Nhật Bản điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng

Tokyo đặt mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính vào năm 2035 xuống 60% so với mức của năm 2013, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhật Bản trong việc đối phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Một nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản. Ảnh AFP

Một nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản. Ảnh AFP

Theo AFP, mong muốn này đòi hỏi một cuộc chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ. Để thực hiện hóa điều này chúng ta cần kết hợp phát triển năng lượng tái tạo và tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và duy trì sự ổn định của nguồn cung cấp điện cho đất nước.

AFP cho biết, Nhật Bản đang cân nhắc lại cách họ sản xuất ra điện để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nguồn năng lượng hiện chiếm khoảng 70% sản lượng điện của nước này. Thủ tướng Shigeru Ishiba đã đưa ra một kế hoạch, trong đó đề xuất thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và tái sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đất nước.

Chuyển đổi năng lượng để giảm khí thải

Trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) mới nhất, Nhật Bản cam kết giảm lượng khí thải nhà kính vào năm 2035 xuống 60% so với năm 2013. Mục tiêu mới này vượt xa cam kết trước đó là giảm 46% lượng khí thải vào năm 2030. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh mỗi ngày Nhật Bản phải tiêu tốn một khoản 470 triệu đô la cho việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, theo số liệu từ Hải quan Nhật Bản trong năm 2024.

Đối mặt với những thách thức này, Chính phủ Nhật Bản muốn điều chỉnh lại cơ cấu năng lượng bằng cách tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện.

Tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân

Nhật Bản mong muốn tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện năng tăng lên, dự kiến đạt từ 40-50% vào năm 2040, so với tỷ lệ 23% vào năm 2023. Sản lượng điện từ mặt trời dự kiến đạt từ 23-29%, sản lượng điện từ gió là 4-8% và thủy điện từ là 8-10%.

Song song đó, năng lượng hạt nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược năng lượng của Nhật Bản, với mục tiêu chiếm 20% cơ cấu điện năng vào năm 2040. Sau thảm họa Fukushima năm 2011, các nhà máy hạt nhân đã dừng hoạt động dần, nhưng chính phủ đã tái hoạt động một số lò phản ứng và dự kiến sẽ đưa tất cả các lò phản ứng hoạt động trở lại vào năm 2040.

Các nhà máy nhiệt điện giảm dần

Các nhà máy nhiệt điện hiện cung cấp phần lớn điện năng của đất nước, sẽ giảm tỷ lệ xuống còn 30-40% vào năm 2040. Việc giảm thiểu này dựa vào sự phát triển của năng lượng tái tạo và việc củng cố cơ sở hạ tầng năng lượng.

Nhật Bản quyết tâm theo đuổi một tương lai năng lượng bền vững bằng cách kết hợp năng lượng tái tạo và hạt nhân. Chiến lược này không chỉ giúp giảm lượng khí thải nhà kính, chống lại biến đổi khí hậu, mà còn đảm bảo an ninh năng lượng và nắm bắt các cơ hội từ những tiến bộ công nghệ trong ngành.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhat-ban-dieu-chinh-chien-luoc-phat-trien-nang-luong-724386.html
Zalo