'Nhiệt kế kinh doanh' ấm trở lại, nhưng chưa mạnh mẽ
33% doanh nghiệp dự định mở rộng trong hai năm tới, tăng so với con số 27% năm 2023. Đây là lựa chọn của 8.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2024.
"Nhiệt kế kinh doanh" ấm trở lại
Nhiệt kế doanh nghiệp tư nhân là một mục trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm nay, 33% trong 8.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát dự định mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới.

Nguồn: Báo cáo PCI 2024
So với 27% của PCI 2023, "nhiệt kế kinh doanh" của doanh nghiệp tư nhân ấm trở lại. Song, so với mức khoảng 50% của giai đoạn trước Covid-19, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp còn khá bấp bênh.
Cũng phải nói thêm, việc khảo sát PCI 2024 diễn ra trước khi chính quyền Mỹ áp dụng chính sách thuế quan mới, nên rất có thể con số này không phản ánh hết tâm tư của doanh nghiệp vào thời điểm này.
Song, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án PCI cho rằng, điều này cho thấy cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan Nhà nước trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp để củng cố và tạo động lực cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào 5 địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh cao nhất bao gồm Bạc Liêu (53%), Hưng Yên (50%), Bắc Giang (47%), Bà Rịa-Vũng Tàu (46%) và Hòa Bình (46%). Lý do chủ yếu là các địa phương này có chiến lược thu hút đầu tư chủ động, với các nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện cơ sở hạ tầng, khai thác vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng.
Trong nhóm điểm sáng của PCI, có tính minh bạch thông tin
8.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2024 cũng đã bày tỏ quan điểm khá rõ ràng về những bước thay đổi trong môi trường kinh doanh cấp tỉnh.
Có 9 điểm được nhóm nghiên cứu tổng hợp.
Trong đó, nhóm có cải thiện là chất lượng điều hành (năm thứ tám liên tiếp điểm số PCI trung vị vượt mốc 60 điểm), chất lượng lao động (các doanh nghiệp cũng cho biết việc tuyển dụng các nhóm lao động phổ thông, cán bộ kỹ thuật và cán bộ quản lý, giám sát cũng thuận lợi hơn, lần lượt ở mức 63%, 37% và 30% vào năm 2024, cao hơn so với năm trước).
Doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá điểm tiếp cận tài liệu quy hoạch và pháp lý năm 2024 lần lượt đạt 3,11 và 3,23 điểm – mức cao nhất kể từ năm 2006.
Đặc biệt, tính minh bạch thông tin được nâng cao rõ rệt. Doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá điểm tiếp cận tài liệu quy hoạch và pháp lý năm 2024 lần lượt đạt 3,11 và 3,23 điểm – mức cao nhất kể từ năm 2006.
Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng “cần có mối quan hệ” để tiếp cận tài liệu của tỉnh chỉ còn 31%, giảm gần một nửa so với 61% năm 2021, thấp nhất từ trước đến nay.
Thủ tục gia nhập thị trường cũng được ghi nhận thuận lợi hơn khi thời gian thực hiện đăng ký kinh doanh và điều chỉnh thông tin doanh nghiệp trung bình chỉ khoảng 7 ngày và 6 ngày, thấp hơn nhiều so với mức gần một tháng khi VCCI bắt đầu khảo sát cách đây 20 năm.
Tuy nhiên, trong khảo sát 2024 vẫn có chưa tới 50% các doanh nghiệp hài lòng với các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện. Điều này cho thấy đây chính là nhóm thủ tục còn nhiều dư địa để thúc đẩy tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường trong thời gian tới.
Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự tiếp tục được duy trì ở mức cao. Năm 2024, có 91% doanh nghiệp tin tưởng khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng, con số ở mức trên 90% liên tục trong 4 năm qua.
Tương tự, 93% doanh nghiệp đánh giá “Tòa án các cấp của tỉnh xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật”, 88% doanh nghiệp cho rằng “Tòa án các cấp của tỉnh giải quyết các vụ việc kinh tế nhanh chóng” và “Bản án, quyết định của Tòa án được thi hành kịp thời”.
Cũng có tới 89% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “cơ quan trợ giúp pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả khi có tranh chấp”. Năm 2024, có 83% doanh nghiệp cho biết tình hình an ninh trật tự trên địa bàn là tốt, tăng so với con số 77-78% của 3 năm trước đó.
Tiếp cận đất đai vẫn khó, chi phí không chính thức có dấu hiệu quay trở lại
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, 4 chỉ số đang được doanh nghiệp đánh giá là chững lại, suy giảm. Trong đó, tính năng động của chính quyền địa phương có dấu hiệu suy giảm.

Một số Chỉ số thành phần cho thấy tính năng động, tiên phong của chính quyền địa phương có sự suy giảm
Năm 2024, có 77% doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm từ con số 86% của năm 2021-2022 và 82% của năm 2024. Tương tự, chỉ 71% doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh, giảm từ con số 80% của năm 2022 và 77% của năm 2023.
Trong khảo sát 2024, chỉ 53% doanh nghiệp quan sát thấy thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực, giảm đáng kể từ con số 64% của năm 2021.
Năm 2024, có tới 26% doanh nghiệp nhận thấy “Phản ứng của tỉnh khi có điểm chưa rõ trong chính sách/văn bản trung ương: “trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo” và “không làm gì”, trong khi năm 2021 chỉ là 19%. Một điểm đáng chú ý khác, trong khảo sát 2024, chỉ 53% doanh nghiệp quan sát thấy thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực, giảm đáng kể từ con số 64% của năm 2021.
Chất lượng xử lý thủ tục hành chính cũng được ghi nhận có dấu hiệu chững lại. Gần 24% doanh nghiệp cho biết dành trên 10% thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật, tăng so với con số 20% năm 2023–2022. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng, thời gian thực hiện thủ tục hành chính ngắn hơn quy định đạt 83% (giảm nhẹ so với 86% năm trước).
Khoảng 79% doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục (giảm nhẹ so với 82–83% năm 2022–2023). Về thanh tra, 22% doanh nghiệp phản ánh sự trùng lặp nội dung kiểm tra, tăng mạnh so với 8,5% năm trước.
Dù vậy, vẫn có điểm sáng khi tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh/kiểm tra trên ba lần/năm giảm còn 5%, thấp nhất từ trước đến nay. Các doanh nghiệp ghi nhận hiệu quả của việc giải quyết TTHC trực tuyến, khi có tới 79% doanh nghiệp không gặp khó khăn khi thực hiện TTHC theo phương thức này.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn tiếp cận đất đai gia tăng và chi phí không chính thức có dấu hiệu quay trở lại.
Tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn khi tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng giảm mạnh xuống còn 33% năm 2024 (so với 55% năm 2021, 48% năm 2022 và 41% năm 2023).
Chỉ 51% doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đất đai trong 2 năm qua không gặp vướng mắc (giảm so với 59% năm 2023).
Trong số doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, 68% cho biết nguyên nhân lớn nhất là thời gian giải quyết kéo dài quá quy định (so với 64% năm 2023), 59% cho rằng thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian (tăng so với 44%), 51% phản ánh cán bộ tiếp nhận không hướng dẫn chi tiết (so với 46%), 49% cho rằng quy trình giải quyết không đúng nội dung văn bản/quy định (tăng so với 46%), và 41% cho biết giá đất thực tế khác biệt khung giá quy định (so với 37% năm 2023).
Năm 2024, gần 37% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức, tăng nhẹ so với 33% năm 2023. Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra lên đến 28% (so với 16% năm trước). Tỷ lệ này khi thực hiện thủ tục kinh doanh có điều kiện lên gần 55% (cao hơn nhiều so với 2023); về thủ tục đất đai là khoảng 50% (so với gần 38% năm 2023). Tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức trong đấu thầu công ở địa phương cũng
nhích từ 27,6% năm 2023 lên 28,6% năm 2024.
Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận điểm tích cực: chỉ 2,3% doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức chiếm trên 10% doanh thu – tiếp nối xu hướng giảm dần đều từ 2010. So với mức gần 13% năm 2006 (năm khảo sát đầu tiên), gánh nặng chi phí không chính thức đã giảm rất mạnh.
Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp có tranh chấp nhưng không khởi kiện do lo ngại tình trạng “chạy án” cũng giảm rõ rệt từ 53% năm 2023 xuống còn 44% năm 2024.