Nhiều chỉ số về doanh nghiệp FDI tài chính, bảo hiểm suy giảm
Dữ liệu báo cáo tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vừa tập hợp, báo cáo Chính phủ cho thấy, chỉ số về nợ của doanh nghiệp FDI tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng cao; khả năng thanh toán ngắn hạn giảm...
Theo báo cáo của cơ quan thuế, biến động về tài sản khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung (DN FDI) xét về lĩnh vực đầu tư cho thấy, doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực có giá trị tài sản lớn nhất, chiếm 91% tổng tài sản khối DN FDI. Trong đó, DN FDI tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có tổng tài sản là 1.042.888 tỷ đồng (chiếm 10% tổng tài sản khối doanh nghiệp FDI. Giá trị tài sản của doanh nghiệp FDI lĩnh vực này cũng được ghi nhận tăng trưởng dương (đạt 118.490 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tính đến 31/12/2023, nợ phải trả của nhóm DN FDI tài chính, ngân hàng và bảo hiểm lên đến 822.916 tỷ đồng; so với năm 2022, tốc độ tăng nợ phải trả của DN nhóm này là 13,6% (tăng 98.480 tỷ đồng), cao hơn tốc độ tăng nợ chung của khối DN FDI 5,7%. Tổng nợ phải trả của toàn bộ khối doanh nghiệp FDI năm 2023 là 5.764.735 tỷ đồng, tăng 7,9%.

Một vài chỉ số hoạt động kinh doanh của DN FDI tài chính, ngân hàng và bảo hiểm năm 2023.
Năm 2023, doanh nghiệp FDI tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 3,74, thuộc nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có hệ số nợ trên vốn chủ lớn hơn 2. Theo phân tích, đánh giá của Bộ Tài chính, 65% số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này đều có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm.
Điều này cho thấy việc sử dụng đòn bẩy tài chính của đa số doanh nghiệp FDI thuộc các lĩnh vực này chưa hợp lý. Khả năng thanh toán ngắn hạn của doanh nghiệp FDI tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 5%.
Năm 2023, doanh nghiệp FDI tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có mức lợi nhuận đạt 21.452 tỷ đồng. Về khả năng thanh toán tổng quát, DN FDI tài chính, doanh nghiệp và bảo hiểm có hệ số khả năng thanh toán tổng quát thấp, chỉ ở mức 1,27 (doanh nghiệp có hệ số này dưới 1 là không đảm bảo khả năng thanh toán).
So với năm 2022, doanh nghiệp FDI tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có khả năng thanh toán tổng quát giảm 1%. Tuy nhiên, khả năng thanh toán trong ngắn hạn và thanh toán nhanh của DN lĩnh vực này khá cao.
Doanh nghiệp FDI lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đóng góp vào ngân sách nhà nước 9.003 tỷ đồng.