Nhật Bản đau đầu với việc số người chết cô độc gia tăng nghiêm trọng

Bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước, hiện tượng 'chết trong cô độc' đã bắt đầu thu hút sự chú ý của cả xã hội Nhật Bản và trong nhiều thập kỷ qua luôn là vấn đề gây đau đầu cho mọi giới.

Theo báo cáo của Cơ quan cảnh sát Nhật Bản, trong số hơn 204.000 trường hợp tử vong phải tiến hành khám nghiệm tử thi trong năm 2024, có tới hơn 76.000 trường hợp là những người già sống một mình, không nơi nương tựa. Trong đó, số người từ 65 đến 70 tuổi chiếm khoảng 70%, còn lại là những người từ 70 trở lên.

Cảnh sát Nhật Bản cũng cho biết, trong số những người cao tuổi chết cô độc, có gần 29.000 được phát hiện sau khi chết 1 ngày, gần 7.000 người được phát hiện sau 31 ngày, và đặc biệt, có tới 253 người sau khi chết hơn 1 năm mới được phát hiện.

Vấn đề nội tại

Theo các nhà xã hội học, hiện tượng xã hội này không chỉ rất đáng lo ngại, mà quan trọng hơn, là nó chỉ ra nhiều vấn đề trong lòng một xã hội phát triển vào bậc nhất thế giới. Trong đó, vấn đề đầu tiên là sự biệt lập giữa các cá thể trong xã hội Nhật Bản, đúng như tên gọi của hiện tượng là “cái chết cô độc”. Nhiều cá thể không chỉ dừng ở mức độ độc lập mà đã trở thành biệt lập với nhau. Điều này đang làm yếu đi tính cộng đồng và các mối quan hệ xã hội, bao gồm cả quan hệ gia đình… Đây là một nguy cơ rất lớn.

Có một thực trạng là nhiều người sống chung trong cùng một tầng nhà ở một chung cư, nhưng không hề biết nhau. Thậm chí, nhiều ông bố rất ít được chơi với con, mặc dù sống chung một nhà. Bởi vì, khi đi làm về thì các con đã ngủ, còn khi thức dậy thì các con đã đi học... Cứ thế lặp đi lặp lại hàng ngày, làm yếu đi tình thân.

Số người cao tuổi phải sống một mình của Nhật Bản liên tục gia tăng. Ảnh: Jiji Press

Số người cao tuổi phải sống một mình của Nhật Bản liên tục gia tăng. Ảnh: Jiji Press

Vấn đề thứ 2 là những áp lực ngày một gia tăng tại Nhật Bản như áp lực công việc, áp lực xã hội… Trong đó, có áp lực tưởng là nhỏ nhưng lại gây rất nhiều hệ lụy. Xin lấy việc đóng bảo hiểm làm ví dụ. Đây vốn dĩ là việc rất bình thường trong xã hội, nhưng tại Nhật Bản, đóng bảo hiểm với mức độ ngày một cao đã trở thành một áp lực rất lớn cho từng cá nhân. Việc trang trải đủ các khoản bảo hiểm theo quy định của pháp luật khiến các cá nhân phải tăng cường độ lao động, kể cả khi đã đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng thụ cuộc sống, và để tăng cường độ lao động thì sẽ mất thêm thời gian, khi đã mất thêm thời gian cho công việc thì thời gian dành cho người xung quanh giảm đi… Cứ thế, vòng luẩn quẩn trở nên ngày một luẩn quẩn hơn.

Một vấn đề nữa là tâm lý vị kỷ của một bộ phận không nhỏ trong lớp trẻ Nhật Bản. Họ tiếp nhận sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ như một lẽ đương nhiên mà quên đi việc mình cũng phải chăm sóc lại bố mẹ, thậm chí còn lãng quên đến mức chỉ biết đến cái chết của bố mẹ khi được các cơ quan chức năng thông báo. Các vấn đề này có mối quan hệ qua lại với nhau, và cũng là bài học cho nhiều nước khác để tránh đi vào “vết xe đổ” khi đạt đến một trình độ phát triển nhất định.

Nguyên nhân sâu xa

Cũng theo các nhà xã hội học, ba vấn đề nêu trên cũng chính là những nguyên nhân lớn nhất khiến số người chết trong côc độc vẫn tiếp tục gia tăng tại Nhật Bản. Liên quan đến sự biệt lập của từng cá thể, có thể nói, người Nhật rất tự trọng, họ không muốn trở thành gánh nặng của bất cứ ai. Chính vì tâm lý này, họ sống khép kín, thậm chí, sống trong những cái “vỏ ốc” riêng để tránh làm ảnh hưởng đến xã hội. Khi đã khép kín như vậy, “cái chết cô độc” là nguy cơ nhãn tiền. Bên cạnh đó, áp lực cuộc sống, áp lực công việc, sự cô đơn… cũng ảnh hưởng rất lớn sức khỏe bao gồm cả sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất. Khi phải lao động với cường độ cao để trang trải cuộc sống, thì sự hao mòn sức khỏe là điều đương nhiên, đặc biệt là đối với người cao tuổi.

Theo thống kê đến cuối năm ngoái, số người Nhật từ 65 tuổi trở lên vẫn phải làm việc là hơn 9 triệu người. Cá biệt, có người đã 92 tuổi mà vẫn phải làm việc. Y học đã chứng minh khi đến một độ tuổi nhất định mà vẫn phải làm việc thì nguy cơ đột quỵ rất cao. Với người già phải sống một mình do không có con cái, hoặc con cái đi làm xa nhà, thì khi đột quỵ sẽ là một “cái chết cô độc” với đầy đủ ý nghĩa của từ này. Đặc biệt, những áp lực này cộng với sự cô đơn khi không có người thân bên cạnh vào lúc tuổi “xế chiều” đã tạo ra một tâm lý rất tiêu cực là muốn giũ bỏ tất cả bằng cách tự kết liễu. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến “cái chết cô độc” tiếp tục gia tăng, bất chấp mọi nỗ lực của các cơ quan hữu quan.

Nhân nói đến việc tự kết liễu, xin lan man một chút. Có những cách tự sát chỉ người Nhật mới nghĩ ra. Đó là làm việc cho đến chết. Để tự kết liễu, họ miệt mài làm việc, không ăn, không ngủ cho đến khi ra đi lặng lẽ, không ai hay biết. Ngoài ra, còn là tâm lý chủ quan về sức khỏe, thể lực của đa số người Nhật. Như chúng ta đều biết, người Nhật có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. Đối với họ là “bách niên nhân sinh” (cuộc sống trăm năm), chứ không phải như câu thơ của thi hào Đỗ Phủ đời nhà Đường - Trung Quốc là “nhân sinh thất thập cổ lai hy” (những người sống đến 70 tuổi xưa nay hiếm). Sự chủ quan về thể lực khi đã cao tuổi cũng đang là một trong những nguyên nhân của “cái chết cô độc”.

Giải pháp độc đáo

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, chính quyền các địa phương và các tổ chức, đoàn thể của Nhật Bản đang tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có cả những biện pháp được lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, với mục đích đầu tiên là phá bỏ những "pháo đài biệt lập" của các cá thể. Biện pháp quan trọng nhất đang được đẩy mạnh là tăng cường tuyên truyền, giáo dục phòng chống “cái chết cô độc” trong toàn xã hội một cách thường xuyên, liên tục, thông qua nhiều kênh, bao gồm cả các cơ quan truyền thông. Bên cạnh khẩu hiệu “không để ai bị bỏ lại đằng sau”, Nhật Bản còn bổ sung một mục tiêu cho cả cộng đồng là “không để ai phải sống một mình”.

Để thực hiện mục tiêu này, các tổ chức và cá nhân tình nguyện đang đẩy mạnh nhiều hoạt động rất thiết thực. Ví dụ tuyển dụng nhân viên, bao gồm cả nguồn nhân lực người nước ngoài đã qua đào tạo về điều dưỡng và chăm sóc người cao tuổi, để phải cử đến nhà người gia neo đơn theo định kỳ nhằm hỗ trợ việc nhà như thăm khám, kiểm tra thuốc men, giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa, và đặc biệt là vừa làm, vừa trò chuyện, giao lưu để giảm áp lực của sự cô đơn cho chủ nhà. Biện pháp này đang được đánh giá rất cao do hiệu quả và tính thiết thực.

Các doanh nghiệp thường xuyên phải phái cử nhân viên đến các hộ gia đình như các công ty khí đốt, nước sạch, điện lực… cũng đang được tận dụng triệt để. Các cơ quan liên quan đã ký thỏa thuận với các doanh nghiệp này nhằm thu thập thông tin về tình hình người già neo đơn thông qua các nhân viên đến thu phí dịch vụ theo định kỳ. Đây cũng được coi là biện pháp độc đáo và mang lại hiệu quả cao.

Đặc biệt, Cơ quan cảnh sát Nhật Bản cũng đã bắt đầu vào cuộc. Do đặc thù công việc về quản lý xã hội, cảnh sát Nhật Bản có thể cung cấp những thông tin mà pháp luật cho phép về người cao tuổi neo đơn cho các cơ quan, tổ chức, nhằm hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Các cơ quan và tổ chức cũng tận dụng công nghệ cao, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI) để sản xuất và cung cấp các loại thiết bị có thể theo dõi tình trạng người già neo đơn từ xa…

Bên cạnh đó, còn là các biện pháp được lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia về khuyến khích kết hôn, sinh con, cải thiện tình trạng dân số lão hóa… Các biện pháp này đang phát huy tác dụng rất tích cực, và được kỳ vọng là sẽ góp phần giải quyết tận gốc rễ của vấn đề trong một tương lai gần.

Tuấn Nhật/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nhat-ban-dau-dau-voi-viec-so-nguoi-chet-co-doc-gia-tang-nghiem-trong-post1192424.vov
Zalo