Nhiều đề xuất tại Hội thảo nâng cao chất lượng nội dung Tạp chí in Tài nguyên và Môi trường
Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo 'Nâng cao chất lượng nội dung và điểm số khoa học tạp chí in', với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà báo.
Ngày 28/11, tại Hà Nội, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo "Nâng cao chất lượng nội dung và điểm số khoa học tạp chí in" nhằm bàn thảo các giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng nội dung và điểm số của Tạp chí in Tài nguyên và Môi trường. TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì hội thảo.
Tạp chí in xuất bản 2 số/tháng, Tạp chí điện tử có bản tiếng Việt và tiếng Anh
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Tạp chí TN&MT cho biết, thời gian qua, được sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ TN&MT, đến nay Tạp chí TN&MT đang từng bước phát triển về chất lượng nội dung và thêm các ấn phẩm. Khởi đầu Tạp chí in TN&MT được xuất bản mỗi tháng 1 số và đến nay xuất bản 2 số/tháng, tháng 10/2021 xuất bản Tạp chí điện tử, đến tháng 10/2023 xuất bản Tạp chí điện tử tiếng Anh.
Tham dự hội thảo có: PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN& MT; PGS. TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu; GS. TS. Đào Mạnh Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Thư ký Hội đồng Giáo sư liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao; PGS. TS. Mai Quỳnh Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Xã hội học, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Con người; PGS. TS. Dương Xuân Sơn, giảng viên Viện Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn);
TS. Phạm Thị Mỵ, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường; Nhà báo Nguyễn Văn Hường, Tổng Biên tập Tạp chí Giao thông vận tải; Nhà báo Hoàng Hà, Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa nghệ thuật; Nhà báo Lý Ngọc Thanh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng; ThS. Lê Thế Chiến, Phó Tổng biên tập Tạp chí Thanh tra; TS. Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Thông tin truyền thông - Văn phòng Bộ TN&MT;
Cùng dự còn có các nhà báo, chuyên gia, nhà khoa học, các chuyên viên thuộc Bộ TN&MT và lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên, viên chức, người lao động Tạp chí Tài nguyên và Môi trường.
Là cơ quan lý luận, chính trị, khoa học, nghiệp vụ của Bộ TN&MT, trải qua 21 năm, mặc dù tập thể các cán bộ, viên chức, người lao động, các thế hệ lãnh đạo đã nỗ lực không ngừng, song đến nay vẫn chưa xây dựng một tạp chí có điểm số khoa học cao. Vấn đề phát triển một Tạp chí khoa học chuyên ngành về 9 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TN&MT, đòi hỏi có cần nhiều nguồn lực đầu tư phát triển, phương pháp tổ chức thực hiện khoa học hiệu quả.
Do vậy, Tạp chí TN&MT mong muốn các nhà khoa học, nhà báo, chuyên gia, từ các góc độ khác nhau sẽ cùng thảo luận, đóng góp ý kiến, đề ra các giải pháp để Tạp chí có những tầm nhìn, hướng đi mới, góp phần nâng cao chất lượng Tạp chí in. Trong đó, gắn chất lượng Tạp chí với điểm số khoa học, đồng thời điểm số khoa học cũng là thước đo để đánh giá chất lượng nội dung của Tạp chí trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Trình bày báo cáo đề dẫn "Nâng cao chất lượng nội dung và điểm số khoa học Tạp chí in", ThS. Trần Thị Cẩm Thúy, Phó Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT nhấn mạnh: Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TN&MT, Tạp chí hoạt động theo Luật Báo chí, Luật Xuất bản cùng các quy định pháp luật hiện hành. Tạp chí có chức năng thông tin, nghiên cứu về chính trị, lý luận, khoa học, nghiệp vụ liên quan đến 9 lĩnh vực quản lý nhà nước, gồm: Đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; và viễn thám.
Theo Quyết định số 25/QĐ-HĐGSNN ngày 5/7/2024 của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, có 28 Hội đồng Giáo sư ngành và liên ngành được phê duyệt danh mục tạp chí khoa học tính điểm. Tạp chí TN&MT hiện chỉ được tính điểm tại hai hội đồng: Hội đồng Giáo sư liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm và Hội đồng Giáo sư ngành Sinh học.
Thực trạng trên đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong phương thức tổ chức và xuất bản Tạp chí. Những bước cải tiến cấp bách bao gồm: Xây dựng nội dung bài báo khoa học chuẩn mực, triển khai kế hoạch tuyên truyền hiệu quả, củng cố quy trình đặt bài, phản biện, biên tập, cũng như thành lập Hội đồng Khoa học chuyên trách. Bên cạnh đó, đầu tư tài chính, đặc biệt là chính sách nhuận bút hấp dẫn cho các bài báo chất lượng cao, cũng là yếu tố quan trọng để nâng tầm tạp chí.
Nhiều góp ý, gợi ý giải pháp thiết thực giúp nâng cao chất lượng nội dung tạp chí in
Tại hội thảo, GS.TS. Đào Mạnh Hùng, Thư ký Hội đồng Giáo sư liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao cho rằng: Hiện nay, mặt bằng Tạp chí khá phong phú và đa dạng, song để thu hút người đọc và các nhà nghiên cứu quan tâm thì phụ thuộc nhiều vào chất lượng của Tạp chí. Để nâng cao chất lượng và sức hút, Tạp chí TN&MT cần mở rộng phạm vi nghiên cứu, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực TN&MT mà còn xem xét mối quan hệ giữa TN&MT với các lĩnh vực khác trong xã hội, như: Văn hóa, y tế, và các yếu tố xã hội khác. Xã hội là một quần thể các yếu tố ảnh hưởng lẫn nhau, và ngành nào cũng có liên quan đến TN&MT. Việc mở rộng như vậy không chỉ làm phong phú thêm nội dung Tạp chí mà còn thu hút các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời tăng khả năng được giới thiệu trong các Hội đồng Giáo sư liên ngành.
GS.TS. Đào Mạnh Hùng cũng đề xuất việc thành lập hoặc mở rộng Hội đồng Biên tập với sự tham gia của các giáo sư, nhà nghiên cứu có uy tín, học hàm, học vị cao. Một Tạp chí khoa học cần có Hội đồng Biên tập mạnh, với những tên tuổi lớn, để vừa đảm bảo chất lượng nội dung, vừa tạo niềm tin cho người đọc. Ngoài ra, nêu cao tầm quan trọng của đội ngũ kiểm định chất lượng bài báo để đảm bảo các bài nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Về hình thức, Tạp chí cần chú trọng sự đơn giản, trang nhã nhưng khoa học. Có thể mời các họa sĩ thiết kế có kinh nghiệm trong các Tạp chí uy tín để tạo sự chuyên nghiệp từ bìa đến bố cục nội dung. Bên cạnh đó, mỗi bài nghiên cứu nên có thêm chân dung tác giả và một phần tóm tắt bằng tiếng Anh, giúp Tạp chí tiếp cận dễ dàng hơn với độc giả và giới khoa học quốc tế. Việc này không chỉ làm Tạp chí trở nên bắt mắt mà còn khẳng định giá trị học thuật, thu hút các nhà khoa học.
Bàn về tính đặc thù của Tạp chí khoa học, PGS.TS. Mai Quỳnh Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người nhấn mạnh rằng: Làm Tạp chí khoa học cần có cách tiếp cận và yêu cầu khác biệt so với các loại hình Tạp chí phổ thông, chính trị hay đa ngành. Việc xây dựng Tạp chí khoa học cần đặt trọng tâm vào chất lượng nội dung và tuân thủ các tiêu chuẩn học thuật nghiêm ngặt, thay vì chỉ chú trọng hình thức. Tạp chí khoa học không chỉ là nơi truyền tải thông tin, mà phải là tài liệu có giá trị nghiên cứu sâu sắc. Tạp chí cần mở rộng phạm vi nghiên cứu, không chỉ tập trung vào môi trường tự nhiên mà cần chú trọng cả mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và xã hội. Điều này giúp tạp chí phản ánh được tính chất liên ngành, đồng thời tăng sức hút với các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Góp ý về quy trình xuất bản và đầu tư vào chất lượng bài viết, PGS.TS. Mai Quỳnh Nam chỉ ra nhiều bất cập trong việc xuất bản bài báo khoa học tại Việt Nam, như dung lượng bài viết quá ngắn hoặc quy cách trình bày không đầy đủ. Ví dụ các Tạp chí khoa học quốc tế thường yêu cầu bài viết dài 25 - 30 trang, với cấu trúc chặt chẽ, bao gồm phần tổng quan nghiên cứu, mục tiêu, phương pháp và trích dẫn rõ ràng. Những yếu tố này không chỉ nâng cao chất lượng bài viết mà còn tăng khả năng được trích dẫn - một thước đo quan trọng của các tạp chí khoa học. Ngoài ra, việc phản biện bài viết là một khâu rất quan trọng, đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và công sức.
Tuy nhiên, chế độ nhuận bút hiện tại cho người phản biện và biên tập là không tương xứng. Cần có sự quan tâm và đầu tư tốt hơn cho quá trình này để đảm bảo công bằng và động viên các nhà khoa học. Tạp chí cần học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, không chỉ trong việc in bài nghiên cứu mà còn mở rộng sang các lĩnh vực như sách khoa học và công trình nghiên cứu. Để phát triển một tạp chí khoa học uy tín, cần có sự thay đổi toàn diện từ nội dung, tổ chức đến quy trình xuất bản, và điều này đòi hỏi sự quyết tâm, đầu tư và chiến lược dài hạn.
Nhà báo Hoàng Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật cho rằng: Là một Tạp chí thuộc Bộ chuyên ngành, nhiệm vụ không chỉ dừng lại ở tuyên truyền chính sách mà còn cần đi sâu vào nghiên cứu khoa học, lý luận và nghiệp vụ, đồng thời tận dụng thế mạnh và điều kiện riêng của từng cơ quan báo chí để phát triển. Để cải thiện chất lượng, Tạp chí TN&MT nên giảm tần suất xuất bản xuống 1 kỳ/tháng, thay vì 2 kỳ như hiện tại, đồng thời tăng dung lượng lên 100-120 trang mỗi số để tạo điều kiện cho các bài viết nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Về hình thức, cần tối ưu chi phí sản xuất bằng cách đưa các thông tin tuyên truyền lên tạp chí điện tử, chỉ dành ấn phẩm in cho những sự kiện quan trọng. Bên cạnh mục tiêu nghiên cứu khoa học, Tạp chí cần có những giải pháp và đề xuất thực tiễn, đồng thời bám sát các tiêu chí khoa học qua việc lắng nghe ý kiến đóng góp từ đội ngũ chuyên gia và giáo sư.
PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu đã chia sẻ về những kinh nghiệm và thách thức trong việc xuất bản Tạp chí Khoa học Biến đổi Khí hậu của Viện, được thành lập từ năm 2016. Hiện tại, Tạp chí này cũng chưa được xét vào Hội đồng Giáo sư liên ngành Khoa học Trái Đất. Tạp chí Khoa học Biến đổi Khí hậu xuất bản 4 số mỗi năm, mỗi số gồm 10 -12 bài viết có dung lượng 10 - 15 trang, phục vụ chủ yếu cho nghiên cứu khoa học và đào tạo nghiên cứu sinh. Sự chuyên nghiệp trong quy trình biên tập và phản biện khi bài viết được nộp qua trang web của tạp chí với yêu cầu định dạng rõ ràng, các bước phản biện theo định dạng chuẩn bao gồm mục tiêu, tổng quan và nội dung nghiên cứu. Mặc dù quá trình này mất nhiều thời gian, nhưng đảm bảo chất lượng học thuật cao. Hội đồng Biên tập của tạp chí, bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của các nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề tài chính, bởi Tạp chí này không thể tìm nguồn thu từ quảng cáo và kinh phí hỗ trợ từ Bộ là rất hạn chế. Dẫu vậy, Tạp chí vẫn duy trì hoạt động, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Theo TS. Phạm Thị Mỵ, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường, Tạp chí không chỉ đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Bộ TN&MT mà còn cần tập trung vào nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển học thuật. Để thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ, bà đề xuất các giải pháp như tăng dung lượng xuất bản, thành lập Hội đồng Biên tập với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành và đảm bảo quy trình phản biện chặt chẽ. Các bài báo khoa học cần được bổ sung tóm tắt bằng tiếng Anh để thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Đồng thời, Tạp chí có thể cân nhắc xuất bản theo hai định hướng riêng biệt: Một số chuyên về phổ biến kiến thức và tuyên truyền pháp luật, và một số tập trung vào nghiên cứu khoa học chuyên sâu. TS. Phạm Thị Mỵ cũng đề xuất tổ chức hội nghị cộng tác viên thường niên nhằm khuyến khích các nhà khoa học đóng góp ý tưởng, nâng cao chất lượng nội dung. Bà nhấn mạnh việc xây dựng tiêu chuẩn rõ ràng cho các bài báo khoa học, từ hình thức trình bày đến thông tin tác giả, nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và uy tín. Những giải pháp này, theo bà, sẽ giúp Tạp chí trở thành nền tảng học thuật chất lượng, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học không chỉ trong ngành mà còn ở các lĩnh vực liên quan, qua đó khẳng định vị thế và nâng cao điểm số khoa học trên trường quốc tế.
PGS.TS. Dương Xuân Sơn nhận định: Hội thảo mang ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Tạp chí TN&MT. Tạp chí đảm nhận nhiều nhiệm vụ, bao gồm cả lý luận, chính trị, khoa học và nghiệp vụ, khiến yêu cầu đặt ra cho Tạp chí trở nên rất nặng nề.
Về mặt tiêu chí, Tạp chí TN&MT cần đảm bảo nội dung phù hợp với tên gọi và mục đích nghiên cứu khoa học. Nội dung của Tạp chí nên được phân chia rõ ràng theo các chuyên mục, và các bài báo khoa học cần đảm bảo đầy đủ thông tin như chức danh, học hàm học vị của tác giả, thông tin liên hệ, và tài liệu tham khảo. Tạp chí TN&MT cần nỗ lực cải thiện chất lượng nội dung để tăng điểm số đánh giá, với mục tiêu đạt 0,75 điểm, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của Hội đồng Giáo sư và nâng cao uy tín trong cộng đồng khoa học.
Nhà báo Nguyễn Văn Hường, Tổng Biên tập Tạp chí Giao thông Vận tải chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình phát triển Tạp chí khoa học và học thuật. Với Tạp chí TN&MT, nhà báo Nguyễn Văn Hường khuyến nghị cần tập trung hoàn thiện các tiêu chí đánh giá theo Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) và Hội đồng Giáo sư chuyên ngành. Các tiêu chí này bao gồm hình thức phản biện (kín, mở), định dạng bài báo, tóm tắt, phần mềm chống đạo văn và trích dẫn tài liệu tham khảo. Đặc biệt, sự cần thiết của việc sử dụng các công cụ hiện đại để kiểm soát chất lượng bài báo, đồng thời đề xuất tăng cường hợp tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước để nâng cao uy tín của tạp chí.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT, đã chia sẻ các đề xuất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và cải thiện điểm số của Tạp chí TN&MT trong các hội đồng học hàm. Ông cho rằng: Điểm số của Tạp chí hiện còn thấp và cần cải thiện thông qua việc tối ưu hóa nội dung và hình thức, đảm bảo tuân thủ các tiêu chí khoa học quốc tế. Về nội dung, ông gợi ý cấu trúc lại Tạp chí với ba phần chính: Phần đầu tập trung vào các bài viết đi trước, định hướng chính sách (chiếm khoảng 20% với 1 - 2 bài); phần giữa là các nghiên cứu khoa học (chiếm tỷ trọng lớn nhất); và phần cuối dành cho các nội dung tuyên truyền. Các bài báo cần được trình bày đúng định dạng khoa học, bao gồm tên bài, ngày nhận, ngày biên tập, ngày xuất bản, phần tóm tắt, nội dung chi tiết, trích dẫn và tài liệu tham khảo đầy đủ. Các bài nghiên cứu khoa học nên có độ dài tối thiểu từ 4 - 6 trang để đáp ứng yêu cầu của Hội đồng học hàm
Tạp chí TN&MT cần tập trung cải thiện phiên bản điện tử, đặc biệt là xây dựng một chuyên trang khoa học với giao diện chuẩn quốc tế. Các bước thực hiện bao gồm: Đăng ký tên miền khoa học ngắn, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế để tạo sự chuyên nghiệp và dễ nhận diện; Sử dụng hạ tầng miễn phí của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để giảm chi phí ban đầu; Áp dụng quy trình biên tập và phản biện khoa học khắt khe, bao gồm phản biện kín, để đảm bảo chất lượng nội dung.
Ban Biên tập nên mời các nhà khoa học có uy tín tham gia vào Hội đồng tư vấn chuyên ngành, đồng thời cần bố trí kinh phí hợp lý để hỗ trợ công tác phản biện và biên tập. Một tạp chí khoa học chất lượng không nên xuất hiện nội dung quảng cáo trên các bài báo khoa học. Không cần quá câu nệ về tần suất phát hành, chỉ cần tập trung đảm bảo chất lượng và tính chuyên sâu của các bài nghiên cứu. Những cải tiến này, sẽ giúp Tạp chí TN&MT tăng điểm số khoa học và cải thiện vị thế trong cộng đồng học thuật.
Nhà báo Lý Ngọc Thanh, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động của Tạp chí Xây dựng và đề xuất một số giải pháp cải thiện cơ cấu và vận hành Tạp chí TN&MT. Theo đó, những đổi mới tích cực của Tạp chí TN&MT trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tối ưu hóa cơ cấu nội dung và hình thức. Tạp chí không nhất thiết phải sử dụng nhiều màu sắc trong ấn phẩm in mà nên tập trung vào chất lượng nội dung. Cần mở rộng mạng lưới cộng tác viên, đặc biệt từ các trường đại học liên quan đến chuyên ngành. Ngoài Hội đồng Biên tập, sự tham gia của đội ngũ cộng tác viên có chuyên môn sẽ góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong tạp chí.
ThS. Lê Thế Chiến, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra, đánh giá cao việc Tạp chí TN&MT tổ chức hội thảo rất có ý nghĩa. Ông nhấn mạnh rằng việc tập trung vào chất lượng nội dung chuyên đề và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính là nền tảng quan trọng để từng bước nâng cao vị thế và điểm số khoa học của tạp chí. Hiện nay, Tạp chí Thanh tra xuất bản một số mỗi tháng, với dung lượng trên 90 trang, chủ yếu tập trung vào các chuyên đề cụ thể. Ba nhiệm vụ chính mà tạp chí đảm nhận gồm: Tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và ngành Thanh tra; phản ánh các hoạt động của ngành; và thực hiện nghiên cứu khoa học, đặc biệt là phân tích các bài học rút ra từ hoạt động thanh tra và hậu thanh tra để cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan quản lý nhà nước.
TS. Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông thuộc Văn phòng Bộ TN&MT chia sẻ những ý kiến sâu sắc dưới góc nhìn của đơn vị quản lý nhà nước về truyền thông. Bà nhấn mạnh vai trò quan trọng của Tạp chí TN&MT trong việc thực hiện song song hai nhiệm vụ: tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước và Bộ TN&MT, đồng thời thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Bộ TN&MT luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của Tạp chí. Tạp chí cần đẩy nhanh tiến độ trình Đề án phát triển để sớm nhận được sự phê duyệt và hỗ trợ từ Bộ. Đồng thời, cải tiến chất lượng và nâng cao chỉ số khoa học của Tạp chí trong lộ trình đến năm 2026, đồng thời kỳ vọng Tạp chí và Bộ sẽ tiếp tục đồng hành chặt chẽ để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Đồng tình với tinh thần chia sẻ và học hỏi tại hội thảo, bà Nguyễn Hoàng Vân, chuyên viên Viện Khoa học Tài nguyên nước, cũng đánh giá cao các ý kiến đóng góp từ các chuyên gia tham dự. Dù Viện chưa có tạp chí khoa học riêng, nhưng qua hội thảo, đơn vị đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển các ấn phẩm khoa học. Bà Vân cho biết Viện hiện phát hành một số tuyển tập bài báo nghiên cứu và đã đưa ra đề xuất ứng dụng công nghệ để nâng cao tính tiện ích của các ấn phẩm. Cụ thể, bà gợi ý tích hợp mã QR code trên các ấn phẩm in, giúp độc giả dễ dàng truy cập vào phiên bản điện tử. Đây được xem là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận và lan tỏa thông tin khoa học.
Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT bày tỏ sự cảm ơn chân thành về những ý kiến đóng góp vô cùng quý báu của các nhà báo, chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ thuộc Bộ TN&MT.
Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT ghi nhận và tiếp thu các ý kiến trọng tâm liên quan đến xây dựng một tạp chí khoa học uy tín, các bài báo khoa học có chất lượng cao, tạp chí khoa học theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; phối hợp liên ngành giữa ngành TN&MT với các lĩnh vực khác; vấn đề thực tiễn mở rộng nguồn nhân lực; đặt ra lộ trình nâng cao điểm số khoa học; phát huy kinh nghiệm, công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ngành TN&MT…
Theo ông Hưng, các ý kiến đóng góp của các diễn giả không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nội dung mà còn cho thấy sự cần thiết phải đổi mới, kết hợp công nghệ hiện đại vào hoạt động xuất bản. Đây là hướng tiếp cận mới, phù hợp với xu thế số hóa của các tạp chí khoa học.
Những giải pháp này sẽ giúp Tạp chí TN&MT có hướng đi cụ thể, mục tiêu rõ ràng để tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng nội dung và điểm số của Tạp chí in trong thời gian ngắn nhất, đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng khoa học và xã hội.