Nhật Bản: Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh
Người tiêu dùng mang theo ít tiền mặt hơn, hoặc hoàn toàn không mang tiền mặt khi ra ngoài.

(Tư liệu) Đồng tiền mệnh giá 10.000 yen của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là qua thẻ tín dụng, tiền điện tử và mã QR, đang ngày càng trở nên phổ biến tại Nhật Bản. Hiện các hình thức thanh toán này chiếm hơn 40% tổng chi tiêu cá nhân trong nước. Điều này cho thấy một xu hướng ngày càng rõ rệt: người tiêu dùng mang theo ít tiền mặt hơn, hoặc hoàn toàn không mang tiền mặt khi ra ngoài.
Tuy nhiên, hình thức thanh toán này cũng đặt ra một số vấn đề cần giải quyết, bao gồm nguy cơ sử dụng trái phép gia tăng và khả năng gián đoạn dịch vụ trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Theo báo cáo của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố vào cuối tháng 3/2025, tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt tại nước này trong năm 2024 đạt 141.000 tỷ yen (khoảng 980 tỷ USD), tăng 11,3% so với năm trước. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong tiêu dùng cá nhân đạt 42,8%, lần đầu tiên vượt mốc 40%. Như vậy, Nhật Bản đã hoàn thành sớm mục tiêu đặt ra cho năm 2025 - đạt 40% thanh toán không dùng tiền mặt trong tiêu dùng cá nhân.
Tính từ năm 2010, khi tổng thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ đạt 38,3 nghìn tỷ yen, đến năm 2024, con số này đã tăng gấp 3,7 lần. Trong đó, thẻ tín dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 82,9%, tiếp theo là các hình thức thanh toán qua mã QR hoặc mã số khác, chiếm 9,6% và đang tăng trưởng nhanh chóng.
Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, ngày càng nhiều cửa hàng truyền thống tại Nhật Bản cũng đã chấp nhận thanh toán bằng thẻ không tiếp xúc và ứng dụng trên điện thoại thông minh như PayPay, góp phần thúc đẩy môi trường thuận lợi cho tiêu dùng không dùng tiền mặt. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp thông qua các phương thức thanh toán điện tử. Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia khác, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của Nhật Bản vẫn còn ở mức thấp. Theo số liệu năm 2022 từ Hiệp hội Thanh toán Nhật Bản, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới với tỷ lệ 99%, tiếp theo là Trung Quốc (83,5%), Singapore (65,6%), Anh (64,2%) và Mỹ (56,4%). Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt lên 80%, nhằm bắt kịp các quốc gia đi đầu và thúc đẩy các lợi ích đi kèm như tăng tính tiện lợi, giảm chi phí xử lý tiền mặt và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành bán lẻ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản cần vượt qua nhiều rào cản. Một trong những thách thức lớn là chi phí cao mà các nhà bán lẻ phải gánh chịu khi triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm chi phí thiết bị và phí hoa hồng cho các nhà cung cấp dịch vụ. Chính phủ đã kêu gọi các ngành liên quan hợp tác để hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Một vấn đề khác là tình trạng gian lận thẻ tín dụng ngày càng đáng lo ngại.
Theo Hiệp hội Tín dụng Tiêu dùng Nhật Bản, trong năm 2024, các khoản thiệt hại do sử dụng trái phép thẻ tín dụng đã đạt mức kỷ lục 55,5 tỷ yen, trong đó hơn 90% là do bị đánh cắp thông tin thẻ. Để đối phó với tình trạng này, vào tháng 3/2025, 8 công ty thẻ tín dụng lớn tại Nhật Bản đã công bố một sáng kiến chung nhằm ngăn chặn các trang web lừa đảo.
Ngoài ra, thiên tai cũng là mối đe dọa lớn đối với hệ thống thanh toán điện tử. Một trận động đất mạnh xảy ra tại Hokkaido năm 2018 đã gây mất điện trên diện rộng, khiến nhiều cửa hàng không thể vận hành máy tính tiền hoặc xác minh thông tin thẻ, dẫn đến việc người dân không thể mua sắm nếu không có tiền mặt. Một báo cáo chính phủ công bố vào cuối tháng 3/2025 cảnh báo về thiệt hại nghiêm trọng nếu xảy ra một trận động đất quy mô lớn dọc theo rãnh Nankai ngoài khơi Thái Bình Dương. Báo cáo nhấn mạnh nguy cơ nhiều người tiêu dùng có thể trở thành “người tị nạn mua sắm”, không thể tiếp cận thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu do mất điện và gián đoạn liên lạc. Báo cáo kêu gọi thực hiện các biện pháp liên tục để đảm bảo hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, đồng thời nhấn mạnh nguy cơ các sự cố hệ thống không chỉ ảnh hưởng tới các khu vực thiên tai mà có thể lan rộng ra toàn quốc. Do đó, chính phủ khuyến cáo người dân luôn mang theo một lượng tiền mặt nhất định trong trường hợp khẩn cấp.