Ngăn chặn hàng giả, hàng lậu: Tăng trách nhiệm quản lý bán hàng trực tuyến
Dù phát triển mạnh mẽ và mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, song với cách thức mua hàng online trên các sàn thương mại điện tử, các đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.
Cùng với đó, kênh thương mại điện tử còn bị lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các hành vi ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động.
Lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường
Những năm gần đây, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, thương mại điện tử đã khẳng định được tính ưu việt trong việc thay đổi thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng... Qua đó, thương mại điện tử trở thành kênh phân phối và trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, thời gian qua, số vụ vi phạm và bị xử lý trên môi trường thương mại điện tử không ngừng gia tăng, với tính chất vi phạm và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Kết quả hoạt động tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết yêu cầu kiến nghị, khiếu nại của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho thấy, 9 tháng của năm 2024, cơ quan này đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan tới thương mại điện tử với 64 vụ việc trên tổng số 683 vụ việc, chiếm 9,4%, tăng cao hơn so với năm 2023 là 5,5%.
Đáng chú ý, theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, 11 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 65.881 vụ; phát hiện, xử lý 45.045 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý là 841 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính trên 437 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu trên 203 tỷ đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 201 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ có dấu hiệu tội phạm; tổng thu nộp ngân sách nhà nước trên 518 tỷ đồng.
Đa số đối tượng vi phạm thường tổ chức kho hàng gần cửa khẩu, thiết lập các điểm livestream bán hàng, tiếp nhận đơn và chuyển hàng đặt ở nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước. Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh, nên khó phát hiện.
Điển hình, Tổ thương mại điện tử thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) kiểm tra kho hàng có dấu hiệu nhập lậu tại chung cư Eco Green (huyện Thanh Trì, Hà Nội) do một hot TikToker với hơn 4 triệu lượt theo dõi thường xuyên livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử TikTok, Facebook. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa với các nhãn hiệu True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Nguyễn Quỳnh Anh cho biết, đến nay, khung pháp lý của Nhà nước đã có đầy đủ quy định để quản lý, kiểm soát việc bảo đảm nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, do nguồn lực của cơ quan chức năng có hạn nên nhiều trường hợp sai phạm vẫn lách luật.
Bên cạnh đó, tình trạng nhiều trường hợp người tiêu dùng bị lộ đơn hàng và số điện thoại dẫn đến những cuộc gọi nhận hàng. Những cuộc gọi này đánh vào tâm lý một số người mua hàng quen thuộc thường tin tưởng và chuyển khoản tiền vận chuyển hoặc tiền hàng cho người vận chuyển hàng khi không có mặt người nhận. Cuối cùng, khách hàng vừa mất tiền, vừa mất cả sản phẩm đã đặt mua.
Cần giải pháp quản lý đồng bộ
Để tăng cường kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán trên sàn thương mại điện tử, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ, hợp tác giữa người bán hàng, người mua hàng và cơ quan quản lý nhà nước.
Cụ thể là: Cần tăng cường trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc bảo đảm các nhà bán hàng công khai thông tin của người bán và thông tin sản phẩm trên kênh bán hàng đầy đủ, chính xác về các mặt hàng; xử lý nghiêm những người bán hàng không đúng những cam kết trong hợp đồng và các quy định trong quá trình kinh doanh. Cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra thực tế hàng hóa, bảo đảm kinh doanh hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ.
Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cũng khuyến cáo, người tiêu dùng khi mua hàng hóa nhất là trên môi trường thương mại điện tử cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng. Người tiêu dùng nên lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận hoạt động. Đồng thời, người mua cần kiểm tra hàng hóa trước khi nhận…
Người tiêu dùng cũng cần thông tin, liên hệ với Tổng đài Tư vấn, hỗ trợ cho người tiêu dùng của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, đầu số 1800.6838, để được tư vấn các quy định pháp lý về bảo vệ quyền lợi khi quyền lợi bị xâm phạm.