Nhận diện 4 vấn đề nổi bật trong dòng chảy pháp luật kinh doanh
Báo cáo 'Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2024' vừa được VCCI công bố đã tổng hợp, phân tích các vấn đề nổi bật trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật liên quan đến kinh doanh.
Ngày 22/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2024" và báo cáo "Đánh giá về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật". Đây là hai ấn phẩm quan trọng do VCCI thực hiện nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, năm 2024 tiếp tục ghi nhận sự sôi động trong công tác xây dựng pháp luật – với nhiều luật, nghị định, thông tư được sửa đổi, ban hành theo hướng cải cách.
"Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng quy trình lập pháp hiện nay vẫn còn nhiều điểm cần được cải thiện: từ cách chọn vấn đề, cách soạn thảo văn bản, đến cách lấy ý kiến và xây dựng các quy định chi tiết dưới luật. Việc sửa đổi đôi khi vẫn còn hình thức, thời gian chuẩn bị ngắn, chưa thực sự phản ánh đầy đủ thực tiễn", ông Công nhấn mạnh.
Thông qua việc theo dõi, phân tích các văn bản được ban hành và lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, VCCI nhận thấy một số “dòng chảy” chính trong hệ thống pháp luật kinh doanh năm 2024.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, quy trình lập pháp hiện nay vẫn còn nhiều điểm cần được cải thiện.
Thứ nhất, cải cách thủ tục hành chính và giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Những năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. Nhiều quy định đã được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, minh bạch và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Một tín hiệu tích cực là cộng đồng doanh nghiệp ngày càng chủ động hơn trong việc góp ý, phản biện chính sách. Nhiều chính sách ban hành trong năm 2024 đã thể hiện rõ dấu ấn từ thực tiễn doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn không ít văn bản chưa phản ánh đúng mong muốn của thị trường, do thời gian soạn thảo gấp, quá trình lấy ý kiến còn hình thức.
Thứ hai, một số chính sách cải cách vẫn chưa thực sự thuận lợi trong thực thi. Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng một số chính sách vẫn chưa tạo được chuyển biến thực chất. Nguyên nhân chính là do tư duy quản lý cũ chưa được thay đổi triệt để. Ví dụ, thủ tục đầu tư, cấp phép vẫn còn phức tạp; nhiều quy định kiểm soát chưa sát với thực tế. Một số lĩnh vực như xăng dầu, thiết bị bay, công chứng… vẫn tồn tại quy định thiếu linh hoạt, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Thị trường kỳ vọng vào một tư duy cải cách thực chất hơn – không chỉ trong việc rà soát, sửa đổi các quy định hiện hành, mà còn trong cách xây dựng chính sách mới theo hướng mở, minh bạch và thân thiện với doanh nghiệp.
Thứ ba, chính sách tài chính – thuế có nhiều chuyển động tích cực nhưng vẫn còn băn khoăn.
Chính sách thuế và tài chính tiếp tục được xem là công cụ hỗ trợ đắc lực cho phục hồi kinh tế. Nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí được triển khai. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phản ánh một số bất cập trong thực thi như áp lực chi phí, thời gian tuân thủ và sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật về thuế.
Công tác quản lý thuế cũng có nhiều cải tiến, đặc biệt trong thương mại điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số.
Thứ 4, chính sách thương mại điện tử đã có những điều chỉnh tích cực nhưng còn thiếu đồng bộ.
Thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế số. Nhiều chính sách mới đã được ban hành kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý. Dù vậy, vẫn còn những quy định chưa bao quát hết thực tiễn, đặc biệt đối với nhóm cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát. Việc hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi các bên liên quan, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch là rất cần thiết.
Bên cạnh việc phản ánh các dòng chảy pháp luật, báo cáo năm nay của VCCI cũng thực hiện một số nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề pháp lý có tác động lớn đến đầu tư – kinh doanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực đầu tư đất đai và đầu tư vào các dự án xử lý chất thải như nhà máy điện rác. VCCI cũng thực hiện nghiên cứu riêng về hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật – một công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước – để đưa ra khuyến nghị hoàn thiện, giúp vừa bảo đảm hiệu quả quản lý, vừa giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi tin rằng, báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2024 sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật", Chủ tịch VCCI bày tỏ.