Nhân lực là yếu tố quyết định thành công

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhân lực là nhân tố quyết định thành công cho mọi sự đổi mới. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của Hà Nội phải thật sự vượt trội về 'chất' thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tặng hoa chúc mừng thành tích của 5 học sinh tại kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn 2024. Ảnh: Sở GD&ĐT

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tặng hoa chúc mừng thành tích của 5 học sinh tại kỳ thi Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn 2024. Ảnh: Sở GD&ĐT

Hà Nội kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách

Thời gian qua, Hà Nội không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn rất quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực, coi đó là động lực quan trọng để phát triển. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với 313 cơ sở. Số lượng tuyển sinh và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có xu hướng tăng.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 71,1% năm 2021 lên 74,25% năm 2024. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 50,1% lên 54,05%. Chỉ số đào tạo lao động của Hà Nội cũng được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá ở vị trí dẫn đầu. Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn của TP đạt kết quả xuất sắc (dẫn đầu cả nước về số học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế) …

Có được những kết quả tích cực này, thời gian qua, Hà Nội đã ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đãi ngộ nhân tài. Để triển khai Luật Thủ đô 2024, HĐND TP Hà Nội đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách, trong đó có chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực. Tỷ lệ chi ngân sách TP cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề không ngừng gia tăng.

Năm 2024, tổng chi cho giáo dục nghề nghiệp của TP tăng gần 240% so với năm 2021; chi đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tăng trên 20% so với năm 2021… TP xác định 6 đối tượng nhân tài (thủ khoa xuất sắc; tiến sĩ có công trình khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; bác sĩ, giáo viên, giảng viên, chuyên gia giỏi; vận động viên; văn nghệ sĩ...) để thu hút thông qua hỗ trợ kinh phí, đãi ngộ đặc biệt và tạo điều kiện thuận lợi tham gia các dự án trọng điểm của TP.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, chất lượng đào tạo của Hà Nội vẫn còn những hạn chế như: chất lượng đào tạo về dạy nghề còn chưa đồng đều, một số cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và sự biến động nhanh chóng của thị trường lao động, dẫn đến thiếu hụt lao động có tay nghề cao.

Đặc biệt, sự gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động, giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động còn thiếu sự chặt chẽ, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ, gây lãng phí nguồn lực đào tạo và khó khăn trong giải quyết việc làm sau tốt nghiệp, còn tình trạng sinh viên ra trường phải đào tạo lại hoặc làm trái ngành nghề. Bên cạnh đó, công tác dự báo nhu cầu nhân lực làm căn cứ định hướng cho hoạt động đào tạo chưa cập nhật so với thực tiễn. Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng, phát triển nhân lực chất lượng cao còn nhiều bất cập.

Đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo

Để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong thời gian tới, Hà Nội cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn; đồng thời đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, đặc biệt về chuyên môn, kỹ năng công nghệ thông tin, ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy hiện đại. Bên cạnh đó, TP cần đẩy mạnh việc hiện đại hóa cơ sở vật chất, thúc đẩy mô hình đào tạo gắn với thực hành tại DN, đầu tư cho các ngành nghề trọng điểm.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhân lực là nhân tố quyết định thành công cho mọi sự đổi mới. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của Hà Nội phải thật sự vượt trội về “chất” thì mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Lợi thế của Hà Nội là “sức hút” nhân lực nhưng điều đó không phải tất cả mà lợi thế lớn hơn đó là có cả một hệ thống đại học hàng đầu đào tạo ra đội ngũ. Hà Nội cần đặt ra yêu cầu với các tiêu chuẩn cụ thể và đặt ra yêu cầu với các trường. Hà Nội cũng cần mạnh dạn hơn nữa trong việc cử thầy cô đủ khả năng để học hỏi thực sự một số trường tiên tiến (không phải đi tham quan) để về áp dụng. Ngoài ra, Hà Nội cần có các cơ chế đặc thù đối với đội ngũ, đó là thu nhập để bảo đảm cuộc sống theo mặt bằng chung của TP để thầy cô yên tâm công tác.

GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng Hà Nội nên tạo hình mẫu trường học và giáo dục để nhân rộng. Trong thời đại chuyển đổi số, việc xây dựng mô hình trường học phù hợp với thời đại cần được đặt ra như một giải pháp đột phá. Ví dụ như mô hình trường học thông minh sẽ thích ứng cao với môi trường công nghệ và sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại. “Trường học thông minh vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên các nền tảng ứng dụng tiến bộ công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và sự phát triển của từng học sinh nói riêng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước…” - GS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Mạnh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, quy định mới về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài được đưa ra trong Luật Thủ đô 2024 nhằm tạo tính đột phá xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Luật Thủ đô 2024 cụ thể hóa về cách thức hỗ trợ, tạo điều kiện để những người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng, nâng cao trình độ chuyên môn theo đúng sở trường. Đây sẽ là căn cứ để Hà Nội tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, để thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Hà Nội phải quy định các tiêu chí xác định nhân tài như người có tư cách, phẩm chất đạo đức, tinh thần cống hiến; người có trình độ, năng lực vượt trội; phải có sản phẩm và sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Từ đó sẽ có những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho sự phát triển của Thủ đô.

Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, trong đó chú trọng khuyến khích các tập đoàn, DN công nghệ nước ngoài đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ bằng các chính sách ưu đãi phù hợp. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số trong giáo dục và quản trị nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp, đầu tư hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhan-luc-la-yeu-to-quyet-dinh-thanh-cong-418149.html&dm=027b572e9e1c071dcb7910c5daa29efe&utime=mjaynta1mdkymzu5mzy=&secureurl=bf
Zalo