Xăng không phải là mặt hàng xa xỉ, sao vẫn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt?

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng trong bối cảnh hiện tại là không phù hợp với bản chất của thuế thuế tiêu thụ đặc biệt và không đạt được mục tiêu đề ra.

Tại Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi mới nhất, Bộ Tài Chính đưa ra đề xuất mặt hàng xăng tiếp tục là đối tượng chịu thuế TTĐB, đồng thời mức thuế suất áp dụng là 10 % (xăng khoáng), 8% (xăng E5) và 7% (xăng E10).

Liên quan đến vấn đề này, các cơ quan chức năng hiện nay cũng đang có quan điểm trái chiều như sau: Bộ Tư pháp đề xuất loại bỏ mặt hàng xăng E5, E10 ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có cùng quan điểm cho rằng nên xem xét giảm thuế TTĐB với mặt hàng xăng khoáng, nhưng có thể điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) cho phù hợp với mục tiêu của thuế TTĐB.

Tuy nhiên, hiện tại Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm về đánh thuế TTĐB với xăng như đã nêu ở trên.

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng trong bối cảnh hiện tại là không phù hợp với bản chất của thuế thuế tiêu thụ đặc biệt và không đạt được mục tiêu đề ra. Ảnh: Phi Hùng

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng trong bối cảnh hiện tại là không phù hợp với bản chất của thuế thuế tiêu thụ đặc biệt và không đạt được mục tiêu đề ra. Ảnh: Phi Hùng

Mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường

Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, mỗi sắc thuế được ban hành đều hướng đến những mục tiêu riêng.

Theo đó, thuế TTĐB và thuế BVMT được xác định đều là thuế gián thu (thu thông qua hàng hóa, dịch vụ và người chịu thuế là người tiêu dùng) và có mục tiêu điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng đối với các chủ thể sử dụng hàng hóa, dịch vụ bên cạnh mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hai loại thuế này có sự khác biệt trong mục tiêu điều chỉnh như sau:

Thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Để xác định như thế nào là “xa xỉ” lại phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước tại thời điểm ban hành luật.

Nếu ở bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội tại thời điểm ban hành luật, một hàng hóa, dịch vụ nào đó được xác định là phục vụ nhu cầu thiết yếu, chính đáng của người dân thì Nhà nước sẽ khuyến khích và tạo điều kiện tiếp cận và sử dụng. Ngược lại, nếu việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó không thật sự cần thiết, gây tác động tiêu cực cho xã hội thì Nhà nước sẽ đánh thuế TTĐB.

Có thể nói, điều kiện kinh tế - xã hội là yếu tố cơ bản để xác định tính hợp lý của một quy định pháp luật nói chung. Và đối với thuế TTĐB, nguyên tắc này lại càng quan trọng hơn khi mà thuế TTĐB là loại thuế phản ánh rõ rệt sự phát triển của xã hội.

Về thuế bảo vệ môi trường, mặc dù cũng là loại thuế gián thu nhưng thuế BVMT đánh vào loại sản phẩm, hàng hóa mà khi sử dụng sẽ gây tác động xấu đến môi trường hoặc là chất ô nhiễm môi trường. Đánh thuế môi trường là hình thức hạn chế một sản phẩm hay hoạt động không có lợi cho môi trường.

Đối tượng chịu thuế gồm 08 nhóm hàng hóa được quy định tại Điều 3 Luật Thuế bảo vệ môi trường 2020, bao gồm: Xăng dầu, than đá, dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (dung dịch HCFC), túi ni lông thuộc diện chịu thuế, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế bảo vệ môi trường đối với xăng?

Mặc dù việc quy định đánh thuế TTĐB đối với xăng tồn tại ở Việt Nam từ năm 1995 và quy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, xăng có thành phần chủ yếu từ nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét lại tính hợp lý khi để mặt hàng này trong danh mục đối tượng chịu thuế TTĐB vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, tại thời điểm năm 1995 thì xăng được coi là mặt hàng xa xỉ, nhưng với bối cảnh phát triển kinh tế như hiện nay, xăng đã trở thành mặt hàng thiết yếu để duy trì cuộc sống hàng ngày và phát triển nền kinh tế. Tuy không được khuyến khích tiêu dùng vì gây hại cho môi trường và cần sử dụng tiết kiệm nhưng xét cho cùng thì trong bối cảnh hiện tại, người dân không thể không sử dụng mặt hàng này.

Xét ở mặt bản chất của sắc thuế, thuế TTĐB đánh vào mặt hàng có tính chất “xa xỉ” và việc đánh thuế TTĐB phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, trải qua gần 30 năm, quy định xăng là đối tượng chịu thuế TTĐB cũng nên được mạnh dạn điều chỉnh để bắt kịp xu thế ở mỗi giai đoạn phát triển.

Thứ hai, chúng ta có thể thấy lý do để mặt hàng xăng chịu thuế TTĐB xuất phát từ nguyên nhân chính là do những ảnh hưởng của nó đối với môi trường sống và cần sử dụng tiết kiệm do nguyên liệu từ gốc hóa thạch. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa tái tạo được nguồn năng lượng mới có khả năng thay thế hoàn toàn mặt hàng xăng, cho nên dù bị đánh thuế cao thì lượng tiêu thụ mặt hàng này cũng không giảm vì đó là nhu cầu thiết yếu của người dân và doanh nghiệp.

Việc đánh thuế TTĐB đối với xăng không đạt được mục đích điều tiết tiêu dùng, trái lại vô hình chung tăng áp lực cho người dân, tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, tăng giá thành sản phẩm đầu ra, ảnh hưởng đến nền kinh tế và không phù hợp với bản chất của thuế TTĐB khi đang đánh vào mặt hàng thiết yếu.

Thứ ba, với tác động tiêu cực đến môi trường khi sử dụng xăng thì đã có thuế BVMT. Bản chất của thuế BVMT là để khuyến khích cá nhân, tổ chức sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường, đồng thời góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Khác với giai đoạn những năm 1995 trở về sau này, kể từ 01/01/2012 (Luật Bảo vệ môi trường 2010 có hiệu lực), thuế BVMT đối với xăng dầu đã được áp dụng (không phải phí BVMT) với mục tiêu là khuyến khích sử dụng tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động xấu đến môi trường sống.

Như vậy, xét về nguyên nhân và mục tiêu điều tiết, mặt hàng xăng chịu thuế BVMT và thuế TTĐB với cùng một nguyên nhân và cùng một mục tiêu là tình trạng đánh thuế chồng thuế. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại ở Việt Nam thì xăng nên là đối tượng bị đánh thuế BVMT, mức thuế BVMT sẽ được xác định phù hợp với từng loại xăng và đáp ứng xu thế toàn cầu chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Việc đánh thuế TTĐB lên mặt hàng xăng trong bối cảnh hiện tại là không phù hợp với bản chất của thuế TTĐB và không đạt được mục tiêu đề ra.

ThS. LS. Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Giảng viên ngành luật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn

Nguồn PLO: https://plo.vn/xang-khong-phai-la-mat-hang-xa-xi-sao-van-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-post804826.html
Zalo