Nhận diện cổ phiếu 'làm giá'
Trong những năm gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tục chứng kiến các thông tin thao túng giá cổ phiếu tác động rất xấu tới thị trường và ảnh hưởng nặng nề tới nhà đầu tư.
Mới đây nhất, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông tin về vụ thao túng cổ phiếu PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Theo đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Phan Thành Tâm đã sử dụng tới 164 tài khoản liên quan để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu PDR giữa các tài khoản với nhau nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu.
Đáng chú ý, bà Thảo từng là Kế toán trưởng, Trưởng Ban Kiểm soát nội bộ và Trợ lý đối ngoại của Ban Tổng Giám đốc tại Phát Đạt trong giai đoạn 2004 - 2018.
Nhìn lại thời gian trước, có thể thấy một loạt vụ việc thao túng cổ phiếu nhưng mức phạt chưa đủ sức răn đe. Có thể kể đến là vụ thao túng cổ phiếu GKM từ tháng 8/2021 đến tháng 1/2022. Ông Nguyễn Việt Hà, cựu CEO GKM Holdings, sử dụng 23 tài khoản để thao túng giá cổ phiếu, nhưng chỉ bị phạt hành chính 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch trong 2 năm.
Ngoài ra, còn có vụ thao túng cổ phiếu PSH của NSH Petro từ tháng 2/2021 đến tháng 5/2022. Tuy nhiên, phải đến tháng 5/2024 mới bị xử lý với mức phạt 6 tỷ đồng (4 cá nhân). Đáng chú ý, một trong các đối tượng vi phạm là con trai của Chủ tịch Hội đồng quản trị NSH Petro.

Các cổ phiếu “làm giá” thường gắn với hoạt động kinh doanh không tích cực, hoặc tính minh bạch không cao
Tương tự là trường hợp NSH Petro bị phạt tiền 92,5 triệu đồng đối với hành vi không công bố các thông tin theo quy định liên quan đến các tài liệu: Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022, năm 2023 và bán niên năm 2023...
Và không thể không kể đến “đại án” thao túng thị trường chứng khoán, thổi giá cổ phiếu FLC giai đoạn 2021 – 2022; vụ án thao túng chứng khoán Louis Holdings; thao túng chứng khoán ở bộ ba mã cổ phiếu API, APS, IDJ...
Một điểm chung có thể thấy là các cổ phiếu “làm giá” thường gắn với hoạt động kinh doanh không tích cực, hoặc tính minh bạch không cao.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, điểm chung của một số cổ phiếu làm giá là các doanh nghiệp này thường được niêm yết lên sàn chứng khoán với mục đích giúp lãnh đạo công ty có thể thoái vốn, bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư trên sàn.
“Đó là các doanh nghiệp có tình hình kinh doanh không tốt, nợ vay cao, cấu trúc tài chính có vấn đề; các cá nhân liên quan có mục đích tư lợi. Vì thế, họ sẽ chào bán cổ phiếu cho các cổ đông và dùng các nghiệp vụ tài chính để xử lý vấn đề”, ông Minh nói.
Theo vị chuyên gia này, trước các đợt chào bán cổ phần, những đơn vị này sẽ “kéo” giá cổ phiếu để nhà đầu tư cá nhân thấy sự hấp dẫn và sẵn sàng “đu bám”. Đi cùng với đà tăng giá là các câu chuyện về triển vọng kinh doanh tích cực. Sau các đợt chào bán thành công là các đợt bán mạnh cổ phiếu trên sàn. Nhiều nhà đầu tư sẽ bị lỗ nặng, hoặc “kẹt hàng” trong thời gian dài.
Để nhận diện những loại cổ phiếu này, ông Minh khuyến nghị nhà đầu tư phải chú ý đến tình hình tài chính của doanh nghiệp. “Một số dấu hiệu cảnh báo thường gặp là doanh nghiệp có đòn bẩy lớn, thậm chí cao nhất trong ngành; dòng tiền hoạt động kinh doanh âm; doanh thu và lợi nhuận đến từ hoạt động bán sỉ, bán dự án thay vì từ lĩnh vực chính”, ông Minh phân tích.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến chỉ số kinh doanh của công ty. Giả sử, nếu ROE dao động từ 2-5%, song vay nợ nhiều, thì có khả năng hoạt động kinh doanh hiệu quả sẽ không quá lớn. Thêm vào đó, việc phát hành cổ phần sẽ càng khiến cổ phiếu bị pha loãng, dẫn đến ROE ngày càng giảm và lợi ích cổ đông nhận về càng thấp.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, với xu thế dòng tiền trên thị trường ngày càng thông minh hơn, dòng tiền sẽ không còn tìm đến những cổ phiếu “làm giá”. “Một khi không có lượng cổ đông trung thành, việc huy động vốn sẽ ngày càng khó khăn và các cổ phiếu này cũng khó tồn tại trên thị trường”, một chuyên gia nhìn nhận.
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển bền vững, minh bạch được coi là một trong các yếu tố rất quan trọng, năm 2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo thị trường phát triển minh bạch, ổn định và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, đảm bảo cộng đồng nhà đầu tư ngày càng chuyên nghiệp, bền vững. Theo đó, tập trung phát triển các nhà đầu tư tổ chức thông qua việc củng cố hơn nữa các định chế quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán.