Kết quả bầu cử Mỹ có thể quyết định cuộc xung đột Nga - Ukraine
Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không chỉ ảnh hưởng tới quốc gia này, mà nó còn có tác động tới nhiều vấn đề trên thế giới, đặc biệt cuộc chiến ở Ukraine.
Mỹ là nước ủng hộ lớn nhất cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga kể từ năm 2022. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, cho đến nay Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo quân sự, tiền mặt và vũ khí trị giá gần 175 tỷ USD để giúp Ukraine.
Có thể nói, bất kỳ ai được bầu làm tổng thống vào ngày 5/11 đều có thể nắm giữ vận mệnh của Ukraine trong tay. Michaela Mattes, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, cho biết Mỹ có ba lựa chọn: cắt viện trợ cho Ukraine, giữ nguyên hiện trạng hoặc áp dụng biện pháp quyết đoán hơn.
Bà Harris quyết ủng hộ, ông Trump sẽ kết thúc
Ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã bày tỏ rõ ràng sự ủng hộ đối với Ukraine. "Harris đã cam kết sẽ sát cánh với Ukraine cho đến khi nào cần thiết", Shawn Donahue, chuyên gia chính trị tại Đại học Buffalo ở New York, nói với DW. Ông cho biết bà Harris cũng "có nhiều khả năng cho phép vũ khí tầm xa của Mỹ được sử dụng nhắm vào các mục tiêu bên trong nước Nga".
Trong khi đó, giáo sư Mattes đồng ý rằng, ít nhất, bà Harris sẽ tiếp tục duy trì nguyên trạng và ủng hộ Ukraine và duy trì lệnh trừng phạt Nga. Bà thậm chí có thể trở nên quyết đoán hơn trong việc viện trợ cho Kiev.
Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump có cách tiếp cận khác đối với Ukraine. Ông từng tuyên bố rằng cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ không xảy ra nếu ông là tổng thống. Ngoài ra, cựu Tổng thống Mỹ cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến này "trong vòng 24 giờ" nếu ông tái đắc cử.
Ông Trump đã nhiều lần đề cập tới việc cắt giảm viện trợ cho Ukraine nếu ông đắc cử. Và nếu sự hỗ trợ của Mỹ chấm dứt hoàn toàn, các nước châu Âu sẽ phải gồng mình gánh vác chi phí chiến tranh cho Ukraine, trong bối cảnh các quốc gia ở lục địa già vốn đã gặp nhiều vấn đề về cả kinh tế lẫn chính trị trong nội bộ của mình.
Quyết định việc Ukraine vào NATO và nguồn viện trợ
Một vấn đề lớn khác là mong muốn gia nhập NATO của Ukraine. Chuyên gia Donahue, người đã dành thời gian ở Ukraine hai lần kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, cho biết tại một thời điểm nào đó, bà Harris có thể sẽ ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO.
Ngược lại, ông Trump vốn dĩ là người chỉ trích mạnh mẽ NATO, thậm chí còn cho rằng tổ chức này không nên bảo vệ một số thành viên chi tiêu quá ít. Bởi vậy, việc Ukraine có thể gia nhập NATO được dự báo sẽ rất xa vời nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng
Theo một cuộc khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện vào đầu tháng 7, tỷ lệ người Mỹ cho rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine là mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ đã giảm đáng kể kể từ năm 2022.
Nghiên cứu cho thấy chỉ 54% người muốn tiếp tục gửi thiết bị quân sự đến Ukraine. Có nghĩa rằng người Mỹ chia rẽ hoàn toàn trong quan điểm về việc liệu nước này có nên tiếp tục viện trợ cho Ukraine hay không.