Nhiều điểm mới trong đào tạo, bổ nhiệm công chứng viên
Luật Công chứng 2024 đã quy định một số điểm mới về tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên, đào tạo công chứng...
Luật Công chứng 2024 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 26-11-2024, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 có nhiều điểm mới.
Công chứng viên không quá 70 tuổi
Trong đó, đáng chú ý là điểm mới về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên.
Cụ thể, theo Điều 10 Luật Công chứng 2024 về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên quy định người có đủ 6 tiêu chuẩn sau đây mới được xem xét bổ nhiệm công chứng viên:
- Là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi;
- Thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng;
- Có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật;
- Có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật;
- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng;
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.
Như vậy, so với Luật Công chứng 2014, Luật 2024 yêu cầu công chứng viên phải là công dân Việt Nam không quá 70 tuổi. Cạnh đó, về thời gian công tác pháp luật quy định giảm xuống chỉ còn từ đủ 3 năm trở lên (Luật 2014 quy định 5 năm) tại cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật.
Đối với công chứng viên đã quá 70 tuổi, tại khoản 5 Điều 76 Luật Công chứng 2024 quy định công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại ngày 1-7-2025 thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn 2 năm kể từ ngày 1-7-2025. Công chứng viên từ đủ 68 đến đủ 70 tuổi tại ngày 1-7-2025 thì được hành nghề công chứng đến khi đủ 72 tuổi. Khi hết thời hạn nêu trên, công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm
Cạnh đó, về đào tạo nghề công chứng cũng có những điểm mới. Cụ thể, Luật 2024 đã bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng cho một số đối tượng đặc biệt như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư đã có thời gian làm việc/hành nghề từ năm năm trở lên (Luật 2014 quy định chỉ cần học lớp bồi dưỡng nghề công chứng ba tháng, được miễn đào tạo nghề công chứng). Thay vào đó, tại Điều 11 Luật Công chứng 2024 đã quy định những đối tượng đặc biệt này phải học khóa đào tạo nghề công chứng là sáu tháng.
Thời gian tập sự không quá 12 tháng
Theo Điều 11 Luật Công chứng 2014, thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng và 6 tháng đối với người có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng. Thời gian tập sự hành nghề công chứng được tính từ ngày đăng ký tập sự.
Tuy nhiên, Luật Công chứng 2024 (Điều 12) đã quy định thống nhất thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng tính từ ngày quyết định đăng ký tập sự có hiệu lực. Đồng thời, người tập sự phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự, được hướng dẫn các kỹ năng hành nghề và thực hiện các công việc liên quan đến công chứng, chứng thực do công chứng viên hướng dẫn tập sự phân công và chịu trách nhiệm trước công chứng viên hướng dẫn tập sự về những công việc đó.
Vẫn phải bồi thường thiệt hại dù không còn là công chứng viên
Điều 40 Luật Công chứng 2024 quy định tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã chuyển đổi, hợp nhất, sáp nhập thì tổ chức hành nghề công chứng kế thừa quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động thì công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại phải tự mình bồi thường thiệt hại, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc nhân viên của 1 tổ chức hành nghề công chứng.
Công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại phải hoàn trả cho tổ chức hành nghề công chứng khoản tiền mà tổ chức đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc nhân viên của 1 tổ chức hành nghề công chứng. Trường hợp công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Như vậy, nếu công chứng viên hoặc nhân viên văn phòng công chứng mà trực tiếp gây thiệt hại phải thực hiện bồi thường cho tổ chức hành nghề công chứng, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc làm trong ngạch công chứng. Nếu không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. (Luật hiện hành không quy định bồi thường trong trường hợp không còn là công chứng viên).