Nhà đầu tư đánh giá thị trường M&A Việt Nam hấp dẫn, đầy tiềm năng
Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, các hoạt động mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng sẽ được kích hoạt mạnh, giúp thị trường sớm phục hồi, nhộn nhịp trở lại và phát triển mạnh mẽ.
Trầm lắng trong năm 2024 chỉ mang tính thời điểm
Phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 được Báo Đầu tư tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào chiều 27/11, ông Nguyễn Đức Tâm – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo của Đảng, phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp và ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội 2024 đã cơ bản phục hồi.
Cụ thể là kết quả tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP ước đạt 6,8 - 7% tạo nền tảng quan trọng để bước vào năm 2025 với khí thế, niềm tin vào sự tăng tốc, bứt phá của nền kinh tế.
Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng, vẫn luôn được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng, là nơi có thể đặt niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng cũng như cơ hội đầu tư.
Trong thành tựu chung của nền kinh tế trong năm 2024, có thể nói thu hút đầu tư nước ngoài là một điểm sáng. Trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã thu hút được gần 27,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (tăng 1,9% so với năm trước), thực hiện khoảng 19,6 tỷ USD (tăng 8,8%). Đáng chú ý, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng như sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic, sản xuất linh kiện... được đầu tư mới hoặc mở rộng vốn.
Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để nắm bắt cơ hội không thể tốt hơn trong thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp tiên phong như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch... và khẳng định mình đã sẵn sàng cho sự phát triển của các ngành này.
Tuy nhiên, qua theo dõi, thị trường M&A Việt Nam đang có xu hướng chậm lại: 10 tháng qua, chỉ có 2.669 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD, tương ứng giảm 10,4% về số lượt và giảm 29% về giá trị so với cùng kỳ. Sự trầm lắng này chỉ là vấn đề mang tính thời điểm do xu hướng chung của thị trường toàn cầu, kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch và biến động địa chính trị trên thế giới.
Kinh tế thúc hoạt động M&A phát triển
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, Quốc hội vừa thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, là năm cuối của nhiệm kỳ 2021-2025, có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi được xác định là năm bứt phá để về đích, tạo tiền đề đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một trong những mục tiêu quan trọng năm 2025 là tăng trưởng GDP đạt 6,5 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5% và hiện nay đang quyết tâm để đạt được cao hơn, mục tiêu này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và lấy phát triển để làm cơ sở cho ổn định.
Mục tiêu đặt ra là thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục phức tạp, khó lường, triển vọng kinh tế toàn cầu, cũng như các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu được dự báo còn nhiều khó khăn, rủi ro về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu này, Quốc hội đã đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2025, trong đó, có việc quyết liệt tháo gỡ thể chế, khắc phục điểm nghẽn. Một khi các giải pháp đề ra được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, nền kinh tế Việt Nam có thể tạo sự đột phá, tăng tốc để về đích trong năm 2025. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, đầu tư thông qua hình thức M&A nói riêng.
''Một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cộng hưởng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nước, thì các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh, sớm phục hồi, nhộn nhịp trở lại và phát triển mạnh mẽ…'' - Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nói.
Kinh tế Việt Nam năm 2025 được dự báo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, các yếu tố về thể chế, pháp luật được hoàn thiện trong năm 2024 sẽ có tác động rõ nét hơn đến tăng trưởng và phát triển kinh tế trong năm 2025.