Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang góp ý nhiều dự án luật sửa đổi, bổ sung

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, ngày 22-11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. ĐBQH tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận, góp ý nhiều nội dung.

Trong phiên họp buổi sáng, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các đại biểu đã thảo luận tại tổ hai dự án Luật này.

Về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và phù hợp với quá trình phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới. Đồng thời, các ý kiến của ĐBQH góp ý cụ thể vào một số nội dung tại dự thảo Luật như: Nguyên tắc, áp dụng ưu đãi thuế TNDN và tính thống nhất của hệ thống pháp luật; điều kiện được ưu đãi đầu tư đặc biệt; việc quyết định mức độ ưu đãi đầu tư đặc biệt...

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu thảo luận tại tổ.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc việc lùi thời điểm sửa đổi Luật để đưa nội dung thuế tối thiểu toàn cầu vào, đảm bảo tính đồng bộ và toàn diện; đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định về quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; cần xử lý hài hòa giữa nguyên tắc quy định về thuế trong Luật Thuế và các luật chuyên ngành khác, tránh mâu thuẫn. Ngoài ra, cần có quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn để các khoản tài trợ, viện trợ nhân đạo, từ thiện; các khoản thu từ tiền thuốc mua hộ cho bệnh nhân không bị tính vào thu nhập chịu thuế…

Thảo luận về Luật Thuế Tiêu thụ đặc Biệt, các đại biểu bày tỏ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, góp phần khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, phù hợp với mục tiêu, định hướng trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và xu hướng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt của các nước; đồng thời, xác lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ và thuận lợi hơn cho quá trình thực hiện, thể hiện rõ nét hơn vai trò điều tiết sản xuất, tiêu dùng của thuế tiêu thụ đặc biệt, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Các đại biểu cũng đề nghị xem xét, rà soát, cân nhắc khi giao Chính phủ quy định việc sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế trong trường hợp cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung đối tượng trong các trường hợp này phải sửa đổi về giá tính thuế và mức thuế suất đã được quy định trong Luật, do đó phải sửa nhiều điều luật trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngoài ra, các chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước, quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội và được quy định trong Luật, trong các trường hợp chưa thực sự cấp bách thì xem xét không giao cho Chính phủ...

Liên quan đối với mặt hàng nước giải khát có đường thuộc đối tượng chịu thuế, các ý kiến đại biểu đều đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng về tác động đến người tiêu dùng, không nên chỉ dựa trên lý do phòng chống béo phì.

Về việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với lý do đây là sản phẩm gây nên bệnh thừa cân, béo phì, tiểu đường..., đại biểu nhận thấy cần nghiên cứu kỹ vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng phải nghiên cứu rất kỹ, bởi vì không hẳn chỉ nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn như dự thảo Luật quy định, có rất nhiều loại nước khác nữa và thậm chí những đồ ăn bánh kẹo cũng có rất nhiều đường. Do đó, cần phải cân nhắc đánh giá xem tất cả những sản phẩm nào dùng nhiều và có tác động vào lượng đường trong cơ thể. Đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc áp dụng thuế suất 10% đối với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml, bởi việc này có thể không hiệu quả trong việc giảm tình trạng thừa cân, béo phì mà lại gây thiệt hại về kinh tế.

Phân tích về mặt hàng rượu, bia, các ý kiến đề nghị cần tách biệt giữa rượu và bia, không nên ghép chung, đồng thời cân nhắc mức tăng thuế để không ảnh hưởng quá lớn đến doanh nghiệp, đồng thời có lộ trình tăng thuế suất bia từ 70% - 90% kể từ năm 2027 thay vì từ năm 2026 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp điều chỉnh sản phẩm.

Đối với mặt hàng là xe bán tải, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng về vai trò và tác động của loại xe này đặc biệt ở các vùng nông thôn, miền núi; đồng thời, đề nghị giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay, vì đây là loại xe phục vụ nhiều nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ lưỡng các nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Chiều 22-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu nhận thấy, qua 8 năm triển khai thi hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 (Luật Hoạt động giám sát) đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Do đó, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát là cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; khắc phục những hạn chế, bất cập, những nội dung không còn phù hợp trong quy định của Luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật, nghị quyết có liên quan mới được Quốc hội ban hành.

Đồng thời, các đại biểu đề nghị cần rà soát, quy định rõ hơn, kỹ lưỡng hơn vai trò giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân liên quan đến các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính, ngân sách. Đồng thời, cần rà soát, xác định đầy đủ nguyên tắc cần thiết của hoạt động giám sát, trong đó không được nhầm lẫn giữa yêu cầu với nguyên tắc. Quy định nguyên tắc phải theo hướng tôn trọng, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát, bảo đảm các kiến nghị sau giám sát phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ; có chế tài đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các kiến nghị sau giám sát...

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

THU HOÀI - MINH TRÍ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202411/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-gop-y-nhieu-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-1027359/
Zalo