Nhân vật huyền thoại ở thung lũng Silicon

Marc đã đồng sáng tạo trình duyệt web có ảnh hưởng lớn Mosaic, trình duyệt web đồ họa đầu tiên được sử dụng một cách rộng rãi. Anh cũng đồng sáng lập Netscape, công ty sau đó được bán cho AOL với giá 4,2 tỷ đôla.

Marc Andreessen (TW: @PMARCA, A16Z.COM) là một nhân vật huyền thoại ở Thung lũng Silicon, những sáng tạo của anh đã làm thay đổi thế giới. Ngay cả ở tâm điểm công nghệ, cũng khó mà tìm được một hình tượng hấp dẫn hơn. Marc đã đồng sáng tạo trình duyệt web có ảnh hưởng lớn Mosaic, trình duyệt web đồ họa đầu tiên được sử dụng một cách rộng rãi. Anh cũng đồng sáng lập Netscape, công ty sau đó được bán cho AOL với giá 4,2 tỷ đô la.

Sau đó anh đã đồng sáng lập Loudcloud, công ty đã được bán dưới tên gọi công ty công nghệ Opsware cho Hewlett-Packard với giá 1,6 tỷ đôla. Anh được xem như là một trong những cha đẻ tạo ra hệ thống Internet hiện đại, cùng với những người tiên phong khác như Tim Berners-Lee, người đã giới thiệu Uniform Resource Locator (URL), Hypertext Transfer Protocol (HTTP), và các chuẩn HTML thời kỳ đầu.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Richard Hanania's Newsletter.

Ảnh minh họa. Nguồn: Richard Hanania's Newsletter.

Tất cả những việc này khiến anh trở thành một trong rất ít người từng tạo ra các hạng mục phần mềm được hơn một tỷ người sử dụng và lập nên nhiều công ty trị giá hàng tỷ đôla. Marc hiện nay là nhà đồng sáng lập và là đối tác chung của công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, nơi anh trở thành một trong những nhà đầu tư công nghệ có ưu thế và ảnh hưởng lớn nhất trên hành tinh.

“Tăng giá”

Đó là câu trả lời của Marc khi được hỏi “Nếu có một bảng quảng cáo ngoài trời được đặt ở bất kỳ nơi đâu, anh sẽ viết gì lên đó?” Anh sẽ đặt nó ngay trung tâm thành phố San Francisco, và đây là lý do:

Chủ đề số một mà các công ty gặp phải khi họ thực sự lâm vào khó khăn là họ không tính giá đủ cho sản phẩm của họ. Lẽ thường ở Thung lũng Silicon quy ước rằng cách để thành công là tính giá sản phẩm của mình càng thấp càng tốt, theo thuyết nếu giá sản phẩm thấp, tất cả mọi người đều có thể mua được, và đó là cách mà họ bán được số lượng lớn sản phẩm”, anh nói.

“Và chúng ta thấy mọi người thất bại với thuyết đó hết lần này đến lần khác, bởi vì họ bị vướng vào một vấn đề được gọi là ‘quá đói ăn không nổi’. Họ không tính đủ giá bán cho sản phẩm của họ để có thể có thể chi trả cho chi phí bán hàng và tiếp thị cần thiết để thực sự có được người mua hàng. Sản phẩm của bạn có gì tốt nếu mọi người không trả một cái giá cao hơn để mua nó?”

Đừng tôn sùng sự thất bại

“Tôi là một người lạc hậu. Nơi tôi sinh ra, mọi người thích thành công... Khi tôi là một nhà sáng lập, khi tôi mới bắt đầu khởi nghiệp, chúng tôi không có từ “pivot”. Chúng tôi không có một mỹ từ để diễn giải cho chuyện đổi hướng. Chúng tôi đơn giản gọi đó là chết tiệt.

“Chúng tôi thấy các công ty, theo nghĩa đen, cứ mỗi lần chúng tôi gặp, họ lại vừa mới “pivot”. Lần nào cũng thế, họ đều bỏ cái cũ làm cái gì đó mới, và việc đó giống như xem một chú thỏ chạy lòng vòng trong một mê cung hoặc đại loại như vậy. Họ không bao giờ có ý định tụ lực vào bất kỳ thứ gì bởi vì họ không bao giờ có ý định dành thời gian vào việc thật sự tìm cách tháo gỡ và sửa lại cho đúng”.

(Xem ý kiến của Peter Thiel về thất bại ở trang 261).

Bài kiểm tra “Mọt sách trong đêm”

Marc tìm kiếm các cơ hội mới bằng cách nào? Anh có hàng tá công cụ, nhưng một trong những phương pháp tìm tòi của anh lại đơn giản:

“Chúng tôi gọi bài kiểm tra của mình là “Bọn mọt sách làm gì vào ban đêm và vào cuối tuần?”. Công việc ban ngày của họ là ở Oracle, Salesforce.com, Adobe hoặc Apple hay Intel hoặc một trong những công ty kiểu như vậy, hoặc công ty bảo hiểm, ngân hàng [hoặc họ là sinh viên]. Bất kỳ việc gì. Không thành vấn đề. Họ cứ làm bất cứ việc gì mà họ cần làm để kiếm sống. Câu hỏi đặt ra là: Sở thích của họ là gì? Họ làm gì vào ban đêm và vào cuối tuần? Thế là mọi thứ trở nên vô cùng thú vị”.

Các ý tưởng kiểm tra áp lực bằng một “đội đỏ”

“Mỗi một cộng sự chung của chúng tôi có khả năng tự quyết định về một thương vụ mà không cần phiếu biểu quyết hoặc sự nhất trí. Nếu người gần với thương vụ đó nhất có mức độ cam kết tích cực rất cao và nhiệt tình về nó, thì chúng tôi nên thực hiện việc đầu tư đó, ngay cả khi tất cả những người khác trong phòng đều nghĩ rằng đó là việc ngu xuẩn nhất mà họ từng nghe... tuy nhiên, anh ta không được hoàn toàn tự mình thực hiện thương vụ đó mà thiếu bài kiểm tra áp lực. Nếu cần thiết, chúng tôi tạo ra một ‘đội đỏ’. Chúng tôi sẽ chính thức tạo ra một lực lượng đối lập để tranh cãi với phe kia”.

TF: Để tránh vấn đề dễ xảy ra là những người mới làm bị “bầm dập” nhiều hơn những người thâm niên, Marc và cộng sự sáng lập của ông, Ben Horowitz, cố tình phang ý tưởng của nhau. “Bất cứ khi nào [Ben] mang về một thương vụ, tôi phang nó tan tành. Tôi có thể nghĩ đó là ý tưởng hay nhất tôi từng nghe, nhưng tôi vẫn cứ sẽ nói về nó như một thứ rác rưởi và cố lôi kéo mọi người làm cho đống rác đó cao hơn. Và sau đó, vào cuối buổi, nếu anh ấy vẫn đập bàn nói, ‘Không, không, đây là thương vụ chúng ta phải làm...’ Chúng tôi sẽ nói: tất cả chúng tôi nhất trí. Tất cả chúng tôi đều ủng hộ anh... Đó là một kiểu ‘văn hóa bất đồng và cam kết’. Nhân tiện, anh ấy cũng làm điều tương tự với tôi. Đó là một bài sát hạch tra tấn.”

TF: Bạn có thể tạo ra một “đội đỏ” ở đâu trong cuộc sống của mình, để kiểm tra áp lực cho những niềm tin bạn quý giá nhất? (đọc về Samy Kamkar, trang 511; Stan McChrystal, trang 520; và Jocko Willink, trang 491).

Luôn tiến về phía trước

Tôi sẽ để cuộc trao đổi sau đây tự cất lên tiếng nói. Triết lý này đi đôi rất tốt với thử nghiệm 21 Ngày Không Than Vãn (21-Day No Complaint) mà tôi đã viết trước kia trên blog của tôi (fourhourblog.com):

TIM: “Lời khuyên nào anh sẽ gửi đến Marc, ở độ tuổi ngoài 20, ở Netscape?”

MARC: “Tôi chưa bao giờ có một khoảnh khắc nào nghĩ về điều đó. Tôi không giỏi việc xem xét lại quá khứ. Câu hỏi tôi sẽ không bao giờ trả lời là, ‘Anh sẽ làm gì khác đi nếu anh biết X vào lúc ấy?’ Tôi không bao giờ, không bao giờ chơi trò đó bởi vì anh đâu có biết X.

“Nếu bạn từng đọc bộ tiểu thuyết Elvis Cole do tiểu thuyết gia trinh thám vĩ đại Robert Crais viết - Elvis Cole là một nhân vật kiểu thám tử tư hậu hiện đại ở Los Angeles. Chúng là những tiểu thuyết tuyệt vời, và nhân vật chính có một đồng sự tên là Joe Pike. Ông ấy là nhân vật hư cấu yêu thích của tôi, có lẽ yêu thích nhất trong mọi thời đại. Ông ấy là một cựu trinh sát hải quân, rất giống với anh bạn Jocko của anh. Và trong tiểu thuyết, mỗi ngày Joe Pike luôn mặc trang phục giống nhau. Ông ấy mặc quần bò, một chiếc áo nỉ với hai cánh tay áo được cắt ngắn, đeo cặp kính phi công tráng gương. Ông ấy có các hình xăm mũi tên màu đỏ tươi chĩa về trước trên cơ vai. Và, về cơ bản, toàn bộ chuyện ông ấy làm là “tiến về phía trước”.

TIM: “Thì đó là cảm giác của anh?”

MARC: “Về phía trước, giống như: Chúng ta không dừng lại. Chúng ta không chậm lại. Chúng ta không thăm lại những quyết định trong quá khứ. Chúng ta không đoán mò lần thứ hai. Do đó, thú thật, với câu hỏi ấy, tôi không biết phải trả lời thế nào”.

TIM: “Tôi nghĩ anh đã vừa trả lời rồi”.

MARC: “Được rồi, tốt. Tiếp tục”.

Timothy Ferriss/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhan-vat-huyen-thoai-o-thung-lung-silicon-post1529435.html
Zalo