Nhân dân tệ 'chinh phục' toàn cầu?
Vượt thách thức, chớp cơ hội trong cuộc chuyển dịch tiền tệ toàn cầu, Trung Quốc đang đưa Nhân dân tệ (NDT) dần khẳng định vị thế như một đồng tiền quốc tế quan trọng.

Tỷ lệ sử dụng NDT trong các giao dịch thanh toán toàn cầu đã đạt 4,74% - duy trì vị trí thứ tư trong thứ tự các đồng tiền được sử dụng nhiều nhất. (Nguồn: Freepik)
Trong một đề tài nghiên cứu công bố tháng 2/2025, các chuyên gia của nhóm nghiên cứu uy tín toàn cầu BBVA Research đánh giá, NDT đang tăng trưởng đều đặn như một loại tiền tệ quốc tế, với việc được sử dụng ngày càng tăng trong thanh toán, tài trợ thương mại, đầu tư và dự trữ. NDT chưa có được tầm ảnh hưởng của đồng USD hay EUR, nhưng những biến động trong hệ thống tài chính toàn cầu vẫn tiếp tục định hình “quỹ đạo” của đồng tiền này.
Cuộc dịch chuyển chiến lược
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chứng kiến sự chuyển dịch dần từ hệ thống tiền tệ đơn cực – với đồng USD chiếm vị trí thống trị - sang một cấu trúc đa cực linh hoạt hơn, Trung Quốc đang nỗ lực từng bước thúc đẩy quốc tế hóa đồng NDT. Đây không chỉ là chiến lược tài chính dài hạn nhằm củng cố vị thế kinh tế quốc gia mà còn là phép thử cho một trật tự tài chính mới đang dần hình thành.
Tờ South China Morning Post mới đây có bài nhận định rằng, nền tài chính thế giới đang tiệm cận một mô hình đa tiền tệ, trong đó vai trò chi phối tuyệt đối của đồng USD đang dần bị bào mòn bởi các yếu tố công nghệ, địa chính trị và sự trỗi dậy của những nền kinh tế lớn như Trung Quốc. Đồng thời, Bắc Kinh đang đẩy mạnh các sáng kiến nhằm đưa NDT trở thành một trong những đồng tiền dự trữ và thanh toán quan trọng trên toàn cầu.
Giáo sư Jin Keyu từ Trường Kinh tế London chia sẻ tại Hội thảo Viện Milken ngày 24/3 rằng, chỉ trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ thanh toán thương mại quốc tế bằng đồng NDT đã tăng từ 0% lên 30%, trong khi một nửa dòng vốn của Trung Quốc hiện được giao dịch bằng nội tệ. GS. Keyu nhấn mạnh, tỷ lệ dự trữ ngoại hối bằng các đồng tiền không truyền thống (phi USD, EUR, JPY...) đã tăng từ 2% lên 11%, phản ánh xu hướng toàn cầu đang nghiêng về sự phân tán tiền tệ thay vì tập trung vào một đồng tiền thống trị duy nhất.
Không thể không nhắc đến sự xuất hiện của các giải pháp công nghệ tài chính thay thế cho hệ thống thanh toán SWIFT truyền thống. Dự án mBridge - nền tảng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) phát triển và CIPS - hệ thống thanh toán xuyên biên giới do Trung Quốc vận hành là hai ví dụ điển hình cho nỗ lực xây dựng hạ tầng tài chính độc lập, ít phụ thuộc vào phương Tây.
Đến tháng 2/2025, theo Viện Tài chính quốc tế, Trung Quốc đã phát hành lượng trái phiếu Panda (trái phiếu được niêm yết bằng đồng NDT ở nước ngoài) lên tới 45 tỷ USD, vượt qua cả lượng trái phiếu Samurai bằng đồng Yen của Nhật Bản.
Ngoài ra, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với hơn 40 ngân hàng trung ương nước ngoài; thiết lập mạng lưới 31 ngân hàng thanh toán NDT tại 27 quốc gia, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi lớn – một chiến lược nhằm tăng mức độ chấp nhận và sử dụng đồng NDT trong thanh toán quốc tế.
Tại Diễn đàn Tài chính quốc tế tại Hong Kong, Trung Quốc năm 2024, cựu Thị trưởng Trùng Khánh Huang Qifan từng dự báo tỷ lệ sử dụng đồng NDT trong thanh toán toàn cầu sẽ tăng 1 điểm phần trăm mỗi năm, có thể đạt mốc 17% vào năm 2035. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng NDT trong thanh toán toàn cầu đạt 4,74% (ghi nhận vào tháng 7/2024). Đây là một mục tiêu tham vọng nhưng không phải là không thể trong bối cảnh địa chính trị biến động và các nền kinh tế đang tích cực tìm kiếm giải pháp để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Hệ sinh thái tài chính đa cực
Song hành với nỗ lực từ phía Trung Quốc, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ – đặc biệt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump - đã “vô tình” thúc đẩy xu hướng giảm niềm tin vào USD.
Theo nhà kinh tế Pháp Gilles Dufrénot, động thái Mỹ đơn phương áp thuế đối với các đối tác kinh tế có thể được xem là tín hiệu đe dọa trật tự tiền tệ quốc tế vốn vẫn xoay quanh đồng bạc xanh. Đồng USD bị sử dụng như một công cụ chính trị - thông qua các biện pháp trừng phạt, khiến nhiều quốc gia ngày càng hoài nghi về tính “trung lập” của nó.
Thực tế là, hệ thống tài chính quốc tế hiện tại vẫn chủ yếu dựa vào đồng USD, nhưng tỷ trọng trong dự trữ ngoại hối toàn cầu chỉ còn 57,4% vào quý III/ 2024, mức thấp nhất kể từ năm 1995 (79%).
Và dù USD vẫn chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu và hơn 30% giao dịch ngân hàng quốc tế, nhưng ngày càng nhiều quốc gia, đặc biệt là Các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS+), đang tìm cách xây dựng hệ thống thanh toán song song, sử dụng nội tệ hoặc các loại tiền tệ thay thế. Điều này cho thấy xu hướng chuyển dịch rõ rệt, nhằm giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một đồng tiền duy nhất.
Trong cấu trúc tài chính mới đang manh nha hình thành, đồng NDT đang có cơ hội lớn để chen chân vào các thị trường truyền thống của USD.
Theo dữ liệu từ SWIFT, tính đến tháng 7/2024, tỷ lệ sử dụng NDT trong các giao dịch thanh toán toàn cầu đạt 4,74% - duy trì vị trí thứ tư trong thứ tự các đồng tiền được sử dụng nhiều nhất trong thanh toán quốc tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực tài chính thương mại, NDT đã vượt qua Euro để trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ hai, chỉ sau USD, với thị phần đạt 6%.
Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn giữ thái độ thận trọng. Chủ tịch Primavera Capital Fred Hu nhận định, quá trình quốc tế hóa đồng NDT có thể kéo dài hơn dự kiến, do những vấn đề còn tồn tại trong nền kinh tế và cả việc thị trường tài chính chưa đủ minh bạch, thanh khoản như Mỹ. Dù vậy, với quy mô thương mại hàng đầu thế giới, Trung Quốc vẫn đang tạo ra cơ hội lớn để đồng tiền của họ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng tài chính toàn cầu.
Rõ ràng, Trung Quốc đang chơi một ván cờ dài. Mục tiêu không chỉ là giảm sự phụ thuộc vào USD, mà còn nhằm xây dựng một hệ sinh thái tài chính độc lập, phục vụ cho chiến lược tăng trưởng bền vững.
Giới phân tích cho rằng, sự trỗi dậy của NDT, cùng vai trò ngày càng lớn của các đồng tiền như Euro (EU), Rupee (Ấn Độ) hay Dirham (Saudi Arabia), cho thấy một xu thế không thể đảo ngược - thế giới đang tiến tới kỷ nguyên tài chính đa cực. Quá trình này có thể mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ… nhưng điều chắc chắn là USD sẽ không là lựa chọn duy nhất, còn NDT vẫn “nỗ lực” khẳng định vị thế trong các giao dịch quốc tế.