Nhân văn chương trình xóa nhà tạm - nhìn từ miền Trung

Hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại miền Trung đã và sẽ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở kiên cố, khang trang hơn.

Xóa nhà tạm, vun đắp niềm tin

Trong căn nhà mới, kiên cố, khang trang, rộng rãi, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là một cái Tết trọn vẹn, ngập niềm vui, tiếng cười với gia đình anh Zơ Râm Đồng (38 tuổi, dân tộc Cơ Tu, thôn A Pát, xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Gia đình anh Đồng hiện có 5 thành viên gồm 2 vợ chồng và 3 con. Thu nhập chính của hai vợ chồng đều trông vào nương rẫy nuôi 3 con. Anh Đồng cho biết, trước đây, trong căn nhà cũ mái tôn bị dột nát, sập xệ, trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột, lạnh, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến mùa mưa bão thì lo lắng sạt lở. “Vợ chồng tôi cũng mong mỏi cất được cái nhà mới kiên cố nhưng kinh tế eo hẹp nên nghĩ đến sửa nhà thôi cũng đã khó khăn. Vì vậy, ngôi nhà mới bây giờ đối với gia đình tôi như là giấc mơ thành hiện thực”, anh Đồng chia sẻ.

Anh Zơ Râm Đồng với ngôi nhà kiên cố được hỗ trợ xây mới từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

Anh Zơ Râm Đồng với ngôi nhà kiên cố được hỗ trợ xây mới từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ngôi nhà mới của anh Đồng là một trong số hàng nghìn ngôi nhà được xây mới từ phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2024. “Ngôi nhà này mình được nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, bà con hỗ trợ ngày công. Tết này, gia đình mình được đón Tết trong nhà mới nên ai cũng vui lắm, từ nay chỉ lo làm ăn”, anh Đồng vui vẻ nói và cho biết thêm, ngoài được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, xây nhà kiên cố, gia đình anh còn được hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế, chăn nuôi.

Cùng với anh Đồng, 20/55 hộ nghèo tại thôn A Pát cũng được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát và đón một mùa Xuân ấm áp.

Với tính thiết thực, ý nghĩa nhân văn, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ hàng chục nghìn các hộ nghèo, hộ khó khăn như gia đình anh Đồng có những ngôi nhà mới, kiên cố, vững chắc, mà còn phát huy được tinh thần đoàn kết, lan tỏa “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”.

Ông Nguyễn Thành Liêm – Chủ tịch UBND xã Phước Gia (huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) cho biết, đến hết năm 2024, xã đã hỗ trợ xây mới 33 ngôi nhà cho các hộ nghèo với các tiêu chí “3 cứng” (cứng nền, cứng tường và cứng mái). “Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương nhận lại sự phấn khởi của người dân và có sức lan tỏa rất lớn. Có nhà mới, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ai cũng phấn khởi, yên tâm để phát triển kinh tế”, ông Liêm nói.

Còn tại Kỳ họp cuối năm 2024 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi Võ Thanh An cho biết, nhân dân trong tỉnh rất phấn khởi về chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Đảng và Thủ tướng Chính phủ chủ trương phát động, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” của dân tộc ta.

Bộ đội biên phòng TP. Đà Nẵng góp sức hỗ trợ hộ nghèo Đà Nẵng xây dựng nhà ở

Bộ đội biên phòng TP. Đà Nẵng góp sức hỗ trợ hộ nghèo Đà Nẵng xây dựng nhà ở

Nhân lên những chương trình nhân văn khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình

Trong năm 2025, tỉnh Quảng Nam cần thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 6.300 hộ (Toàn tỉnh có 10.456 hộ nhà tạm, nhà dột nát, năm 2024 đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa hơn 4.100 nhà). Để thực hiện mục tiêu này, ngoài nguồn vốn theo các chương trình sử dụng vốn ngân sách, tỉnh cần huy động thêm các nguồn xã hội hóa. Trong tâm thư kêu gọi ủng hộ thực hiện chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh “Thêm một bàn tay chìa ra, chúng ta sẽ có thêm một viên gạch làm vững chắc hơn nơi ở của hộ đồng bào nghèo”.

Những ngày đầu năm 2025, TP. Đà Nẵng phát động ủng hộ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, với mục tiêu sẽ xóa 997 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trước ngày 2/9/2025. Ngay tại lễ phát động, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chung tay ủng hộ chương trình.

Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh khẳng định, xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm giúp cho người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống, với mục tiêu đến 2030 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng nhấn mạnh đến vai trò của sự đồng thuận, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc chung tay, góp sức cùng địa phương chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn… với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ở đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu.

Ở đó, song song với sự phát triển kinh tế, để đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; thì công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống của người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng của thiên tai, gia đình chính sách lại càng có ý nghĩa. Và những chương trình nhân văn, thiết thực như chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cần tiếp tục được nhân lên, phát triển hơn nữa vừa đảm bảo công bằng xã hội, vừa vun đắp niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, để đất nước thực sự phồn vinh và phát triển bền vững.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ giúp hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách có nơi ở kiên cố, khang trang, mà còn phát huy, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” của dân tộc ta.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhan-van-chuong-trinh-xoa-nha-tam-nhin-tu-mien-trung-372097.html
Zalo