Nhật Bản nỗ lực nâng tầm ảnh hưởng ở Trung Á

Tại Hội nghị thượng đỉnh tuần này, Nhật Bản và 5 quốc gia Trung Á sẽ đưa ra tuyên bố chung về hợp tác phát triển kinh tế bền vững, bao gồm các lĩnh vực liên quan đến cắt giảm lượng khí thải carbon và phát triển nhân tài.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ gặp các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan trong chuyến thăm Trung Á từ ngày 9-11/8. (Nguồn: Kyodo)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ gặp các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan trong chuyến thăm Trung Á từ ngày 9-11/8. (Nguồn: Kyodo)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ đến Kazakhstan vào hôm nay (9/8), theo lời mời của Tổng thống nước chủ nhà Kassym-Jomart Tokayev, dự kiến gặp các nhà lãnh đạo của Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan, tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Đối thoại Trung Á-Nhật Bản tại Astana. Ông Kishida dự kiến sẽ dừng chân tại Uzbekistan vào ngày 11/8 trước khi trở về Tokyo.

Tháp tùng người đứng đầu chính phủ Nhật Bản là phái đoàn doanh nghiệp với đại diện của khoảng 50 công ty Nhật Bản, thể hiện sự quan tâm của Tokyo đối với hợp tác kinh tế và thương mại với các quốc gia trong khu vực.

Đa dạng hình thức hỗ trợ

Theo Nikkei Asia, tại Hội nghị thượng đỉnh ở Kazakhstan, Thủ tướng Kishida sẽ công bố hỗ trợ của Tokyo đối với các nỗ lực trong khu vực nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon, cung cấp công nghệ từ các công ty Nhật Bản, chẳng hạn như các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch với lượng khí thải carbon thấp.

Tokyo sẽ xem xét hỗ trợ các nước này sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng, chẳng hạn như hydro và phân bón sản xuất bằng khí đốt tự nhiên; cũng như khuyến khích các nước sử dụng chương trình lao động có tay nghề cụ thể của Nhật Bản để đào tạo nhân tài và thúc đẩy trao đổi trực tiếp.

Hội nghị sẽ đề cập tuyến đường vận chuyển trên Biển Caspian vốn được lên kế hoạch nối Trung Á và châu Âu mà không đi qua Nga, tuyến đường mà các quốc gia Trung Á đã để mắt tới kể từ xung đột Nga-Ukraine nổ ra năm 2022. Nhật Bản cũng dự kiến xem xét hỗ trợ triển khai công nghệ kỹ thuật số trong thủ tục hải quan.

Trung Á là khu vực có nhiều lao động đến Nga nhất (1,2 triệu người từ Tajikistan và 1 triệu người từ Kyrgyzstan). Với việc Mỹ và đồng minh ngày càng siết chặt các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, khu vực này đang tìm kiếm nhiều điểm đến hơn cho người lao động của mình.

Thủ tướng Kishida Fumio sẽ gặp lãnh đạo 5 nước Trung Á tại Astana, thủ đô của Kazakhstan. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Kishida Fumio sẽ gặp lãnh đạo 5 nước Trung Á tại Astana, thủ đô của Kazakhstan. (Nguồn: Reuters)

Địa bàn cạnh tranh chiến lược

Nằm ở vị trí có ý nghĩa địa chính trị giữa Đông Á và châu Âu, 5 nước Trung Á này duy trì mối quan hệ kinh tế và an ninh sâu sắc với Nga, trong đó Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan tham gia Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể do Moscow dẫn đầu.

Các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này rất giàu tài nguyên năng lượng và khoáng sản, trong đó phải kể đến tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tự nhiên ở Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Kazakhstan là nước sản xuất uranium hàng đầu thế giới và có trữ lượng đáng kể các kim loại khác như crom chống gỉ. Do đó, Nhật Bản có kế hoạch sử dụng hội nghị thượng đỉnh này như một cơ hội để thảo luận về việc thiết lập mạng lưới cung cấp các khoáng sản quan trọng.

Theo Nikkei Asia, mục tiêu trước mắt trong chuyến thăm Astana của Thủ tướng Kishida là đảm bảo một kênh tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng này cho nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vốn nghèo nguyên liệu thô.

Kể từ năm 2004, Nhật Bản đã đưa ra khuôn khổ đối thoại hiện nay với Trung Á với 9 cuộc gặp cấp ngoại trưởng được tổ chức. Với việc nâng cấp lên Hội nghị thượng đỉnh, Tokyo đặt mục tiêu nhấn mạnh các giá trị như pháp quyền trong khi tìm kiếm sự hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn.

Trên thực tế, các nước lớn trên thế giới đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Á. Điển hình là Trung Quốc khi nước này tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên với các nhà lãnh đạo Trung Á vào tháng 5/2023. Một tháng sau, Liên minh châu Âu cũng tổ chức một cuộc họp cấp cao nhất, tiếp theo là Mỹ và Đức vào tháng 9 cùng năm.

Chuyến công du Trung Á của Thủ tướng Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, được đánh dấu bằng những nỗ lực của Mỹ và Liên minh châu Âu nhằm giảm bớt mối quan hệ lịch sử giữa các nước Trung Á và Nga, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Mai Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhat-ban-no-luc-nang-tam-anh-huong-o-trung-a-281881.html
Zalo