thành phố lớn là một bước ngoặt mới trên con đường học vấn của Kỳ Lân. “Ở đây, mọi thứ đều khác so với ở quê, nhất là không có ngoại. Vì có nhiều khó khăn nên mình càng phải nỗ lực nhiều hơn để theo kịp các bạn ở lớp và để ngoại ở nhà yên tâm”, Lân tâm sự.

Biết được hoàn cảnh của Kỳ Lân, thầy Võ Thành Đạt (giáo viên Ngữ văn, trường THPT Gò Đen) luôn cố gắng động viên Lân học tập. Thầy cũng là người đã theo dõi quá trình thay đổi của Lân trước và sau khi quay lại ghế nhà trường. “Lân là một học sinh luôn nỗ lực học tập, biết tin em là thủ khoa thì tôi rất mừng và hy vọng em luôn cố gắng để trở thành niềm tự hào cho bản thân và gia đình”, thầy Đạt chia sẻ.

Kỳ Lân chụp cùng thầy Võ Thành Đạt, giáo viên Ngữ văn năm lớp 12 của Lân.

Kỳ Lân chụp cùng thầy Võ Thành Đạt, giáo viên Ngữ văn năm lớp 12 của Lân.

Quyết định chọn ngành Luật là một lựa chọn bắt nguồn từ những trải nghiệm thời thơ ấu. Khi còn học THPT, tâm trí ngô nghê của Kỳ Lân muốn được hiểu “ly hôn là gì?”, “vì sao ba mẹ lại ly hôn”. Qua lời khuyên của cô giáo, Lân đã lên thư viện, tìm đọc những cuốn sách về Luật Hôn nhân và Gia đình. “Lúc đó, chưa có điều kiện nhiều, nên mỗi tuần mình sẽ dành thời gian rảnh để lên thư viện đọc luật”, Lân nói. Khi lên THCS, Lân là nạn nhân của bạo lực học đường. “Mấy bạn đi theo nhóm rất đông và hành hung mình. Họ đe dọa là nếu kể ai nghe sẽ chặn đường đánh mình tiếp”, đến năm lớp 8, có bạn biết và báo lên giáo viên thì hành vi của nhóm bắt nạt mới dừng lại. “Sau này nghĩ lại, mình biết bản thân mình cần học cách tự vệ, nếu có bất kỳ người nào bị bắt nạt mình sẽ đứng ra bảo vệ họ để họ không phải chịu đựng như mình ngày xưa”, Lân chia sẻ. Chính những lúc đó, Lân cảm nhận được sự cần thiết của việc hiểu và áp dụng luật pháp vào đời sống, từ đó, tình yêu với ngành Luật được nhen nhóm.

“Sau này, khi ra trường, mình mong muốn đóng góp sức mình để đóng góp cho xã hội nhất là những người đang gặp khó khăn. Mình hy vọng, sau này sẽ trở thành một luật sư luôn bảo vệ chính nghĩa và đứng về phía những người yếu thế”, Lân tâm sự.

Chương trình vinh danh và trao học bổng "Nâng bước thủ khoa" sẽ diễn ra vào ngày 4/1/2025. Tại Hà Nội, chương trình được tổ chức ở trụ sở báo Tiền Phong. Tại TP. HCM, chương trình được tổ chức tại trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Chung Quỳnh - Vỉnh Dỳ

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nam-sinh-thu-khoa-tinh-long-an-tung-2-lan-dinh-bo-hoc-de-di-lam-de-phu-giup-ba-post1704358.tpo
Zalo