Chung tay giảm nghèo

Bù Gia Mập là huyện miền núi, biên giới với hơn 36% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), số hộ nghèo, cận nghèo còn nhiều. Theo Quyết định số 2116/QĐ-UBND ngày 27-12-2023 của UBND tỉnh về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, UBND tỉnh giao huyện Bù Gia Mập giảm 180 hộ nghèo, trong đó có 107 hộ nghèo DTTS. Đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn huyện. Xác định rõ điều này, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã có nhiều hoạt động chung tay thực hiện công tác giảm nghèo.

Tiếp sức kịp thời

Những năm qua, Hội LHPN huyện Bù Gia Mập đã có nhiều hoạt động thiết thực trong chung tay thực hiện giảm nghèo tại địa phương. Trong đó, hội duy trì nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hội viên phụ nữ nghèo, các hộ khó khăn vay vốn phát triển kinh tế.

Cách đây khoảng 6 năm, vườn tiêu 2,5 ha của gia đình bà Trần Thị Hồng và ông Đỗ Đức An ở thôn Bù Khơn, xã Đắk Ơ liên tiếp bị mất mùa và chết dần khiến kinh tế gia đình đã eo hẹp lại càng thêm khó khăn. Để giúp hộ ông An có điều kiện vươn lên, chính quyền địa phương đã phối hợp với các nhà hảo tâm xây dựng nhà ở cho gia đình. Đồng thời, Hội LHPN xã tiếp sức 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế để gia đình chuyển đổi cây trồng.

Ông An chia sẻ, từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội LHPN xã và vay thêm từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh huyện Bù Gia Mập, gia đình đã đầu tư trồng sầu riêng. Sau 6 năm chăm sóc, vườn sầu riêng đã cho thu hoạch 2 năm. Năm nay, vườn đạt khoảng 35 tấn sầu riêng, giá bán tại vườn khoảng 80 ngàn đồng/kg, dự kiến vụ mùa thu hơn 3 tỷ đồng.

Nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế thành công, gia đình ông An đã vượt qua khó khăn vươn lên ổn định đời sống. Với nguồn thu lớn từ vụ sầu riêng năm nay, ông An ấp ủ nhiều dự tính, cũng như quyết toán hết số nợ gia đình đã vay.

ông Đỗ Đức An vui mừng vì chuyển đổi cây trồng thành công

ông Đỗ Đức An vui mừng vì chuyển đổi cây trồng thành công

Hộ chị Lưu Thị Thu ở thôn 3, xã Đắk Ơ dù chăm chỉ làm ăn nhưng điều mất giá, mất mùa nhiều năm liền khiến gia đình chị rơi vào khó khăn. Thời điểm đó, gia đình chị được tiếp cận nguồn vốn 100 triệu đồng do tổ chức hội hỗ trợ vay để phát triển kinh tế. Chị Thu cho biết, số vốn này đã giúp gia đình đầu tư thêm chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ chịu khó và nỗ lực vươn lên, hiện kinh tế gia đình đã vững vàng và xây được nhà ở khang trang.

Điểm tựa của đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm trước, đời sống người dân xã Đắk Ơ gặp nhiều khó khăn. Nhờ thực hiện chính sách giảm nghèo, nhiều dự án, chương trình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS được triển khai đã giúp người dân nơi đây, nhất là phụ nữ thay đổi nhận thức, vượt qua rào cản bản thân để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Chị Điểu Thị Ánh ở thôn Bù Khơn cho biết: Năm 2023, tôi được tiếp cận nguồn vốn hơn 50 triệu đồng mua 3 con bò giống. Qua thời gian chăm sóc, đàn bò đã tăng lên 6 con. Hiện ngoài vườn điều, gia đình tôi còn có đàn bò để tăng thêm thu nhập.

Chị Điểu Thị Ánh vui mừng vì đàn bò của gia đình đã tăng đàn lên 6 con

Chị Điểu Thị Ánh vui mừng vì đàn bò của gia đình đã tăng đàn lên 6 con

Trước đây, thôn Bù Khơn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Thông qua Hội LHPN huyện, các hộ nghèo, cận nghèo trong thôn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đồng thời được cán bộ hội hướng dẫn sử dụng vốn vay hiệu quả. Phần lớn người dân khi được giải ngân vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát triển kinh tế hiệu quả, đời sống ngày càng nâng cao.

Ông ĐIỂU THẮNG, Trưởng thôn Bù Khơn, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập

Những năm qua, Bù Gia Mập luôn nỗ lực trong công tác giảm nghèo. Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 440 hộ nghèo, chiếm 2,03% tổng số hộ dân trên địa bàn. Năm 2024, huyện Bù Gia Mập quyết tâm giảm 180 hộ nghèo, trong đó có 107 hộ nghèo DTTS. Với mục tiêu này, Hội LHPN huyện đặt chỉ tiêu sẽ hỗ trợ ít nhất 120 hội viên phụ nữ thoát nghèo trong năm 2024.

Thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ đầu năm, Hội LHPN huyện Bù Gia Mập xác định đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo theo quy định. Trong đó, làm tốt nhiệm vụ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quản lý nguồn vốn ủy thác, đảm bảo nguồn vốn cho vay kịp thời đến hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bà Phùng Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Hiện toàn huyện có gần 11.360 hội viên trong tổng số gần 26.450 phụ nữ toàn huyện. Hằng năm, Hội LHPN huyện đều chú trọng thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo. Đặc biệt, tại 51 tổ tiết kiệm và vay vốn có gần 2.300 hội viên gửi tiết kiệm, đạt 90,3%, với số dư tiền gửi tiết kiệm hơn 8,840 tỷ đồng. Đồng thời, các cấp hội phụ nữ của huyện đã phối hợp đào tạo nghề cho 105 hội viên và kết nối với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều tạo việc làm ổn định cho hội viên.

Từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN huyện Bù Gia Mập quản lý gần 137,970 tỷ đồng từ các nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Qua đó, đã hỗ trợ gần 2.540 hộ phụ nữ khó khăn, hội viên phụ nữ vay vốn để phát triển kinh tế, giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

Với những chương trình, hoạt động thiết thực của Hội LHPN huyện đã tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi để phụ nữ vùng biên, hội viên phụ nữ trong huyện có cơ hội học nghề, tạo việc làm và tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế. Từ đó, cuộc sống nhiều hộ hội viên đã thực sự thay đổi, nâng chất, góp phần cho huyện biên giới ngày càng phát triển bền vững.

Ngọc Bích

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/161312/chung-tay-giam-ngheo
Zalo