Nhiệt điện là bên mua tín chỉ carbon chủ yếu

Nhiệt điện sẽ là bên mua tín chỉ carbon chủ yếu, trong khi lĩnh vực xi măng, sắt thép có tiềm năng bán tín chỉ carbon nếu áp dụng giải pháp giảm nhẹ phát thải.

Các cơ sở nhiệt điện sẽ là bên mua tín chỉ carbon chủ yếu. Ảnh: Hoàng Anh

Các cơ sở nhiệt điện sẽ là bên mua tín chỉ carbon chủ yếu. Ảnh: Hoàng Anh

Ba lĩnh vực sản xuất tạo ra phát thải khí nhà kính bao gồm sắt thép, xi măng và nhiệt điện, hiện đang chiếm trên 70% lượng phát thải toàn ngành công nghiệp của Việt Nam. Đây cũng là ba lĩnh vực trọng tâm trong giai đoạn thị trường tín chỉ carbon vận hành thí điểm.

Trước đó, theo dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, khoảng 150 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sắt thép, xi măng và nhiệt điện sẽ được phân bổ hạn ngạch khí thải trong giai đoạn đầu tiên là từ 2025 – 2026.

Phục vụ cho công tác triển khai thí điểm thị trường carbon, thông qua sự hỗ trợ của Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á, Cục Biến đổi khí hậu thuộc Bộ Nông nghiệp và môi trường đã thực hiện dự án đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Dự án đưa ra hai kịch bản bao gồm bù trừ hạn ngạch phát thải bằng tín chỉ carbon ở mức 10% và 20%.

Cả hai kịch bản đều chỉ ra, các cơ sở nhiệt điện có mức phát thải rất cao, sẽ là bên mua chủ yếu trong giai đoạn thí điểm thị trường tín chỉ carbon. Ngành xi măng sẽ là bên bán tín chỉ do có khả năng đầu tư, áp dụng công nghệ nhằm tăng hiệu quả, giảm phát thải.

Trong khi đó, ngành thép có thể là bên bán trong kịch bản bù trừ bằng tín chỉ carbon ở mức 10% hạn ngạch nhưng sẽ chuyển sang vai trò bên mua trong kịch bản bù trừ tín chỉ carbon ở mức 20% hạn ngạch do giá tín chỉ carbon xuống thấp.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), nhận định, những doanh nghiệp bị áp hạn ngạch thường có quy mô lớn, sở hữu nguồn lực mạnh và sẽ tiên phong trong những giải pháp cắt giảm khí thải thông qua ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên, việc lựa chọn tỷ lệ cho phép bù trừ hạn ngạch bằng tín chỉ carbon tối đa là bao nhiêu cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến nỗ lực của doanh nghiệp triển khai giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.

Trước đó, Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định chỉ cho phép bù trừ hạn ngạch bằng tín chỉ carbon tối đa 10%. Còn theo nhóm nghiên cứu, kịch bản bù trừ 20% hạn ngạch sẽ tạo ra hiệu quả cao hơn, giảm nhẹ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay, dự thảo sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đang đề xuất tỷ lệ hạn ngạch phát thải được phép bù trừ bằng tín chỉ carbon tạo ra bởi các dự án trong nước đang ở mức 30%.

Việc cho phép bù trừ tín chỉ carbon trong hạn ngạch phát thải ở tỷ lệ cao tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp có thêm sự linh hoạt để tuân thủ mức hạn ngạch thông qua việc mua bán tín chỉ carbon. Thế nhưng, tỷ lệ cao cũng có thể khiến doanh nghiệp lựa chọn mua tín chỉ để bù đắp thay vì nỗ lực cắt giảm hết mức có thể lượng phát thải phát sinh từ quá trình sản xuất, kinh doanh.

Hoàng Đông

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/nhiet-dien-la-ben-mua-tin-chi-carbon-chu-yeu-d39816.html
Zalo