Nhiều đám cưới ở Hải Dương không cô dâu, chú rể

Vì điều kiện không cho phép nhưng lại mong muốn có được sự chứng nhận của 2 bên gia đình nên nhiều đám cưới ở Hải Dương không có cô dâu, chú rể.

Đám cưới của gia đình bà Hà có đầy đủ người thân, họ hàng, chỉ thiếu cô dâu, chú rể (ảnh cơ sở cung cấp)

Đám cưới của gia đình bà Hà có đầy đủ người thân, họ hàng, chỉ thiếu cô dâu, chú rể (ảnh cơ sở cung cấp)

Ngày vui chưa trọn vẹn

Mới đây, họ hàng ông Nguyễn Văn Đông ở xã Hồng Phong (Nam Sách) bất ngờ nhận được thiệp mời cưới con trai ông. Anh Nguyễn Văn Hào (sinh năm 1988) đang lao động tại Nhật Bản nhưng chưa về nước. Khi đi mời cưới, ông không quên trình bày hoàn cảnh và giới thiệu con dâu tương lai quê ở Quảng Bình. Dù không có nhân vật chính nhưng đến ngày, giờ đẹp, họ hàng, người thân tới dự đám cưới và tổ chức dẫn lễ vào tận tỉnh Quảng Bình.

Ông Đông kể, con trai ông yêu một cô gái quê ở tỉnh Quảng Bình. Sau một thời gian tìm hiểu, cả hai quyết định tiến tới hôn nhân. Dù chưa biết mặt con dâu tương lai nhưng ông vẫn tác thành và chúc phúc cho các con. Lễ cưới được tổ chức đầy đủ các bước từ dạm ngõ tới xin dâu, khách đến chúc mừng ngày vui của gia đình ông. Đại diện họ nhà trai cũng thuê xe ô tô vào tận tỉnh Quảng Bình để làm lễ xin dâu tượng trưng và cũng để biết gia đình nhà thông gia.

Gia đình bà Trần Thị Hà ở thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên (Kim Thành) cũng từng tổ chức đám cưới cho con gái không có mặt cô dâu, chú rể. Trước đám cưới, dưới sự hướng dẫn của con gái đang làm việc ở Hàn Quốc, gia đình bà cũng biết được địa chỉ và kết nối với gia đình thông gia. Hai gia đình tổ chức thăm nhà và bàn chuyện hôn nhân của các con.

Bà Hà cho biết bất kỳ gia đình nào cũng muốn tổ chức một đám cưới trọn vẹn cho các con nhưng vì điều kiện không cho phép nên gia đình bà đành làm vậy. Đám cưới thiếu vắng nhân vật chính nên cũng bớt vui, khách mời cũng gói gọn, chỉ họ hàng, những người thân quen. "Đó là mong muốn của các con nên chúng tôi tổ chức để các con yên tâm làm việc bên xứ người. Chúng tôi cũng yên tâm hơn khi con gái ở nước ngoài có chồng chăm sóc", bà Hà nói.

Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ chọn đi xuất khẩu lao động với mong muốn đổi đời. Gặp nhau nơi xứ người, các bạn có cơ hội tìm hiểu và quyết định tiến tới hôn nhân. Tuy nhiên, không phải bạn nào cũng có điều kiện về nước để tổ chức đám cưới bình thường. Họ ủy thác để 2 bên gia đình gặp gỡ rồi lựa chọn ngày đẹp tổ chức đám cưới. Với cha mẹ, dù ngày vui của các con chưa trọn vẹn nhưng họ cũng thấy yên tâm hơn khi biết con có thêm người thân là vợ hoặc chồng chăm sóc, san sẻ buồn vui khi ở xa gia đình.

Chứng nhận của họ hàng

Thay vì chụp ảnh cưới như các cô dâu khác, chị Phạm Thị Lan và chồng chụp ảnh trong bộ trang phục truyền thống của Hàn Quốc để ghi dấu ngày vui của chính mình (ảnh cơ sở cung cấp)

Thay vì chụp ảnh cưới như các cô dâu khác, chị Phạm Thị Lan và chồng chụp ảnh trong bộ trang phục truyền thống của Hàn Quốc để ghi dấu ngày vui của chính mình (ảnh cơ sở cung cấp)

5 năm làm việc ở Hàn Quốc, chị Phạm Thị Lan (con gái bà Trần Thị Hà) đã có chồng bên cạnh để sẻ chia buồn vui hằng ngày. Tốt nghiệp THPT, chị chọn sang Hàn Quốc lao động. Công việc vất vả, chị chỉ mong được thường xuyên gặp gỡ và giao lưu với những người đồng hương Việt Nam. Trong số đó, chị gặp anh Nguyễn Duy Mạnh, quê ở xã Thanh An (Thanh Hà). Cùng quê, cùng cảnh ngộ nên sau 4 năm tìm hiểu và yêu thương nhau, anh chị quyết định tiến tới hôn nhân. Ban đầu, quyết định tổ chức đám cưới ở quê nhà không được gia đình 2 bên ủng hộ. Sau nhiều lần thuyết phục, hiểu mong muốn thực sự của các con, gia đình chị đã đồng ý. Dù chưa được pháp luật chứng nhận nhưng được sự chứng kiến, công nhận của họ hàng, anh chị thấy vui và hạnh phúc.

Không được tham gia đám cưới của chính mình, chỉ có thể nhìn ngắm những video, bức ảnh được chụp lại, chị Lan không khỏi chạnh lòng. Chị chia sẻ: “Không được mặc váy cưới rạng rỡ như các cô dâu khác nhưng chúng tôi đã là vợ chồng. Khi đám cưới ở quê nhà được tổ chức, bên này chúng tôi cũng làm một bữa tiệc nhỏ để bạn bè cùng chung vui. Không có áo dài Việt Nam, chúng tôi mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc (hanbok) chụp ảnh để ghi nhớ dấu mốc quan trọng".

Còn anh Nguyễn Văn Hào cho biết ở tuổi 36, bạn bè đã có mái ấm riêng nên mỗi lần gọi điện về nhà, anh đều bị bố mẹ thúc giục chuyện lập gia đình. Và anh đã tìm được người "tâm đầu ý hợp". Sau khi giới thiệu với gia đình, một đám cưới giản dị được tổ chức tại quê nhà. Dù không trực tiếp là nhân vật chính trong đám cưới của mình nhưng anh vẫn rất vui vì nhận được những lời chúc của bạn bè, người thân. "Chưa có giấy đăng ký kết hôn nên đám cưới không chỉ là sự chứng nhận của họ hàng mà còn là cam kết của cuộc hôn nhân dài lâu", anh Hào nói.

Đám cưới là sự kiện trọng đại trong đời, ai cũng mong muốn có khung cảnh lung linh, cô dâu và chú rể cùng nhận những lời chúc phúc tốt đẹp của gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, chi phí đi lại là rào cản lớn với nhiều bạn trẻ khi kinh tế chưa đủ vững vàng. Thậm chí cũng có người là lao động bất hợp pháp nên chưa thể về nước. Thế nhưng, họ lại muốn có hôn nhân được sự đồng ý của 2 bên gia đình. Vậy là những đám cưới không cô dâu, chú rể xuất hiện ngày càng nhiều.

Dù vì lý do gì thì tình yêu, sự quan tâm và sẻ chia của các cặp đôi nơi xứ người cũng đáng nhận được sự chúc phúc của gia đình. Điều này cũng khiến cuộc sống xa nhà của các cặp vợ chồng trẻ trở nên ấm áp hơn.

KHÁNH HÒA

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nhieu-dam-cuoi-o-hai-duong-khong-co-dau-chu-re-397362.html
Zalo