Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 2025
Ngày Môi trường Thế giới 2025 mang chủ đề 'Chống ô nhiễm nhựa', tiếp tục nhấn mạnh tính cấp bách toàn cầu trong giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường có Công văn 2141/BNNMT-VP ngày 16/5/2025 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6) và Tháng hành động vì môi trường năm 2025.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2025, thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đã có văn bản gửi các đơn vị trong Bộ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng theo hướng dẫn tại Công văn 2141/BNNMT-VP do Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành; báo cáo kết quả thực hiện về Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp trước ngày 15/7/2025.
Theo đó, Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2025 do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution), nhằm kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động quyết liệt để giải quyết rác thải nhựa.

Ngày Môi trường Thế giới do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution), nhằm kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động quyết liệt để giải quyết rác thải nhựa. Ảnh minh họa
Đây là lần thứ hai trong vòng 3 năm chủ đề này được lựa chọn, thể hiện rõ tính ưu tiên toàn cầu trong kiểm soát ô nhiễm nhựa, đồng thời tái khẳng định cam kết sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao khả năng thích ứng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường hợp tác khu vực, toàn cầu, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Theo UNEP, mỗi năm thế giới sản xuất khoảng 430 triệu tấn nhựa, trong đó hơn 2/3 là các sản phẩm sử dụng một lần, nhanh chóng trở thành rác thải, gây ô nhiễm đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Tại Việt Nam, ước tính phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa/năm, nhưng chỉ khoảng 27% được tái chế, phần lớn còn lại bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và tiềm ẩn nhiều rủi ro môi trường.
Xem chi tiết Công văn 2141 tại đây.