Dấu ấn CLB 'Thủ lĩnh của sự thay đổi' ở Sóc Trăng

Chỉ sau hơn 1 năm thành lập, CLB 'Thủ lĩnh của sự thay đổi' tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã tạo nên những dấu ấn đáng kể.

 Các em trong CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tham gia buổi sinh hoạt hàng tháng

Các em trong CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tham gia buổi sinh hoạt hàng tháng

Thầy Ngô Vân (bìa trái) tham gia Hội thảo Khoa học Quốc gia Khu vực phía Nam, do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam (trực thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam) tổ chức.

Thầy Ngô Vân (bìa trái) tham gia Hội thảo Khoa học Quốc gia Khu vực phía Nam, do Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam (trực thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam) tổ chức.

Thầy Ngô Vân - Tổng Phụ trách Đội, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Kế Sách (Sóc Trăng) - đã có buổi chia sẻ một số kinh nghiệm vận hành CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại trường.

PV: Xin thầy chia sẻ đôi nét về Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Kế Sách (Sóc Trăng)?

Thầy Ngô Vân: Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Kế Sách (Sóc Trăng) được xây dựng trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn thuộc ấp An Hòa, xã Thới An Hội cách trung tâm huyện Kế Sách khoảng 3km với 99% học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó học sinh nữ dân tộc Khmer là 687 học sinh, chiếm 68,7%; nam dân tộc Khmer là 363 học sinh, chiếm 36,3%. Các em học sinh được tuyển vào trường chủ yếu là con em của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn thuộc các xã, thị trấn đặc biệt khó khăn của huyện.

PV: Những thách thức về giới mà các em học sinh nơi đây đang gặp phải là gì?

Thầy Ngô Vân: Cũng giống như các em học sinh vùng sâu vùng xa khác, các em học sinh nơi đây thường đối mặt với nhiều khó khăn. Khoảng cách địa lý, hoàn cảnh gia đình khó khăn và những định kiến giới hạn chế cơ hội phát triển của các em. Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại khiến các em dễ trở thành nạn nhân của những hiểm họa tiềm ẩn như bạo lực học đường, xâm hại tình dục, bắt cóc, buôn bán trẻ em.

Các em học sinh tại trường luôn có sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành có liên quan trong việc trang bị đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các chính sách. Nhưng hàng năm, tình trạng bỏ học vẫn còn diễn ra. Trong số học sinh bỏ học thì học sinh nữ chiếm tỉ lệ cao hơn, phần lớn các em học sinh và cha mẹ học sinh chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc học, cha mẹ học sinh thiếu sự quan tâm, các em theo gia đình đi làm ăn xa…

Cuộc thi sáng tác tác phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào DTTS do Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng tổ chức

Cuộc thi sáng tác tác phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào DTTS do Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng tổ chức

PV: Sự ra đời của CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Kế Sách là một trong những cách làm giúp các em vượt qua những thách thức trên, đúng không ạ?

Thầy Ngô Vân: Vâng, sự ra đời của CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" đã góp phần quan trọng trong việc trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết, giúp các em tự tin hơn, chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Hiện nay, CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Kế Sách đã được thành lập hơn 1 năm. CLB gồm 30 thành viên, trong đó 5 em trong Ban chủ nhiệm và 25 em là thành viên. CLB hoạt động đều đặn hàng tháng, tập trung vào các vấn đề như bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại và kỹ năng sống, nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em, kỹ năng ứng xử trên không gian mạng... Ngoài ra, các em trong CLB còn tham gia một số hoạt động như: Tham gia cuộc thi sáng tác tác phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho trẻ em vùng đồng bào DTTS do Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng tổ chức; Tham gia hoạt động giúp đỡ người già neo đơn; tham gia hành trình về địa chỉ đỏ ở khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng…

CLB đã tạo điều kiện cho các em tích cực tìm tòi, chia sẻ thông tin và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Nhờ đó, nhận thức của các em về các vấn đề xã hội đã được nâng cao đáng kể. Các em không chỉ được trang bị kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống.

PV: Thầy có thể chia sẻ một số kinh nghiệm để giúp CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" ngày càng hoạt động thực chất và hiệu quả?

Thầy Ngô Vân: Đối với nhà trường, chúng tôi xem việc thành lập CLB như một nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất như phòng học, bàn ghế, giấy bút cho CLB hoạt động. Tạo điều kiện cho giáo viên được cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn trong việc tổ chức câu lạc bộ cho học sinh. Nhà trường tổ chức đánh giá định kỳ kiến thức/kỹ năng cũng như nhu cầu của học sinh trước và sau khi tham gia để tổ chức CLB đáp ứng đúng nhu cầu của học sinh và nâng cao kiến thức/kỹ năng cho trẻ.

Để CLB ngày càng hoạt động hiệu quả, tôi nhận đề nghị Hội LHPN cấp trên và các ngành liên quan cùng tổ chức khảo sát, tổng hợp, thống kê các kết quả tổ chức hoạt động câu lạc bộ theo từng năm cụ thể để rút kinh nghiệm và xây dựng mục tiêu, kế hoạch mới để hướng dẫn các em một cách hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, sự đồng hành, ủng hộ của phụ huynh học sinh cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần tạo động lực cho các em tham gia các hoạt động của câu lạc bộ một cách tích cực.

PV: Xin cảm ơn thầy!

Phạm Thương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/clb-thu-linh-cua-su-thay-doi-giup-tre-em-vung-dong-bao-dtts-tu-tin-vung-buoc-den-tuong-lai-20241130061424461.htm
Zalo