Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phước Tân 3 Phạm Thị Nam: Ứng dụng công nghệ giúp quản lý và dạy học hiệu quả hơn

Cô Phạm Thị Nam, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phước Tân 3.

Cô Phạm Thị Nam, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Phước Tân 3.

Cô Phạm Thị Nam, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở (THCS) Phước Tân 3 (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) là một trong số ít cán bộ quản lý cơ sở giáo dục của Đồng Nai được công nhận danh hiệu Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIEE) vào năm 2022. Với sự ghi nhận này từ cộng đồng, cô có điều kiện lan tỏa, chia sẻ và khuyến khích giáo viên tự học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương.

Báo Đồng Nai cuối tuần đã có dịp trao đổi với cô Phạm Thị Nam xoay quanh vấn đề ứng dụng công nghệ, triển khai giải pháp trường học trực tuyến hiện nay.

Thay đổi để thích ứng với xã hội

Thưa cô, hiện nay việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy là một giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như công tác quản lý nhà trường, với bản thân cô, đâu là khoảnh khắc, thời gian quyết định để mạnh dạn học hỏi, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý cũng như dạy học?

- Đó là vào thời điểm Việt Nam cũng như cả thế giới đang trong cơn khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Thời điểm ấy, hầu như mọi thứ đều đóng băng, cả trong ngành giáo dục cũng vậy. Lúc đó tôi là hiệu trưởng của Trường THCS Tam Phước (phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) khi mà dịch bệnh vẫn tiếp diễn thì mọi việc điều hành, gặp gỡ giáo viên, học sinh thường xuyên là không thể. Vậy là tôi quyết tâm làm sao để có thể giải quyết được tình hình.

Năm 2021, tôi tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo của Microsoft. Để tham gia vào nhóm, chúng tôi phải dành nhiều thời gian để học hỏi, nghiên cứu sâu về các nền tảng ứng dụng của Microsoft. Từ những kinh nghiệm thu được tôi trở lại kết nối, chia sẻ, lan tỏa với giáo viên trong nhà trường.

Chúng tôi bắt đầu xây dựng cho Trường THCS Tam Phước hệ thống trường học trực tuyến trên nền tảng Microsoft. Điều này giúp cho công tác quản lý về mọi mặt của nhà trường được thuận lợi hơn và công tác giảng dạy cũng có những sự đổi mới dựa trên công nghệ thông tin.

Năm ngoái, tôi được ngành điều chuyển về Trường THCS Phước Tân 3, về trường mới, các điều kiện và việc ứng dụng công nghệ thông tin còn khó khăn. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng để tiếp tục xây dựng Trường THCS Phước Tân 3 trở thành đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin tốt trong thời gian tới.

Cụ thể, việc triển khai trường học trực tuyến đã được cô và các đồng nghiệp thực hiện ra sao?

- Là người làm công tác quản lý nên khi đã vạch ra được mục tiêu cho mình, cho nhà trường thì rất may mắn là được sự hưởng ứng, đồng lòng của tập thể. Trong những buổi ban đầu, một số giáo viên có năng lực về công nghệ cùng tôi đã xây dựng chương trình trường học trực tuyến cho trường và các bạn ấy cũng tích cực tham gia vào cộng đồng giáo viên sáng tạo.

Chúng tôi đầu tư hệ thống mạng internet có kết nối wifi ổn định toàn bộ nhà trường, mỗi phòng học có hệ thống hình ảnh (tivi, bảng tương tác), có âm thanh đầu vào và đầu ra hoạt động tốt.

Nhà trường cung cấp tài khoản giáo dục cho toàn bộ giáo viên và học sinh, khai thác các tính năng của Microsoft như: Microsoft Forms, Microsoft Teams, OneDrive, Class Notes Book, SharePoint… Các khâu quản lý, thực hiện các phương pháp dạy học, các quá trình kiểm tra đánh giá, nguồn học liệu, thiết kế bài giảng… đã từng bước được khai thác, ứng dụng trên Microsoft.

Từng được công nhận là Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIEE) từ những nỗ lực của bản thân, điều đó mang lại tâm thế như thế nào đối với cô bởi thông thường thì MIEE chủ yếu là các giáo viên thực hiện công tác giảng dạy, rất ít người làm công tác quản lý?

- Thực tế thì đối với một người làm công tác quản lý, thời gian để tương tác, tham gia nhiều vào cộng đồng là không dễ dàng. Chỉ quyết tâm thay đổi và đam mê mới theo đuổi được. MIEE được Microsof đánh giá và trao tặng mỗi năm từ những đóng góp của từng cá nhân. Đây cũng là điều vinh dự đối với mỗi người và thông qua đó, được tiếp cận với những giải pháp mới trong giáo dục để về áp dụng tại đơn vị mình.

Một giờ học tại Trường trung học cơ sở Phước Tân 3. Ảnh nhà trường cung cấp

Một giờ học tại Trường trung học cơ sở Phước Tân 3. Ảnh nhà trường cung cấp

Con người vẫn là yếu tố cốt lõi

Triển khai là một chuyện nhưng để có thể kết hợp nhuần nhuyễn và tất cả mọi người đều có thể ứng dụng là không dễ. Vậy thì trong quá trình triển khai, chương trình có gặp khó khăn?

- Tất nhiên là sẽ có những khó khăn nhất định. Bản thân tôi vốn dĩ không phải là người giỏi công nghệ. Nếu không có đủ đam mê, nỗ lực tôi nghĩ mình sẽ không theo đuổi và triển khai được. Bên cạnh đó, với mỗi trường học lại có những điều kiện, cơ sở vật chất khác nhau nên việc áp dụng hiệu quả hay không còn tùy ở từng đơn vị.

Vấn đề đầu tư cơ sở vật chất vẫn đóng vai trò quan trọng, ngoài đầu tư của ngành giáo dục, của địa phương thì các nhà trường cũng cần làm tốt công tác xã hội hóa một cách rõ ràng, minh bạch. Phải làm sao cho phụ huynh nhận thấy được hiệu quả trong việc ứng dụng dạy học sáng tạo, dựa vào công nghệ để sẵn sàng hỗ trợ nhà trường. Kế đến nữa là vấn đề con người bởi đây mới chính là chủ thể. Cho dù đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ tốt nhưng đội ngũ giáo viên, quản lý nhà trường không triển khai hiệu quả thì cũng sẽ sản sinh nhiều vướng mắc.

Là người đứng đầu ban giám hiệu, kinh nghiệm của cô khi triển khai chương trình đến với các giáo viên ra sao?

- Tất nhiên là các giáo viên trong trường sẽ nhìn về ban giám hiệu trước tiên, do đó chúng ta phải tạo động lực cho giáo viên để họ thấy tính hiệu quả khi sử dụng công nghệ trong quản lý, dạy học. Ban giám hiệu không nên áp đặt mà phải khuyến khích, động viên giáo viên bằng chính sự quan tâm, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của từng người, động viên và nhân rộng những nhân tố tích cực. Tôi ví dụ, với giáo viên trẻ, việc ứng dụng dễ hơn và có thể tiếp cận nhanh công nghệ, tuy nhiên các giáo viên có thâm niên có kinh nghiệm trong giảng dạy song lại chậm hơn trong việc tiếp cận và sử dụng những công cụ do công nghệ mang lại. Chúng tôi không áp đặt mà chỉ mong các thầy cô có thể sử dụng được những công cụ cơ bản, hoặc là trong quá trình dạy học ngay chính các học sinh cũng có thể là người trợ giúp cho giáo viên bởi qua các em, giáo viên biết mình cần mô hình, phương pháp nào là phù hợp.

Tại ngôi trường mới, cô có mong muốn và nhắn nhủ gì đối với tập thể nhà trường trong việc ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng dạy học?

- Tôi mong mọi giáo viên đều cùng cố gắng bởi với công nghệ phát triển như ngày nay, nếu chỉ dạy học đơn thuần truyền thống như trước sẽ rất khó khăn. Các thầy, cô giáo cũng cần không ngừng nâng cấp để có thể khai thác tốt các ứng dụng từ Microsoft và các giải pháp khác phục vụ hiệu quả cho việc dạy học của mình. Đại dịch Covid-19 đã đặt mọi người vào tâm thế phải thay đổi, giáo viên tìm cách để tự đào tạo, tự học thông qua nhiều “kênh”, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ, nếu không sẽ ngày càng lạc hậu.

Xin cảm ơn cô!

Phần thưởng lớn nhất theo tôi chính là sự chiến thắng chính bản thân mình và điều đó sẽ tạo tác động, lan tỏa, làm động lực cho giáo viên tìm kiếm các nền tảng công nghệ, phương pháp mới trong quản lý lớp học, phát triển môn học của mình.

Văn Gia (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/hieu-truong-truong-trung-hoc-co-so-phuoc-tan-3-pham-thi-nam-ung-dung-cong-nghe-giup-quan-ly-va-day-hoc-hieu-qua-hon-6432a00/
Zalo