Top 5 địa phương dẫn đầu chỉ số cạnh tranh PCI trước khi sáp nhập
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 (PCI 2024).
Báo cáo PCI năm 2024 là lần cuối cùng có đủ 63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng, trước khi quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh được triển khai.
Trong bảng xếp hạng năm nay, Hải Phòng lần đầu tiên vượt qua những địa phương từng nhiều năm giữ vững vị trí dẫn đầu như Quảng Ninh, Đồng Tháp... để vươn lên vị trí số 1 với 74,84 điểm, trở thành tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước.Xếp ở vị trí thứ hai là tỉnh Quảng Ninh với 73,20 điểm, tăng 1,95 điểm so với năm 2023.
Đứng thứ ba là tỉnh Long An – địa phương đã ba năm liên tiếp nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất. Thứ tư là tỉnh Bắc Giang, đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Bắc Giang nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu PCI. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giữ vững vị trí thứ năm, tiếp tục duy trì trong top 10 PCI từ năm 2021.
Với điểm số 68,38, Hà Nội tăng 4 bậc trong PCI 2024, từ vị trí số 28 của năm ngoái lên vị trí thứ 24, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt. So với năm 2023, chỉ số PCI 2024 của TP HCM tụt xuống 2 bậc trong bảng xếp hạng khi đứng vị trí thứ 29 với 67,89 điểm (năm 2023 đứng thứ 27).
Top 30 PCI 2024 còn có sự góp mặt của các địa phương Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Phú Thọ, Đồng Tháp, Hưng Yên, Cần Thơ, Bến Tre, Ninh Thuận... Trong đó, lần đầu tiên Hưng Yên đứng thứ 10 bảng xếp hạng PCI cùng với Huế, Hậu Giang, Phú Thọ và Đồng Tháp.

Top 30 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất năm 2024.
Năm 2023, tỉnh Phú Thọ lần đầu tiên lọt vào top 10 PCI toàn quốc với số điểm 69,10, xếp thứ 10/63. Đến năm 2024, địa phương tăng thêm 1,25 điểm và vươn lên vị trí thứ 8, tiếp tục khẳng định xu hướng cải thiện rõ nét trong chất lượng điều hành và môi trường đầu tư – kinh doanh.
Chỉ trong vòng hai năm (2022–2024), Phú Thọ đã tăng tới 16 bậc trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc (năm 2022 đứng thứ 24, đạt 63,66 điểm), cho thấy sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp.
Qua phân tích 10 chỉ số thành phần PCI, năm 2024 Phú Thọ có 6 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2023. Cụ thể, chỉ số Gia nhập thị trường 7,76 điểm (năm 2023 là 7,34 điểm); chỉ số Chi phí thời gian 8,01 điểm (năm 2023 là 7,61 điểm); chỉ số Chi phí không chính thức 7,08 điểm (năm 2023 là 7,05 điểm); chỉ số Cạnh tranh bình đẳng 7,02 điểm (năm 2023 là 6,24 điểm); chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 7,19 điểm (năm 2023 là 6,83 điểm); chỉ số Đào tạo lao động 7,43 điểm (năm 2023 là 6,77 điểm).

Ông Phùng Khánh Tài - Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ nhận chứng nhận Chỉ số PCI cấp tỉnh cho 10 địa phương đứng đầu cả nước. Ảnh: Phutho.gov.vn
4 chỉ số có sự giảm điểm nhẹ là: Tiếp cận đất đai 6,77 điểm (năm 2023 là 6,95 điểm); Tính minh bạch 5,96 điểm (năm 2023 là 6,45 điểm); Tính năng động của chính quyền tỉnh 6,63 điểm (năm 2023 là 6,80 điểm); Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự 6,90 điểm (năm 2023 là 7,40 điểm).
Báo cáo PCI ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực ở các chỉ số thành phần của Phú Thọ. Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý hồ sơ, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Việc duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp cũng góp phần tăng mức độ hài lòng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Cũng tại bảng xếp hạng của VCCI, Thanh Hóa vươn lên mạnh mẽ khi xếp thứ 21 với 68,74 điểm, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ.
Nhìn lại các năm từ 2017 đến 2019, Chỉ số PCI của Thanh Hóa luôn nằm trong top 30 trong bảng xếp hạng. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, Chỉ số PCI của Thanh Hóa rớt hạng nhanh chóng, xuống vị trí thứ 43 (năm 2021) và thứ 47/63 tỉnh, thành phố của cả nước (năm 2022).

Thanh Hóa nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính (Ảnh: BTH).
Quyết tâm đổi mới, cải thiện vị trí xếp hạng, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém và gặt hái được thành quả xứng đáng. Năm 2023, Thanh Hóa đã vươn lên nằm trong top 30 địa phương đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số PCI, tăng 17 bậc so với năm 2022. Và với bước chuyển mình mạnh mẽ năm 2024, Thanh Hóa đã lọt vào top 3 địa phương cải cách nhất trong 20 năm (2005 - 2024).
Long An lọt top 2 địa phương có cải cách nổi bật nhất trong 20 năm triển
Trong bảng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Long An là địa phương xếp vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng với 72,64 điểm.
Kết quả PCI cũng phản ánh đúng những nỗ lực toàn diện của tỉnh trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa tỉnh trở thành điểm sáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Điều này cũng khẳng định chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục có sự cải thiện.
Cùng với triển khai đánh giá Bộ chỉ số DDCI, thời gian qua, tỉnh Long An cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, hình ảnh, môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn đến các nhà đầu tư, đối tác.
Trong xúc tiến đầu tư, định hướng của tỉnh là chủ động thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí ưu tiên. Đồng thời, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn có tiềm lực vốn, công nghệ tiên tiến tham gia đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của tỉnh.
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh chủ động giới thiệu với các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và trực tiếp đến nhiều nước trên thế giới để tiếp cận, mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư vào tỉnh. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.
Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, hàng loạt tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã đến Long An nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Nhiều nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, uy tín đã triển khai dự án tại tỉnh.
Top 10 địa phương hấp dẫn doanh nghiệp lớn năm 2024. Nguồn:Vietnam Report tổng hợp, tháng 12/2024
Với những cách làm sáng tạo, năm 2024, tỉnh Long An vinh dự góp mặt trong top 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với doanh nghiệp lớn. Tính đến hết quý I/2025, trên địa bàn tỉnh Long An có 2.278 dự án DDI với số vốn đăng ký hơn 511.000 tỉ đồng và 1.409 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 12.783,6 triệu USD.
Tăng chỉ số minh bạch
Với quan điểm “Chính quyền tỉnh Long An tiếp tục cùng đồng hành, cùng phát triển với doanh nghiệp”, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính.
Năm 2024 Chỉ số tính minh bạch của Long An đạt 6,63 điểm, tăng 0,64 điểm so với năm 2023. Đây cũng là một trong những điểm sáng thể hiện cam kết đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao PCI, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, minh bạch, mang lại sự an tâm, tin tưởng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tỉnh Long An tiếp tục giữ vững vị thế trong nhóm đầu cả nước về thu hút đầu tư.
Trong thời gian tới, Long An tiếp tục khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, phát huy vai trò liên kết vùng, nâng cấp kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, đổi mới tư duy và cách làm trong công tác xúc tiến đầu tư, số hóa và công khai các tài liệu thông tin về tỉnh. Đây là những giải pháp mà tỉnh xác định là khâu đột phá chiến lược nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, giúp tỉnh tiếp cận gần hơn với các nhà đầu trong và ngoài nước...
Anh Như