Nhiễm khuẩn não mô cầu nguy hiểm thế nào?
Theo các chuyên gia y tế, viêm màng não do não mô cầu được xem là 'bệnh tử 24 giờ' bởi tốc độ cướp đi mạng sống con người trong vòng chưa đầy một ngày sau khởi phát cơn sốt.
Có thể tử vong trong 24h
Mới đây, Bộ Quốc phòng thông tin về việc quân nhân N.V.N (nhân viên quân khí thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân khu 1) tử vong do bị sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp.

Một ca bệnh não mô cầu được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Qua kết quả xét nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 xác định, quân nhân N ngừng tuần hoàn ngoại viện.
Cũng mắc căn bệnh này, bà T.T.T (55 tuổi, ở Hà Nam) được đưa vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai điều trị kịp thời. Theo gia đình bà T, bà sống tại TP.HCM và về Hà Nam ăn Tết.
Ngày mùng 8 Tết, bà T sốt nóng, lạnh liên tục, mệt mỏi nhiều và tình trạng ngày càng nặng nên gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, bà T được các bác sĩ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới xác định bị não mô cầu thể tối cấp và điều trị cách ly. May mắn nhập viện sớm, bà T được điều trị đúng phác đồ, kịp thời, nên bệnh tình tiến triển tốt.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp viêm màng não vào nhóm bệnh nguy hiểm hàng đầu, bởi mỗi năm thế giới có đến hơn 2,5 triệu ca nhiễm do mọi nguyên nhân và khoảng 240.000 ca tử vong vì căn bệnh này.
Trong đó, viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu được xem là "bệnh tử 24 giờ" bởi tốc độ cướp đi mạng sống con người trong vòng chưa đầy một ngày khởi phát cơn sốt.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não mô cầu ở Việt Nam lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Đây là 1 trong 6 căn bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Dễ bị chẩn đoán nhầm
BS Chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, nhiễm khuẩn do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện lâm sàng rất đa dạng như: Viêm mũi họng, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm khớp, viêm màng tim, viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn có tên khoa học là Neisseria meningitidis, gọi là não mô cầu.
Bệnh dễ gây thành dịch, nhất là trong các nhà trẻ, gia đình, khu tập thể, khu công nghiệp mật độ người đông và điều kiện vệ sinh kém. Nguồn lây duy nhất là người, có thể là bệnh nhân hoặc người mang vi khuẩn không triệu chứng hay người lành mang trùng.
Theo BS Tiến, trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi hoặc thanh thiếu niên 14-20 tuổi dễ mắc bệnh nhất, ở người trên 20 tuổi có tỷ lệ thấp hơn. Thể thường gặp nhất của bệnh là nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ.
BS Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho hay, viêm não mô cầu không hiếm gặp và hậu quả rất nghiêm trọng. Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột như: Sốt, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, đau họng; hoặc phát ban xuất huyết, cứng cổ, sợ ánh sáng; hôn mê, co giật, mê sảng, mất ý thức.
Các triệu chứng của bệnh không điển hình, dễ nhầm lẫn với cảm thường, ví dụ đau họng, sốt, buồn nôn… dẫn đến dễ chẩn đoán sai, phát hiện muộn.
Trong vòng 8 giờ đầu, người bệnh có các triệu chứng không rõ ràng như: Cúm gồm đau đầu, sốt, viêm họng, sổ mũi, biếng ăn, buồn nôn. Từ giờ thứ 9-15, xuất hiện tử ban, lạnh tay chân, cứng cổ, sợ ánh sáng. Từ 16-24 giờ, bệnh nhân co giật, mê sảng, mất ý thức, tử vong. Bên cạnh đó, dấu hiệu phát ban điển hình của bệnh có thể không xuất hiện dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm.
BS Trần Quang Đại, Phòng tiêm chủng Vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, hầu hết bệnh nhân bị viêm màng não do não mô cầu đều được chữa khỏi có hồi phục. Tuy nhiên, có khoảng 10-15% bệnh nhân có các thương tật vĩnh viễn như tổn thương não, mất thính lực, học tập kém... và 10-15% bệnh nhân tử vong kể cả đã được điều trị.
Cách tốt nhất để phòng bệnh là thường xuyên vệ sinh cá nhân (rửa tay, đánh răng, súc miệng, họng). Mọi người cần điều trị triệt để các ổ viêm nhiễm hầu họng. Vệ sinh môi trường sống, nhà ở thoáng có ánh sáng chống ẩm thấp; ăn uống đủ chất dinh dưỡng tăng sức đề kháng chung; lưu ý nên tiêm vaccine phòng ngừa não mô cầu.