Nhận diện nguy cơ, chủ động bảo đảm an toàn lao động
Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2025 với chủ đề 'Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc' đang được công đoàn các cấp tỉnh Bình Thuận thực hiện quyết liệt, với mục tiêu nhấn mạnh bảo vệ sức khỏe, tính mạng quý giá của người lao động.
Khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, ngày càng có nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhiều công trình lớn, nhỏ được xây dựng thì một thực trạng đáng lo ngại đó là tai nạn lao động. Theo Bộ Nội vụ, năm 2024, cả nước ghi nhận 8.206 vụ tai nạn lao động khiến 584 người chết và 1.546 người bị thương nặng.
Trong số 63 tỉnh, thành, với nỗ lực của các cấp, ngành và nhiều doanh nghiệp đã có giải pháp phòng ngừa, số vụ tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nằm trong nhóm thấp và giảm. Cụ thể chỉ ghi nhận 7 vụ tai nạn lao động tại khu vực có quan hệ lao động, khiến 5 người chết, 2 người bị thương và không có trường hợp nào ở khu vực không có quan hệ lao động.

Người lao động tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, không chủ quan.
Với quyết tâm kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, trong thời gian cao điểm phát động Tháng hành động ATVSLĐ từ ngày 1 - 31/5/2025, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã triển khai đến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và các công đoàn cơ sở trực thuộc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm tốt về công tác ATVSLĐ. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động, người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội. Tuyên truyền kịp thời về nguyên nhân và cách phòng tránh các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cộng đồng.

Hoạt động tuyên truyền pháp luật cho cán bộ công đoàn và người sử dụng lao động năm 2024.
Ông Đỗ Hữu Quy – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh khẳng định: Sẽ thường xuyên đồng hành, hỗ trợ công đoàn cơ sở tổ chức thực hiện khâu đột phá của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII là “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là thời giờ làm việc, ATVSLĐ”, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm của tổ chức công đoàn trong thời gian tới. Trong đó chú trọng hướng dẫn cơ sở lựa chọn những nội dung đối thoại, thương lượng tập thể gắn với công tác ATVSLĐ và đặc thù ngành, nghề, công việc của từng đơn vị; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, triển khai các chế độ phúc lợi cho người lao động; chia sẻ, nhân rộng các mô hình điển hình về ATVSLĐ; hội thảo chuyên đề về ATVSLĐ...
Cùng với đó, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các chương trình hành động cụ thể về đảm bảo, an toàn, ATVSLĐ, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng môi trường làm việc an toàn, “Xanh – Sạch – Đẹp”, thân thiện.
Thêm một giải pháp nữa là tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn, an toàn vệ sinh viên, người lao động nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở, tổ, đội, phân xưởng, nhà máy các công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh… Đồng thời yêu cầu các hoạt động tập huấn, huấn luyện chuyên đề về ATVSLĐ phải gắn với huấn luyện thực hành, nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động công đoàn cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên.
LĐLĐ tỉnh sẽ chủ động đề xuất phối hợp với các sở, ban, ngành trong các hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát ATVSLĐ, tập trung vấn đề quan trắc môi trường lao động tại một số doanh nghiệp thuộc ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như khai khoáng, cơ khí, xây dựng, điện, làm việc trong không gian hạn chế, sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ...
Đối với người lao động hãy chủ động tự bảo vệ chính mình, đồng nghiệp bằng cách làm việc an toàn, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, không chủ quan, lơ là dù chỉ là một thao tác nhỏ.