Nhiều cơ chế, chính sách mới có thể ảnh hưởng tích cực tới thị trường M&A
Năm tới có thể có nhiều thương vụ M&A hơn so với năm nay, đến từ ngành logistics, chế biến - chế tạo, công nghệ, tài chính… nhờ những thay đổi tích cực từ môi trường kinh doanh.
“Những thay đổi tích cực về thể chế trong thời gian vừa qua đã giúp thị trường M&A của Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn với nhiều thương vụ được thực hiện”, bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF nhấn mạnh trong phiên thảo luận tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2024.
Cùng với đó, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số cũng được nhìn nhận là những điểm nổi bật, mang đến những thay đổi tích cực của thị trường M&A Việt Nam.
Theo bà Duyên, điểm tích cực đáng kể nhất là những thay đổi theo hướng giảm gánh nặng và mở rộng cơ hội đầu tư, hỗ trợ khoản đầu tư về công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, hướng về khuyến khích phát triển bền vững.
Cụ thể, Luật Viễn thông số có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đã mở rộng một số dịch vụ mới, bao gồm dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, phù hợp với xu thế chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số và đồng thời tạo môi trường pháp lý rõ ràng, bình đẳng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
Việt Nam đã và đang nới dần nhiều giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và nâng sở hữu lên 100% đối với nhiều ngành nghề, như dịch vụ điện tử, dịch vụ trò chơi điện tử …, từ đó giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng đầu tư vào những lĩnh vực này.
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam đã có cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp tiêu thụ, điều mà trước đây chưa thực hiện được và đơn vị tiêu thụ phải mua trực tiếp từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tuy nhiên, bà Duyên cũng chỉ ra những thách thức cần phải lưu ý trong các hoạt động M&A tại Việt Nam. Đó là những thay đổi về chính sách thuế, như thuế tối thiểu toàn cầu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt …
“Nhiều chính sách đang trong giai đoạn dự thảo, rà soát lại, nên các nhà đầu tư cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động có thể có đến thương vụ M&A trong tương lai. Điều này có thể dẫn tới nhiều thương vụ bị chậm lại”, bà Duyên nhấn định.
Dù vậy, bà Duyên cũng đặt kỳ vọng vào nhiều dự thảo cơ chế mới dự kiến sẽ có tác động tích cực, ví dụ thủ tục đầu tư đặc biệt đang được các đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 8, khóa XV xem xét, dự kiến sẽ thông qua.
Thủ tục đầu tư này được đề xuất áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip và lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế…
“Các nhà đầu tư cần dành nhiều thời gian đánh giá, tác động như thế nào và nếu thay đổi được thực hiện sẽ tác động như thế nào tới quyết định đầu tư, thương vụ M&A tiềm năng trong tương lai”, bà Duyên lưu ý.
Thậm chí, với các tác động tích cực dự kiện, bà Duyên kỳ vọng năm 2025 có nhiều thương vụ M&A hơn so với năm nay, đến từ ngành logistics, chế biến - chế tạo, công nghệ, tài chính…