Nhật Bản cần bỏ mục tiêu lạm phát để cân bằng chính sách tiền tệ

Ngày càng có nhiều tranh luận về việc đồng nội tệ suy yếu có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nên giải quyết vấn đề này như thế nào.

Đồng 1000 yen của Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng 1000 yen của Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Sự mất giá của đồng yen trong hai năm qua diễn ra nhanh chóng và đáng kinh ngạc. Chỉ 13 năm trước, đồng tiền này đã đạt mức cao nhất lịch sử là 75,32 yen đổi 1 USD. Tỷ giá hiện tại của đồng nội tệ Nhật Bản là khoảng 161 yen/USD, tương đương với tỷ giá được ghi nhận vào tháng 12/1986.

Sự trượt giá của đồng yen hiện là chủ đề phổ biến trong các cuộc trò chuyện hàng ngày. Ngày càng có nhiều tranh luận về việc đồng nội tệ suy yếu có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nên giải quyết vấn đề này như thế nào.

Khi xem xét vấn đề này, việc chỉ tập trung vào tỷ giá hối đoái danh nghĩa sẽ bỏ qua một sự thay đổi cơ bản hơn. Chính tỷ giá hối đoái thực, được điều chỉnh theo lạm phát chứ không phải tỷ giá danh nghĩa, mới quyết định khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu cũng như sức mua của đồng yen.

Một vấn đề khác là đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng. Điều này phản ánh thị trường nội địa đang bị thu hẹp do thay đổi nhân khẩu học. Không phải ngẫu nhiên mà đỉnh cao của tỷ giá hối đoái thực của đồng yen lại trùng với thời kỳ dân số trong độ tuổi lao động Nhật Bản ở mức đỉnh điểm. Mọi trường hợp đều cho thấy nhân khẩu học của Nhật Bản không thể bị đảo ngược bởi chính sách tiền tệ.

Ngược lại, chính sách tiền tệ đóng một số vai trò trong sự biến động mang tính chu kỳ hoặc ngắn hạn của tỷ giá hối đoái. Các ngân hàng trung ương ở nhiều nền kinh tế phát triển vào năm 2022 đã bắt đầu tăng mạnh lãi suất chính sách trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, BoJ vẫn duy trì lãi suất cực thấp trong khoảng từ 0% đến 0,1%, ngay cả sau khi thoát khỏi chính sách lãi suất âm và bỏ công cụ kiểm soát đường cong lợi suất vào tháng Ba năm nay.

Vậy BoJ có nên thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn sự mất giá của đồng yen hay không? Về điểm này, lập trường của BoJ rất rõ ràng: Chính sách tiền tệ chỉ nên được định hướng bởi triển vọng lạm phát và tăng trưởng, chứ không phải bởi tỷ giá hối đoái. Điều này hoàn toàn đúng. Vì vậy, vấn đề đáng quan tâm là tỷ giá hối đoái của đồng yen đang ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng lạm phát và tăng trưởng?

Tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng của Nhật Bản đã vượt mức mục tiêu 2% của BoJ trong hơn hai năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương đánh giá rằng "tỷ lệ lạm phát cơ bản" vẫn dưới 2%. Để giải thích điều này, BoJ thường đề cập đến hai nhân tố. Thứ nhất là lực đẩy giá lên cao do áp lực chi phí tăng do giá nhập khẩu tăng. Ngược lại, nhân tố thứ hai nói đến lực đẩy giá tiếp tục tăng thông qua mối liên hệ giữa tiền lương và giá cả, chủ yếu trong bối cảnh các điều kiện thị trường lao động thắt chặt trong khi nền kinh tế được cải thiện.

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. Ảnh: EPA/TTXVN

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. Ảnh: EPA/TTXVN

BoJ cho rằng họ cần phải xác nhận rằng nhân tố thứ hai dự kiến sẽ làm tăng lạm phát một cách bền vững hơn trước khi tăng lãi suất. Trừ khi tiêu dùng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi thu nhập thực tế của hộ gia đình tăng lên, nền kinh tế Nhật Bản sẽ khó đạt được tỷ lệ lạm phát 2% của BoJ hoặc tăng trưởng kinh tế bền vững - hoặc cả hai. Liệu có phù hợp không nếu coi lạm phát duy trì ở mức 2% là mệnh lệnh quan trọng nhất khi cân nhắc chính sách tiền tệ?

Việc so sánh Nhật Bản và Thụy Sỹ có thể giúp giải thích lý do. Cả hai quốc gia trong những thập kỷ gần đây đều có những trải nghiệm tương tự về lạm phát thấp và cả hai đều áp dụng chính sách lãi suất âm. Nhưng các phản ứng chính sách đối với tình trạng lạm phát tăng cao gần đây lại khác nhau.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) đã tăng lãi suất chính sách lên 1,75%, sau đó là hai lần cắt giảm 0,25 điểm phần trăm. Một trong những lý do khiến SNB linh hoạt hơn BoJ là do cách xác định mục tiêu lạm phát. Ở Thụy Sỹ, tỷ lệ lạm phát mục tiêu là "dưới 2%". Bám sát mục tiêu 2% cứng nhắc trong thời gian ngắn là không hiệu quả. Nó có nguy cơ bỏ qua những diễn biến quan trọng hơn có thể làm suy yếu đà tăng trưởng kinh tế bền vững.

Minh Trang (Theo Nikkei Asia)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhat-ban-can-bo-muc-tieu-lam-phat-de-can-bang-chinh-sach-tien-te/340387.html
Zalo