Giới và 'định kiến ngầm': Người trẻ có đang sống thật với con người mình?

Từ lựa chọn ngành học đến vị trí trong các giờ học, định kiến giới không còn hiện diện công khai mà âm thầm định hình cuộc sống sinh viên mỗi ngày. Những câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt: 'Nam làm về kỹ thuật, nữ nên thuyết trình', 'Con gái làm việc nhẹ thôi'... đang bó hẹp ước mơ, khả năng và cả bản sắc thật của người trẻ.

Định kiến ngầm – tuy mờ nhưng dai…

Nếu định kiến giới công khai là những biểu hiện dễ dàng nhận thấy như quan niệm “con gái không nên học quá cao”, thì định kiến ngầm lại tinh vi hơn, khó nhận diện hơn. Nó không mang dáng vẻ của áp đặt, mà len lỏi trong từng hành vi “vô thức”, từng lời khuyên “vì muốn tốt cho con”, từng câu nói xã giao “con gái học cái này cho nhẹ nhàng”, “nam làm nghề kỹ thuật hợp hơn”.

Chính bởi sự vô hình ấy, định kiến ngầm thường không gây phản ứng ngay lập tức, nhưng lại dần định hình suy nghĩ, bó hẹp lựa chọn, và kéo theo một thế hệ người trẻ học cách sống “vừa đủ” với vai trò mà xã hội đã mặc định. Và trong môi trường tưởng như tự do nhất – đại học, định kiến ngầm vẫn đang âm thầm định hình cuộc sống sinh viên mỗi ngày.

Bình đẳng trên bề mặt – Rào cản dưới ngầm sâu

Việt Nam hiện được quốc tế đánh giá là quốc gia có bước tiến đáng kể về bình đẳng giới trong giáo dục. Ở bậc phổ thông và đại học, tỷ lệ nhập học giữa nam và nữ gần như ngang bằng. Tuy nhiên, phía sau bức tranh bình đẳng ấy, định kiến giới vẫn đang âm thầm vận hành, đặc biệt trong lựa chọn ngành học và hướng nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh – Giảng viên Viện Báo chí và Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực bình đẳng giới.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh – Giảng viên Viện Báo chí và Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực bình đẳng giới.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ: “Định kiến giới vẫn chi phối đáng kể đến lựa chọn ngành học của sinh viên. Thực tế là, nam giới vẫn chiếm ưu thế trong các ngành kỹ thuật, công nghệ, trong khi nữ giới tập trung ở giáo dục, y tế và xã hội.”

Theo bà Tuyết Minh, sự phân hóa này phản ánh khuôn mẫu giới truyền thống vẫn tồn tại dai dẳng trong nhận thức, không chỉ ở người học là học sinh, sinh viên mà cả trong kỳ vọng của gia đình, thầy cô và cộng đồng. Báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng chỉ ra, tại Việt Nam, nữ giới gần như vắng bóng trong các ngành có thu nhập cao như kỹ sư, công nghệ thông tin, trong khi lại áp đảo ở các ngành dịch vụ chăm sóc có thu nhập thấp hơn.

Sống thật trong lớp học: Tưởng dễ mà khó

Trong giấc mơ của nhiều người trẻ, đại học là nơi được sống thật với chính mình, thoát khỏi những ràng buộc vô hình. Tưởng chừng những người trẻ chúng ta đang sống cuộc đời mơ ước ấy một cách dễ dàng. Nhưng thực tế, tự do ấy vẫn bị gò bó bởi những “vai trò giới” vô hình, chúng len lỏi trong từng buổi học, từng hoạt động ngoại khóa, từng kỳ thực tập của sinh viên.

Trong lớp học, không hiếm gặp cảnh các bạn nam đảm nhiệm phần thiết kế, dựng video, lập kế hoạch, còn bạn nữ lo trình chiếu, hậu cần, ghi chép hoặc làm “gương mặt đại diện” để thuyết trình. “Con gái khéo léo, cẩn thận”, “Con trai lý trí, mạnh mẽ” – những lời khen có cánh ấy tưởng như vô hại, nhưng thực chất là biểu hiện của cơ chế “định khung” theo Lý thuyết khung (Framing Theory) do nhà xã hội học Erving Goffman khởi xướng và sau này được phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực truyền thông bởi Robert Entman. Theo lý thuyết này, xã hội thường “đóng khung” vai trò giới thông qua việc nhấn mạnh một số đặc điểm được coi là điển hình. Từ đó dẫn dắt cách cá nhân nhìn nhận bản thân và hành xử theo khuôn mẫu ấy, dù không hề có lệnh cấm hay quy định cụ thể nào.

“Thiên lệch giới trong phân công vai trò được ngụy trang rất khéo léo bằng sự quen thuộc và cảm tính” TS. Tuyết Minh phân tích. “Nó khiến sinh viên dần chấp nhận, và tự điều chỉnh hành vi sao cho ‘đúng vai’ với giới của mình.”

Không chỉ trong lớp, các câu lạc bộ sinh viên cũng tái hiện mô hình phân vai cũ: nữ lo đối ngoại, truyền thông; nam phụ trách kỹ thuật, hậu cần, logistics. Đến cả việc chạy sự kiện, dựng sân khấu cũng được “chia đều theo giới”, như thể năng lực sinh viên phụ thuộc vào giới tính chứ không phải trải nghiệm và kỹ năng.

Ngay cả khi đi thực tập, bước đệm cho sự nghiệp sau này, định kiến vẫn kịp len vào bản mô tả công việc. Một số nữ sinh chia sẻ từng bị từ chối thực tập ở các đài thể thao hay bộ phận kỹ thuật vì “công việc vất vả, đi xa, không phù hợp với con gái”.

Truyền thông hai mặt: Cánh cửa mở hay chiếc gương phản chiếu định kiến?

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ với sinh viên về bình đẳng giới trong chương trình truyền thông với chủ đề “Nói không với sạn giới” – hướng tới xây dựng góc nhìn công bằng, không thiên kiến trong nội dung truyền thông.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ với sinh viên về bình đẳng giới trong chương trình truyền thông với chủ đề “Nói không với sạn giới” – hướng tới xây dựng góc nhìn công bằng, không thiên kiến trong nội dung truyền thông.

Trong kỷ nguyên mạng xã hội, người trẻ tưởng như đã có trong tay công cụ để thể hiện cá tính, nhưng thực ra cũng phải đối mặt với áp lực thể hiện đúng “khuôn hình” mà cộng đồng mạng mong muốn. Một bên là những chiến dịch bình đẳng giới truyền cảm hứng, những người trẻ vượt rào cản định kiến để thành công. Nhưng ở chiều ngược lại, vẫn là những video lan truyền thông điệp: “Con gái học Sư phạm là ổn định nhất”, “Con trai học Văn là yếu đuối”.

“Truyền thông hiện đại vừa là cơ hội, vừa là thách thức,” TS. Tuyết Minh nhận định. “Nếu thiếu định hướng, mạng xã hội có thể vô tình trở thành nơi tái sản xuất các định kiến, chứ không phải giải phóng con người khỏi chúng.”

Hướng đi nào cho sự lựa chọn công bằng và thật với bản thân?

Giải pháp, theo TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, không nằm ở việc xóa bỏ ranh giới giới tính một cách cực đoan, mà ở chỗ mở ra nhiều lựa chọn bình đẳng hơn – nơi người trẻ được trao quyền sống đúng với bản thân mình. Gia đình cần thay đổi cách nghĩ, ủng hộ con cái dựa trên năng lực và đam mê thay vì giới tính. Nhà trường nên tích hợp giáo dục bình đẳng giới vào chương trình hướng nghiệp, giới thiệu các hình mẫu nghề nghiệp “phi truyền thống” để học sinh – sinh viên có cái nhìn đa chiều. Truyền thông, với sức ảnh hưởng mạnh mẽ, cần chủ động kể lại những câu chuyện vượt khuôn mẫu, lan tỏa cảm hứng rằng: nghề không có giới – chỉ có đam mê và bản lĩnh.

“Đừng để giới tính giới hạn ước mơ của bạn. Ngành nghề không có giới – chỉ có đam mê và năng lực. Hãy chọn ngành bạn thực sự yêu thích và tin tưởng rằng: chính sự cố gắng và bản lĩnh mới quyết định thành công, không phải bạn là nam hay nữ.” TS. Tuyết Minh nhắn nhủ.

Bạn có đang sống thật với con người mình hay đang sống theo một tiêu chuẩn giới đã được viết sẵn? Trường đại học có thể là nơi bắt đầu của tự do, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi chúng ta dám tháo bỏ định kiến ngầm và sống đúng với giá trị thật của mình.

Thiện Nhân

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/gioi-va-dinh-kien-ngam-nguoi-tre-co-dang-song-that-voi-con-nguoi-minh-post1740882.tpo
Zalo